.
Ký sự pháp đình:

Chốn quay về...

Thứ Sáu, 16/09/2016, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Gia đình – đó là nơi bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Cho dù mọi thứ có quay lưng lại với ta thì có một thứ mãi mãi không hề thay đổi vẫn lặng thầm đi bên ta, vẫn dang tay đón ta trở về. Gia đình chính là nơi ta tìm về khi mệt nhoài trên con đường đời đầy rẫy chông gai...

 

Khi nhận ra điều đó, Bảo đã không còn gia đình. Cuộc đời vốn dĩ là sự trải nghiệm để đúc rút những bài học quý giá, những giá trị chân thực thường ngày nếu không biết trân quý thì sẽ có lúc hối hận, tiếc nuối khi đã đánh mất.

Hôm nay, Bảo đứng trước vành móng ngựa, đối diện với sự răn đe của pháp luật vì hành vi phạm pháp của mình.

Trước mặt là Hội đồng xét xử, sau lưng là những dãy ghế dài vắng lạnh, không một người tham dự, không một người thân. Dù đã cố gắng nhưng cũng không thể tươm tất hơn khi Bảo mặc trên người chiếc áo sơ mi đã cũ và đôi dép cao su mượn của "người bạn cùng phòng" trong trại tạm giam.

Khó ai có thể biết rằng, kẻ đang bị đưa ra xét xử này đã từng là cán bộ Nhà nước, nghề nghiệp ổn định, xuất thân từ gia đình có truyền thống giáo dục, bố mẹ đều đã từng là lãnh đạo đầu ngành về hưu. Có nền tảng gia đình căn bản, được giáo dục với trình độ nhận thức nhất định, cuộc sống của Bảo là niềm mơ ước của biết bao người. Nhưng chỉ vì ham chơi, chây lười lao động và đua đòi theo chúng bạn, Bảo đánh mất tất cả... Bảo bắt đầu rong chơi, ăn nhậu rồi sa vào cờ bạc, bỏ bê nhiệm vụ công tác, bị kỷ luật buộc thôi việc.

Vợ con ra sức can ngăn, Bảo gạt phăng hết. Dù đã hết lời nhưng vẫn không thể thay đổi được con người Bảo, vợ Bảo quyết định ly hôn rồi ôm con về nhà ngoại ở. Không phải đi làm, không có ai quản thúc Bảo "hả hê" vì có nhiều thời gian hơn, thoải mái hơn để ăn chơi. Cuộc sống của Bảo là chuỗi ngày u mê với những lá bài đen đỏ.

Không được "cậy con" trong những năm tháng tuổi xế chiều, bố mẹ Bảo đã bao phen khổ cực với những khoản chi phí "vung tay quá trán" của Bảo, đôi vợ chồng hưu trí gắng gượng bồi thường, chi trả những khoản nợ, những thiếu hụt do thói ăn chơi sa đọa của con với hy vọng có ngày Bảo sửa chữa, hoàn lương. Nhưng không, ông bà đều bị đột quỵ và qua đời cách nhau không lâu trong khi Bảo vẫn "chứng nào tật đó", không chịu tu dưỡng, làm ăn chân chính.

Được mấy tài sản trong nhà, Bảo bán hết, không có tiền tiêu xài, Bảo sinh ra trộm cắp. Mặc cho người anh trai duy nhất đang chật vật đấu tranh với căn bệnh ung thư quái ác, vẫn dằn từng cơn đau khuyên can Bảo làm lại cuộc đời. Bảo như con ngựa bất kham phi nước đại, cho đến ngày bị bắt...

Những ngày sống trong trại tạm giam, không một người thăm nuôi, những người bạn đã từng thề thốt "sống chết có nhau" giờ bặt vô âm tín, Bảo cảm nhận được sự cô độc, nhớ lại những lời khuyên can của người thân và thèm khát quay quắt một bữa cơm gia đình đầm ấm, có bố mẹ, có anh em.

Ngày mở phiên tòa xét xử, cũng đúng tròn 100 ngày mất của anh trai Bảo. Khi Hội đồng xét xử vừa hỏi đến nhân thân, Bảo òa khóc. Những lời nhận tội thành khẩn sau đó bị ngắt quãng theo từng tiếng nức nở.

Được nói những lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án, Bảo thành thật: "Bị cáo rất hối hận vì hành vi vi phạm pháp luật của mình. Mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, dù bị cáo không còn người thân nhưng bị cáo mong sớm được trở về nhà, chăm lo hương khói, thờ cúng cha mẹ. Bị cáo hứa sẽ tìm kiếm việc làm, lao động chân chính, sống cuộc đời có ích cho xã hội để an ủi phần nào cho cha mẹ và anh trai nơi chín suối"...

Nguyễn Thị Tú Anh