.

Một mô hình trồng nấm hiệu quả

Thứ Tư, 13/09/2017, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau sự cố môi trường biển, sinh kế của người dân xã biển Hải Trạch (Bố Trạch), nhất là chị em phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề. Để giúp các hội viên có thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống, Hội Phụ nữ xã Hải Trạch đã vận động chị em xây dựng, phát triển mô hình trồng nấm. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, hiệu quả của mô hình đã được chứng minh.

Đến thăm cơ sở sản xuất nấm Liên Hương của chị Nguyễn Thị Liên (thôn Trung Hòa, xã Hải Trạch), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi quy mô mà chủ nhân đã đầu tư cho nghề. Qua câu chuyện chị kể, được biết vào thời điểm tháng 5-2016, khi xảy ra sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, cuộc sống của người dân xã biển Hải Trạch nói chung và chị em phụ nữ nói riêng gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Trăn trở với con đường mưu sinh cho chị em, Hội Phụ nữ xã đã khuyến khích hội viên tìm hiểu một số mô hình kinh tế triển vọng. Nhận thấy mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư lại ít, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế gia đình, sau khi cất công tìm hiểu mô hình trồng nấm ở nhiều nơi, nhất là cơ sở nấm Tuấn Linh (Sơn Lộc, Bố Trạch), chị Liên bắt đầu tìm hiểu, làm quen với nghề trồng nấm và quyết định thử nghiệm trồng nấm sò. Lúc đầu, chị chỉ trồng với quy mô nhỏ với khoảng 2.000 bịch, sau đó nhận thấy hiệu quả cao, nên chị Liên mạnh dạn đầu tư mở rộng.

Sau mấy vụ, nấm sò của chị Liên vừa tận dụng được nguyên liệu sẵn có của địa phương (như mùn cưa) và nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp (như rơm, rạ), vừa bảo đảm môi trường, lại là thực phẩm sạch, nên rất được thị trường ưa chuộng. “Tôi xác định làm nấm sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đưa ra thị trường sản phẩm nấm chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Mô hình trồng nấm đã giúp nhiều chị em ở xã Hải Trạch có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Mô hình trồng nấm đã giúp nhiều chị em ở xã Hải Trạch có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nhờ đó nấm sò của chúng tôi sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Không chỉ trồng nấm sò, tôi còn thử nghiệm trồng thêm nấm linh chi và đang cho hiệu quả bước đầu”, chị Liên chia sẻ. Hiện tại, với 10.000 bịch, mỗi ngày cơ sở nấm Liên Hương thu hoạch được khoảng 1-2 tạ nấm, thu khoảng 2-2,5 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 12 chị em ở địa phương.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng nấm của chị Liên, nhiều chị em phụ nữ khác ở Hải Trạch đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề. Đến nay, toàn xã có hai cơ sở trồng nấm với trên 30 hội viên phụ nữ tham gia. “Trồng nấm không khó, cũng không vất vả với điều kiện phải nắm vững quy trình kỹ thuật vì sự tăng trưởng và quá trình phát triển của nấm có liên quan đến nhiều yếu tố, như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng...

Trồng nấm tận dụng được diện tích sẵn có của vườn nhà và nhân lực trong gia đình cũng như thời gian nhàn rỗi trong ngày, vốn đầu tư lại ít. Với những ưu điểm đó, mô hình trồng nấm được Hội Phụ nữ xã xác định là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng tại địa phương”, chị Lê Thị Mai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Trạch cho biết.

Trong những năm qua, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế trên địa bàn xã Hải Trạch đã có nhiều khởi sắc, những mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Với hiệu quả của mô hình trồng nấm, Hội đã giúp nhiều chị em định hướng được nghề nghiệp, thoát khỏi những khó khăn do sự cố môi trường biển gây ra. Mặc dù, mới hình thành chưa lâu, nhưng sản phẩm nấm của chị em phụ nữ xã Hải Trạch đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin dùng. Hiện nay, thị trường của nấm Hải Trạch là các chợ trong toàn tỉnh Quảng Bình và mở rộng thị trường ra các tỉnh lân cận, như: Quảng Trị, Hà Tĩnh, Huế...

Nhờ hiệu quả kinh tế cao và đầu ra ổn định, nghề trồng nấm đã góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình và tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động. Đây sẽ là hướng làm ăn mới không những giúp tăng thu nhập kinh tế gia đình hội viên mà còn góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền xã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương theo hướng đa dạng hóa và sớm hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế trong xây dựng nông thôn mới.

Đ.V