.

Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Ba Đồn: Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

Thứ Ba, 19/09/2017, 10:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong thời gian qua, thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH ủy thác từ Thị đoàn Ba Đồn, nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã chủ động đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng.

Theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các văn bản liên tịch của Trung ương Đoàn và Ngân hàng CSXH Việt Nam, Ban Thường vụ thị đoàn Ba Đồn đã tích cực phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH thị xã triển khai hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Vĩnh Quý, Bí thư Thị đoàn Ba Đồn, cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ủy thác luôn được Ban Thường vụ thị đoàn quan tâm.

Ở mỗi cấp, Thi đoàn đều phân công 1 đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách và bố trí cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách theo dõi, tổ chức thực hiện. Thị đoàn củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; tích cực kiểm tra, kịp thời xử lý những tồn tại, hạn chế giúp việc giải ngân, quản lý, sử dụng vốn trở nên có hiệu quả. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ ủy thác cho vay liên tục tăng qua các năm.

Trong 15 năm qua, dư nợ nhận ủy thác của Đoàn thanh niên thị xã liên tục tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình tín dụng. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác từ các chương trình do Thị đoàn quản lý là 56.519 triệu đồng với 42 tổ tiết kiệm và vay vốn và 1.507 hộ.

Với nguồn vốn vay từ NHCSXH, nhiều thanh niên TX. Ba Đồn đã đầu tư phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao.
Với nguồn vốn vay từ NHCSXH, nhiều thanh niên TX. Ba Đồn đã đầu tư phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao.

Ngoài việc hỗ trợ đoàn viên thanh niên tiếp cận nguồn vốn, những năm qua, công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho cán bộ Đoàn các cấp và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đã được Đoàn thanh niên thị xã phối hợp với NHCSXH thực hiện khá tốt.

Trong 15 năm đã có gần 1.200 lượt cán bộ Đoàn các cấp và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn được tập huấn. Đoàn Thanh niên các cấp đã chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức kinh tế, các nhà khoa học, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, khuyến công tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn. Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để tổ chức cho đoàn viên thăm quan, trao đổi kinh nghiệm, học tập và làm theo.

Có thể nói, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng đến với đoàn viên đã phát huy tác dụng. Nhiều đoàn viên đã vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của thị xã, giảm hộ nghèo trong toàn thị xã xuống còn 7,41% năm 2016 (theo chuẩn mới). Các mô hình kinh tế của thanh niên xuất hiện nhiều và có chiều hướng đa dạng hóa về ngành nghề trên những lĩnh vực: kinh doanh, dịch vụ, xây dựng, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, kinh tế trang trại, vườn đồi... Có trên 40 mô hình kinh tế của thanh niên tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, quá trình triển khai hoạt động ủy thác của các cấp Đoàn thanh niên thị xã còn gặp một số khó khăn, như: một số hộ sử dụng vốn sai mục đích; tình trạng nợ quá hạn vẫn còn cao, một số Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn năng lực còn hạn chế, sổ sách theo dõi chưa khoa học. Công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc của các cấp chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục. Công tác quản lý của một số cán bộ Đoàn còn hạn chế, lúng túng, do vậy, chưa phát hiện sai sót kịp thời, chế độ thông tin báo cáo của một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc.

Trong thời gian tới, các tổ chức Đoàn mong muốn NHCSXH xem xét tăng số dư nợ của tổ chức Đoàn, đồng thời, tiếp tục cùng với Đoàn thanh niên tập trung đẩy mạnh công tác xử lý nợ nhằm bảo đảm an toàn và phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nhất là phối hợp trong việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn và ngăn chặn nợ quá hạn gia tăng.

Mặt khác, Thị đoàn sẽ cố gắng làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu; triển khai hiệu quả công tác huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn.

H.Phương