.

Về vụ "Vỡ tín dụng đen" ở Đồng Hới: Bất thường trong việc xử lý tài sản !?

Thứ Hai, 10/06/2013, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua hai lần điều tra và một lần phải hoãn phiên tòa, ngày 4-6-2013 TAND tỉnh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm để xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng và được xem là lớn nhất từ trước đến nay ở tỉnh ta. Không nằm ngoài sự dự đoán của dư luận về những vấn đề bất thường trong quá trình giải quyết vụ án này đối với việc xử lý tài sản của các bị cáo trong vụ án, suốt quá trình xét xử và sau khi Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết đã gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía các luật sư đại diện cho cả hai bên và các bị hại trong vụ án này.

>> Tuyên phạt Dương Thị Thúy Hà tù chung thân

Như chúng tôi đã thông tin, vì động cơ vụ lợi từ tháng 12-2010 đến tháng 6-2011 Dương Thị Thúy Hà (sinh năm 1972-đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường Hải Đình, Đồng Hới) và Nguyễn Văn Bảy (sinh năm 1970, chồng của Hà) đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 8 cá nhân ở phường Đồng Phú, Hải Thành, Hải Đình, Nam Lý (Đồng Hới); thị trấn Hoàn Lão, xã Đại Trạch (Bố Trạch) với tổng số tiền hơn 15,107 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ tháng 1-2010 đến tháng 6-2011 thông qua việc vay tiền của 5 người ở phường Hải Đình, Bắc Lý (Đồng Hới) và thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh) với tổng số tiền 12,49 tỷ đồng, Dương Thị Thúy Hà  đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Với các hành vi nêu trên, Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã tuyên phạt Dương Thị Thúy Hà mức án tù chung thân về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 13 năm tù về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt chung tù chung thân; Nguyễn Văn Bảy  12 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Về trách nhiệm dân sự tuyên buộc Dương Thị Thúy Hà và Nguyễn Văn Bảy phải bồi thường cho các bị hại tổng số tiền là 27, 597 tỷ đồng.

Giấy bán nhà không có chữ ký của bà Lĩnh và công chứng việc mua bán theo quy định của pháp luật.
Giấy bán nhà không có chữ ký của bà Lĩnh và công chứng việc mua bán theo quy định của pháp luật.

Ngoài số tiền chiếm đoạt nói trên, trong quá trình điều tra, Dương Thị Thúy Hà khai nhận còn lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của các cá nhân khác. Tuy nhiên, do các bị hại không tố giác nên theo quy định, cơ quan điều tra không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự. Riêng trường hợp bà Phan Thị Lĩnh tố cáo vợ chồng Hà - Bảy chiếm đoạt gần 13 tỷ đồng, nhưng sau đó hai bên đã tự thỏa thuận trả nợ, nên được xem là quan hệ dân sự.

Về mức án mà Hội đồng xét xử TAND tỉnh tuyên phạt nói trên đối với Dương Thị Thúy  Hà  và Nguyễn Văn Bảy dư luận cũng như các bị hại đều có chung quan điểm là thích đáng. Tuy nhiên, các luật sư bào chữa cho cả hai bên, đặc biệt là các bị hại đã phản ứng hết sức gay gắt quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và phán quyết của Hội đồng xét xử trong việc xử lý tài sản của Dương Thị Thúy Hà và Nguyễn Văn Bảy.

Cụ thể, luật sư bào chữa và các bị hại trong vụ án cho rằng việc ngôi nhà 3 tầng ở đường Lưu Trọng Lư, TP. Đồng Hới  (đây được xem là tài sản duy nhất của vợ chồng Hà - Bảy đến thời điểm xét xử) đã được bán một cách bất thường và  không đúng quy định của pháp luật trong quá trình xảy ra vụ án. Thể hiện rõ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành bắt tạm giam Dương Thị Thúy Hà, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã ký lệnh kê biên ngôi nhà nói trên (số 1/QĐ-PC46, ngày 28-7-2011) nhằm phục vụ điều tra cũng như bảo đảm cho việc giải quyết trách nhiệm dân sự trong vụ án này đó là việc trả một phần tiền mà vợ chồng Hà - Bảy đã chiếm đoạt của các bị hại sau khi bản án có hiệu lực thi hành.

