.

Cải cách tư pháp-còn nhiều việc phải làm

Thứ Ba, 14/05/2013, 09:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Công tác cải cách tư pháp là một yêu cầu bức thiết đặt ra đối với công cuộc đổi mới nền hành chính, pháp luật đất nước. Trong năm 2012 và các tháng đầu năm nay hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp của các cơ quan, tổ chức có sự tiến bộ. Tuy nhiên, so với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ của cải cách tư pháp mà Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đề ra công tác cải cách tư pháp ở tỉnh ta còn rất nhiều việc phải làm...
    
Thời gian qua công tác cải cách tư pháp đã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban Thường vụ cấp uỷ các cấp hết sức quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã củng cố kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh. Theo đó hoạt động tư pháp được đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động tiến hành đúng quy định pháp luật.

Năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013, các cơ quan tư pháp đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tư pháp và cải cách tư pháp đạt kết quả khá toàn diện. Trong đó, Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân các huyện, thành phố đã thụ lý gần 2.000 vụ (riêng năm 2012 thụ lý 1.814 vụ án các loại); giải quyết, xét xử 1.630 vụ, đạt tỷ lệ 81,5%; tổ chức xét xử lưu động 63 vụ án. Kết quả, hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong hạn luật định, với thời gian giải quyết ít hơn nhiều so với thời gian tối đa theo quy định của pháp luật.

Tòa án hai cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư khi tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án (có khoảng 30% vụ án có luật sư tham gia). Việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, được coi  là khâu đột phá của cải cách tư pháp, giúp phán quyết của Tòa án đúng đắn hơn.

Trong xét xử hình sự, đối với các vụ án nghiêm trọng, gây dư luận không tốt trong nhân dân hoặc xảy ra nhiều trong thời gian gần đây (như: giết người, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ...), các Tòa án đã áp dụng mức án cao nhất trong khung hình phạt, kiên quyết không cho bị cáo hưởng án treo.

Đối với trường hợp không thống nhất với Viện kiểm sát trong việc đánh giá trách nhiệm hình sự của bị can trong vụ án, Tòa án tỉnh đã hướng dẫn Tòa án cấp dưới trả hồ sơ, đồng thời tổ chức họp các ngành hữu quan để bàn bạc, thống nhất cách giải quyết nhằm tránh bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Đối với các vụ án trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Tòa án các cấp đã thực hiện nghiêm theo quy định tại Chỉ thị 15 CT/TW ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị.

Cảnh sát giao thông khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn.
Cảnh sát giao thông khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn.

Trong giải quyết, xét xử các loại án khác (dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính), nhìn chung các Tòa án đã tuân thủ quy định của pháp luật về lấy lời khai, thu thập chứng cứ, thẩm tra, xác minh chứng cư, trưng cầu giám định, yêu cầu các cơ quan, tổ chức giao nộp chứng cứ khi đương sự không tự mình thực hiện được, xem xét thẩm định tại chỗ, tổ chức hòa giải, đối thoại, tạo điều kiện cho các bên tranh tụng tại phiên tòa... nên các phán quyết của Tòa án có căn cứ pháp luật. Đã có gần 40% tổng số vụ việc dân sự được hòa giải thành, đạt hiệu quả cao, góp phần ổn định tình hình cơ sở. Về đề án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Tòa án nhân dân tỉnh đã hoàn tất các thủ tục và đã trình Tòa án nhân dân Tối cao báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của cách cách tư pháp, hoạt động của Toà án còn bộc lộ một số tồn tại, yếu kém. Đó là, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa giảm chưa đáng kể; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa có chuyển biến nhưng chưa thật sự rõ nét; còn xảy ra tình trạng thiếu thống nhất trong việc xác định tội danh, dấu hiệu tội phạm, quan điểm đường lối xử lý các vụ án, trong đó, đáng chú ý là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật của một số thẩm phán còn hạn chế. Các vụ án xét xử lưu động chủ yếu là án hình sự mà chưa tăng cường xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình.

Trong năm 2012, có 9,5% vụ án bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm xét xử hủy án, chiếm tỷ lệ 0,6%; 44 vụ bị sửa, chiếm tỷ lệ 3% (có một vụ án chỉ huỷ 1/2 vụ). Thời gian gần đây dư luận không đồng tình với kết quả xét xử một số vụ án trên địa bàn, như vụ chém người ở Bố Trạch...

Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã thụ lý kiểm sát hoạt động điều tra 650 vụ/1.304 bị can, truy tố chuyển Tòa 436 vụ/823 bị can. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa. Về cơ bản, điều tra viên, thẩm phán đều đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm tố tụng, nên không có trường hợp nào phải yêu cầu thay đổi.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đổi mới hoạt động tư pháp Viện kiểm sát  hai cấp còn phải làm nhiều việc. Trước hết là, nâng cao trình độ cho đội ngũ kiểm sát viên. Qua theo dõi được biết chất lượng hoạt động kiểm sát điều tra của một số vụ án hình sự chưa cao; năng lực thực hành quyền công tố và tranh tụng tại phiên toà của một số kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp. Công tác điều tra một số vụ án kinh tế còn chậm, vai trò kiểm sát thúc đẩy hoạt động điều tra còn chưa tích  cực, một số vụ án phải qua nhiều lần điều tra bổ sung. Vẫn còn một số vụ việc trong kiểm sát điều tra, truy tố chưa chặt chẽ dẫn đến xử đi xử lại nhiều lần.

