.
Cựu chiến binh Tuyên Hóa:

Phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi

Thứ Ba, 21/11/2017, 10:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong thời gian qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), phong trào cựu chiến binh (CCB) giúp nhau làm kinh tế, xóa nghèo bền vững ở các địa phương trong tỉnh ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Huyện Tuyên Hóa đã có hàng trăm mô hình kinh tế thành công của các CCB nhờ sử dụng nguồn vốn ưu đãi này.

Sau 15 năm đồng hành cùng với người nghèo, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho hội viên CCB và các đối tượng chính sách.

Đến nay, dư nợ ủy thác qua Hội CCB tỉnh đạt gần 400 tỷ đồng với trên 15 nghìn hội viên được vay vốn ưu đãi. Tuyên Hóa là một trong những huyện có nhiều CCB làm kinh tế giỏi, phát huy đúng mục đích nguồn vốn vay. Hầu hết CCB Tuyên Hóa tham gia vay vốn đều tập trung đầu tư chủ yếu vào chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, từ đó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần tăng trưởng kinh tế tại địa phương.

Qua lời giới thiệu của ông Lê Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, chúng tôi về thăm gia trại của CCB Lê Văn Soát, ở thôn Tam Đa, xã Sơn Hóa. Nhìn gia cảnh hiện tại, khó ai có thể tin, chỉ cách đây 5 năm, gia đình ông Soát vẫn là một trong những hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của địa phương.

Kể từ năm 2012, sau khi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ PGD NHCSXH huyện Tuyên Hóa, với chương trình vay vốn hộ nghèo, ông Soát đã vay 20 triệu đồng để đầu tư nuôi bò sinh sản. Đến đầu năm 2015, gia đình ông trả hết nợ và thoát được nghèo.

Đến tháng 7-2015, ông tiếp tục vay vốn chương trình dành cho các hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với số tiền 30 triệu đồng để làm mô hình trang trại VAC, phát triển chăn nuôi. Hiện, CCB Lê Văn Soát có 25 con bò (có thời điểm 30 con) và 1 ao cá. Nhờ thuận lợi  trong sản xuất kinh doanh, nên ông cũng đã chủ động giúp đỡ nhiều hội viên CCB khác có việc làm và cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Gia đình CCB Nguyễn Quang Anh, thôn Đông Sơn, xã Sơn Hóa tham gia vay 40 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để chăn nuôi tổng hợp gia súc, gia cầm, ao chuồng. Hiện, tổng đàn của gia đình ông, gồm: 7 con bò, 100 con gà, 5 lợn và 1 ao cá. Đời sống gia đình nhiều đổi thay, ổn định được kinh tế đời sống và yên tâm nuôi dạy con cái, từng bước thoát nghèo, vững chắc kinh tế hộ.

Nói về những nỗ lực cố gắng của các CCB trên địa bàn, ông Lê Tuấn Anh cho biết thêm, xã Sơn Hóa còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng hầu hết bà con khi tham gia vay vốn đều cố gắng phát huy nguồn vốn và đặc biệt là những hộ gia đình CCB, như: ông Lê Văn Soát và ông Nguyễn Quang Anh... Hy vọng trong thời gian tới NHCSXH tiếp tục đồng hành cùng người nghèo trên địa bàn.

Đàn bò của CCB Lê Văn Soát ngày càng phát triển nhờ nguồn vốn ưu đãi.
Đàn bò của CCB Lê Văn Soát ngày càng phát triển nhờ nguồn vốn ưu đãi.

Được biết, Hội CCB huyện Tuyên Hóa hiện có 5.136 hội viên, trong đó 70%  hội viên trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho các hội viên CCB tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, Hội CCB huyện Tuyên Hóa đã tích cực tham gia với PGĐ NHCSXH huyện để giải quyết vốn vay cho các CCB. Năm 2003, khi mới triển khai chương trình này, Hội CCB huyện Tuyên Hóa phối hợp với NHCSXH giải ngân được 320 triệu đồng, cho 64 hội viên vay, mỗi hộ được vay 5 triệu đồng.

Đến nay sau 15 năm triển khai chương trình, tổng dư nợ đạt trên 74 tỷ đồng với số hộ CCB được vay vốn là 2.501 hộ. Từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, hàng trăm gia đình hội viên CCB trong huyện đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. 

Sau hơn 15 năm, số hội viên nghèo từ 25,7%  giảm xuống còn 14,4%, hộ cận nghèo từ 30,2% giảm  xuống còn 17%. Có được kết quả đó là nhờ Hội CCB huyện Tuyên Hóa đã tập trung chỉ đạo Hội CCB các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả việc ký kết phối hợp và hợp đồng ủy thác giữa tổ chức Hội và NHCSXH. Đồng thời, Hội tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân và cán bộ hội viên thực hiện thông qua các kênh, các chương trình cho vay.

Thường trực Hội CCB các xã, thị trấn cùng 52 tổ tiết kiệm và vay vốn hàng năm đều tham gia đầy đủ các lớp tập huấn và chương trình cho vay hộ nghèo, vay giải quyết việc làm. Các cơ sở hội phối hợp chặt chẽ với các thôn triển khai nắm chắc đối tượng, tham mưu cho Ban xóa đói giảm nghèo chỉ đạo, rà soát chặt chẽ việc bình xét, thẩm định thực tế trước khi cho vay.

Bên cạnh đó, các cấp hội thường xuyên gắn nội dung sơ kết, tổng kết, khen thưởng thi đua hàng năm với công tác vay vốn và nhiệm vụ giúp hội viên xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, thông qua nguồn vốn vay, hội viên CCB đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng tỷ lệ trồng rừng lên cao, mạnh dạn đầu tư cây ăn quả, rau màu, tập trung phát triển đàn bò lai sind, lợn hướng nạc, nuôi gia cầm, thả cá cho hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, hiện nay, Hội CCB huyện Tuyên Hóa có 7 trang trại,  60 gia trại, tổng số vốn trên 13 tỷ đồng, thu hút hàng trăm lao động, hàng năm tạo ra một số lượng hàng hóa không nhỏ góp phần nâng cao đời sống cho hội viên CCB.

Ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, cho biết: “Những đồng vốn vay với lãi suất ưu đãi của NHCSXH đã trở thành cứu cánh cho không ít hộ gia đình CCB nghèo. Không những thế, nhiều hộ gia đình CCB đã sử dụng đồng vốn linh hoạt, hiệu quả để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Phong trào thi đua giúp nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo đã khơi dậy được tình cảm đồng chí, đồng đội, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, tương thân, tương ái vươn lên trong lực lượng hội viên”.

Để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, thời gian qua, cán bộ, hội viên CCB thường xuyên tổ chức gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay. Hàng năm, Hội tiến hành bình xét những hộ CCB có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gương sản xuất, kinh doanh giỏi từng sử dụng vốn vay để tuyên truyền nhân rộng. Hàng tháng, hàng quý, Hội tổ chức kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vốn của hội viên, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nảy sinh; phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể để giám sát, kiểm tra, quản lý nguồn vốn. Với những mô hình hay, cách làm tốt, Hội CCB xã Sơn Hóa đã góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Hiền Phương