Song điều bất thường là vào ngày 2-5-2012, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã ký lệnh hủy kê biên ngôi nhà nói trên với lý do: "Quá trình điều tra đã xác định ngôi nhà nói trên của bị can Dương Thị Thúy Hà đã giao dịch mua bán hoàn thành cho bà Phan Thị Lĩnh, trú tại tiểu khu 14, phường Bắc Lý, Đồng Hới vào ngày 2-5-2011, trước ngày khởi tố vụ án hình sự". Tuy nhiên, theo tài liệu của cơ quan điều tra được Hội đồng xét xử công bố tại phiên tòa thì chuyện bán nhà giữa vợ chồng Hà - Bảy với bà Lĩnh là thiếu căn cứ xác thực theo quy định của pháp luật. Giữa vợ chồng Hà - Bảy có một giấy bán đất và ngôi nhà nói trên đề ngày 2-5-2011, nhưng chỉ có chữ ký của vợ chồng Hà - Bảy, mà không có chữ ký của bà Lĩnh (người mua).

Hợp đồng ủy quyền chỉ để bà Lĩnh tất toán món vay và rút sổ đỏ ra khỏi ngân hàng chứ không hề nói đến việc mua bán nhà.
Hợp đồng ủy quyền chỉ để bà Lĩnh tất toán món vay và rút sổ đỏ ra khỏi ngân hàng chứ không hề nói đến việc mua bán nhà.

Đặc biệt hơn, giấy bán đất và ngôi nhà này không được công chứng và cũng không đề cập đến việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Thực tế, giữa vợ chồng Hà - Bảy và bà Lĩnh có một hợp đồng ủy quyền được lập ở Phòng Công chứng số 1 TP. Hồ Chí Minh đề ngày 4 và 5-7-2011, ủy quyền cho bà Lĩnh tất toán món vay hơn 2,7 tỉ đồng ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Quảng Bình để rút sổ đỏ của ngôi nhà nói trên. Hợp đồng ủy quyền này ghi: "Bên B (bà Lĩnh) được quyền thay mặt và nhân danh bên A (vợ chồng Hà - Bảy) liên hệ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Quảng Bình để nộp tiền, tất toán nghĩa vụ với ngân hàng và nhận lại bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi ngân hàng trả lại theo hợp đồng thế chấp nêu trên, căn cứ theo quy định của pháp luật".

Mặc dù có hai tài liệu nói trên, song Công tố viên giữ quyền công tố của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tại phiên tòa và Hội đồng xét xử vẫn khẳng định việc mua bán nhà giữa vợ chồng Hà - Bảy và bà Lĩnh đã hoàn thành khiến các bị hại phản ứng hết sức gay gắt. Luật sư Lê Minh Tâm (Văn phòng luật sư Hướng Dương), bảo vệ cho các bị hại đã đưa ra quan điểm: Hội đồng xét xử cần tuyên trả hồ sơ, điều tra lại từ đầu vì hai lý do: Số tiền mà vợ chồng Hà - Bảy chiếm đoạt của các con nợ nay ở đâu, cần điều tra làm rõ để trả lại cho bị hại. Và tuyên hủy "hủy lệnh kê biên" của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đưa ngôi nhà này vào diện tang vật của vụ án để bảo đảm việc giải quyết hậu quả cho các bị hại sau khi án có hiệu lực.

Ngay như cả luật sư bào chữa cho vợ chồng Hà - Bảy là ông Đỗ Ngọc Thiển (Văn phòng luật sư Công Bằng) cũng phản ứng khi phát biểu tại tòa: Là luật sư, ngoài việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ của tôi là vợ chồng bị cáo Hà - Bảy, nhưng tôi cũng có nghĩa vụ bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy tôi đề nghị Hội đồng xét xử  cần đưa ngôi nhà của vợ chồng Hà - Bảy vào vụ án để bảo đảm trả nợ một phần cho các bị hại, bởi lẽ vì tin vào ngôi nhà này mà nhiều người đã cho vợ chồng Hà - Bảy vay tiền. Luật sư Thiển cũng khẳng định, với hai tài liệu nói trên, thì việc mua bán ngôi nhà ở đường Lưu Trọng Lư chưa hoàn thành theo quy định của pháp luật.

Với việc các ý kiến của luật sư nói trên bị Công tố viên giữ quyền công tố của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tại phiên tòa và Hội đồng xét xử  bác bỏ,  nhiều bị hại đã bật khóc ngay tại phiên tòa sau khi nghe tuyên án, bởi hy vọng cuối cùng được bù đắp một phần nhỏ mất mát từ ngôi nhà nói trên đã không được Hội đồng xét xử xem xét.

                                                                         Nhóm P. V Bạn đọc