Thí dụ như vụ án Nguyễn Thị Hà, Trường đại học Quảng Bình đã xét xử 2 cấp nhưng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao vẫn có kháng nghị đề nghị huỷ án vì lý do không khởi tố, truy tố một số cán bộ có trách nhiệm ở Trường đại học Quảng Bình là bỏ sót tội phạm và thiếu nghiêm minh. Mới đây Viện kiểm sát nhân dân tỉnh vừa tổ chức công khai xin lỗi bà Trần Thị Tiểu Minh (Giám đốc doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Ý Nhật, ở tiểu khu 2, phường Hải Đình, TP. Đồng Hới) về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam oan sai đối với bà.

Bởi vậy, vấn đề đặt ra đối với Viện kiểm sát nhân dân hai cấp là cần quan tâm, chú trọng thực hiện biện pháp nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa, nhất là việc tranh tụng các vụ án có luật sư tham gia. Tăng cường trách nhiệm của cán bộ, kiểm sát viên trong kiểm sát các bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhằm kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị; nâng cao chất lượng kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm. Vì rằng thời gian qua còn xảy ra tình trạng thiếu thống nhất trong việc xác định tội danh, dấu hiệu tội phạm, quan điểm đường lối xử lý các vụ án, trong đó đáng chú ý là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý 712 vụ/1.520 bị can, giải quyết 635 vụ/1.357 bị can, đình chỉ điều tra 19 vụ/21 bị can, tạm đình chỉ điều tra 33 vụ/42 bị can, đang điều tra 93 vụ/175 bị can; có 120 vụ/160 bị can có luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa...

Chất lượng đội ngũ cán bộ điều tra viên tuy đã có những tiến bộ, song so với yêu cầu nhiệm vụ vẫn còn hạn chế, nhất là còn ít cán bộ vừa tinh thông nghiệp vụ, vừa giỏi về ngoại ngữ và hiểu biết về pháp luật quốc tế để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới cơ quan công an cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ điều tra viên, cán bộ kỹ thuật hình sự, thi hành án hình sự, hỗ trợ tư pháp, nhất là ở cấp huyện.

Vừa qua Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát hai vụ việc (vụ việc liên quan đến Công ty TNHH một thành viên Lệ Ninh và Công an huyện Lệ Thuỷ; một vụ việc liên quan đến cơ quan điều tra Công an Tuyên Hoá và Viện kiểm sát nhân dân Minh Hoá) cho thấy chất lượng điều tra của điều tra viên còn hạn chế. Qua giám sát Ban Pháp chế đã kịp thời có kiến nghị các hạn chế, sai sót để yêu cầu cơ quan chức năng khắc phục sửa chữa.

Bởi vậy ngành Công an cần tăng cường rà soát, bố trí luân chuyển cán bộ điều tra, điều tra viên giữa các đơn vị nhằm phát huy hiệu quả trong công tác điều tra, có chương trình kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, quản lý nhà nước nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng trong công tác điều tra xử lý tội phạm và hỗ trợ tư pháp. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở thiếu sót trong quá trình thực hiện công tác tư pháp để cán bộ, chiến sỹ thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng; chỉ đạo kịp thời công tác điều tra, xử lý các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, vụ án liên quan đến cán bộ, đảng viên; xử lý dứt điểm, nghiêm minh những vụ án dư luận quan tâm trên địa bàn tỉnh.

Đối với đội ngũ giám định tư pháp ở tỉnh ta còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp lý có lúc chưa đáp ứng nhiệm vụ phục vụ hoạt động tố tụng. Cơ sở vật chất của các tổ chức giám định (Trung tâm giám định Y khoa- Pháp y, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh) còn thiếu và chưa được đầu tư theo hướng hiện đại.

Một trong những vướng mắc của công tác cải cách tư pháp cần tháo gỡ là, theo quy định của pháp luật hiện hành, lãnh đạo các cơ quan tư pháp do cơ quan tư pháp Trung ương bổ nhiệm, không do Hội đồng nhân dân bầu. Bên cạnh đó, theo quy định của nghị quyết Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn thì lãnh đạo cơ quan tư pháp địa phương không thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân. Vì vậy, kết quả giám sát và kiến nghị của Hội đồng nhân dân qua giám sát đối với các cơ quan tư pháp chưa phát huy được hiệu lực.

Hoạt động của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp chưa thường xuyên; một số thành viên Ban chỉ đạo chưa phát huy hết vai trò trong thực hiện nhiệm vụ được phân công.

                                                                                        Tr. Thái