.

Về làng lập nghiệp

Thứ Tư, 27/09/2017, 10:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Khác với nhiều thanh niên lớn lên muốn ly hương để xây dựng tương lai, hai chàng trai Cao Sông Danh ở thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương và Nguyễn Văn Thắng ở thôn Lý Nguyên, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch lại quyết tâm về quê mở trang trại sản xuất chăn nuôi, phát triển kinh tế...

1. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hướng Phương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, chàng thanh niên Cao Sông Danh (1987) tốt nghiệp Trường cao đẳng xây dựng và cao đẳng hàng hải. Nhưng, anh đã vững tâm quyết định chọn quê nhà để lập nghiệp. "Dám nghĩ, dám làm" là những cụm từ mà mọi người nơi đây dành tặng cho chàng thanh niên này.

Khi được hỏi tại sao không theo ngành mình chọn học để lập nghiệp mà trở về quê hương, anh Danh cho biết, tốt nghiệp ra trường, anh tìm được việc làm thu nhập khá nhưng sống xa nhà, chi phí nhiều, làm mấy năm cũng chẳng tích góp được. Trong khi ở quê, gia đình có một trang trại chăn nuôi, không có người làm. Vậy là Danh quyết định nghỉ việc ở công ty về quê lập nghiệp.

Xuất thân con nhà nông, anh đã quá quen với những việc đồng áng, chăn nuôi, nhưng để "làm ăn lớn", anh vẫn còn nhiều việc phải làm. Vừa ở nhà phụ thêm gia đình, tranh thủ mọi thời gian rảnh, Danh đi tìm đến những trang trại làm ăn có hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm. Được một thời gian, anh thuyết phục bố mẹ thế chấp thẻ đỏ vay vốn, mạnh dạn đấu thầu hơn 4,5 ha diện tích đất vùng gò đồi ở thôn Hướng Phương để mở rộng trang trại sản xuất.

Ảnh 3 : Mô hình chăn nuôi gà thịt và ấp trứng nhân giống gà con của anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Lý Nguyên, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch.
Mô hình chăn nuôi gà thịt và ấp trứng nhân giống gà con của anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Lý Nguyên, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch.

Ban đầu, nguồn vốn còn eo hẹp, anh chỉ đầu tư mua 4 con lợn rừng về nuôi thử. Anh chọn chăn nuôi lợn theo hình thức tự nhiên, chuồng trại không cần xây bao bọc, chỉ đơn giản là rào lưới sắt xung quanh, thức ăn chủ yếu là cây cỏ quanh vườn nhà. Sau một thời gian, lợn phát triển và sinh sản tốt, ít bị dịch bệnh, chất lượng thịt ngon. Anh quyết định mở rộng chuồng trại, tận dụng con giống để phát triển chăn nuôi.

Từ đó, mỗi năm đàn lợn rừng của anh càng phát triển nhiều thêm. Từ năm 2014 đến nay, chuồng trại của anh Danh lúc nào cũng có 10 con lợn nái, bình quân mỗi năm sinh sản hai lứa, dao động từ 120 đến 140 con. Mỗi năm, anh  xuất bán gần 100 con lợn rừng thương phẩm, với giá bán từ 150 đến 200 ngàn đồng/kg. Riêng đối với lợn giống, anh bán 200 ngàn đồng/kg.

Không dừng lại ở đó, khi có thêm nguồn vốn, anh đầu tư đào 3 ao cá, mỗi năm thả 4 ngàn con cá các loại và nuôi hàng trăm con gà chọi. Ngoài ra, anh còn trồng hơn 3 ha rừng tràm và bạch đàn. Mỗi năm, từ mô hình trang trại, anh thu lãi hơn 350 triệu đồng.

2. Với sự năng động của tuổi trẻ, tốt nghiệp Đại học sư phạm khoa Giáo dục thể chất vào năm 2013, Nguyễn Văn Thắng, (SN 1991), ở thôn Lý Nguyên, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch quyết tâm lập nghiệp tại quê nhà.

Tận dụng diện tích đất vườn nhà, tháng 11-2016, Nguyễn Văn Thắng đã mạnh dạn vay vốn, xây dựng chuồng trại để nuôi gà kiến và gà lai chọi, đồng thời cung cấp gà giống nhằm phát triển kinh tế. Với cách thức nuôi gà mái đẻ ấp trứng, bình quân mỗi tháng Thắng cho ấp khoảng 400 quả trứng. Số gà con sau khi nở, Thắng vừa bán gà giống, vừa nuôi để xuất bán gà thương phẩm.

Hiện tại, gia trại của Thắng đang nuôi hơn 1.000 con gà thương phẩm và 150 con gà mái. Đối với gà giống, Thắng đầu tư 2 máy ấp trứng, bình quân mỗi tháng, xuất bán 400 con, giá bán khác nhau tùy vào ngày tuổi.

Riêng gà thương phẩm, Thắng nuôi một lứa trong thời gian khoảng 6 tháng, khi gà đạt trọng lượng từ 1,2 đến 1,5 kg thì xuất bán. Với giá dao động từ 100 đến 150 ngàn đồng/kg. Để giúp gà phát triển tốt, nguồn thức ăn chủ yếu là lúa và các loại bột ngô, cám gạo, bột sắn, bột cá được ủ lên men. Với phương pháp này, chất lượng thịt được nâng cao, người nuôi tiết kiệm chi phí lại giúp cho hệ tiêu hóa.

Trang trại của Thắng luôn đặt tiêu chuẩn "thực phẩm sạch" lên hàng đầu để phục vụ khách hàng, nên luôn được thị trường ưa chuộng. Hiện tại, cơ sở của gia đình Thắng đang cung cấp gà giống cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, Thắng cùng với gia đình trồng hơn 1 ngàn gốc chuối, đào ao thả 2 ngàn con cá trắm và rô phi.

Tuy mới thành lập, nhưng bước đầu, trang trại của Thắng thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Thắng dự định tiếp tục vay vốn mở rộng quy mô sản xuất. Thắng chia sẻ: Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thêm hệ thống máy ấp trứng để cung cấp thêm nguồn con giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn, tiếp tục xây dựng chuồng gà đẻ và gà thịt với quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, hiện tại, điều khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn. Vì thế, tôi rất mong các cơ quan, ban, ngành tạo mọi điều kiện giúp đỡ về nguồn vốn để phát triển sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương”.

Sinh ra từ làng, những thanh niên như Cao Sông Danh và Nguyễn Văn Thắng đang khẳng định được sức trẻ từ những cách làm giàu của riêng mình. Với sự nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ từ cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, thời gian tới, hy vọng sẽ có nhiều thanh niên trẻ "lập thân, lập nghiệp" trên chính mảnh đất quê hương mình.

Đ.Phong