.

Mùa biển hơn 700 tỷ đồng của ngư dân Đức Trạch

Thứ Ba, 12/09/2017, 14:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau những khó khăn do sự cố môi trường biển, những tháng đầu năm 2017, thời tiết thuận lợi, ngư dân xã Đức Trạch (Bố Trạch) đã tích cực vươn khơi và có một mùa biển bội thu với doanh số thu được hơn 700 tỷ đồng….

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Bình, ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch cho biết, vượt qua những khó khăn do sự cố môi trường biển, từ đầu năm 2017 đến nay, ngư dân xã Đức Trạch đã nỗ lực bám biển và có một mùa biển bội thu.

“Theo thống kê, từ đầu năm đến nay tổng sản lượng đánh bắt của ngư dân Đức Trạch đã đạt trên 11.000 tấn, vượt 3.000 tấn so với kế hoạch năm và đạt doanh thu trên 700 tỷ đồng... Nếu như trong cả năm 2016, bình quân mỗi lao động làm nghề đánh bắt trên các tàu cá ở xã Đức Trạch chỉ được trả công trên dưới 100 triệu đồng, thì 7 tháng đầu năm nay họ đã được các chủ tàu trả công từ 110 đến 130 triệu đồng/người”, ông Hoạt chia sẻ.

Nhiều chiếc tàu cá công suất lớn của ngư dân Đức Trạch đánh bắt hiệu quả ở vùng biển xa.
Nhiều chiếc tàu cá công suất lớn của ngư dân Đức Trạch đánh bắt hiệu quả ở vùng biển xa.

Theo ông Hoạt, hầu hết các tàu cá công suất lớn, đặc biệt là các tàu cá được đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Đức Trạch đều có doanh thu hàng tỷ đồng, có nhiều tàu đạt từ 5 đến 7 tỷ đồng. Đặc biệt, có nhiều tàu cá chỉ sau một chuyến biển đã có doanh thu từ 500 đến 600 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, như: tàu cá của các ngư dân: Hồ Lương Dũng, Hồ Đăng Toàn, Hồ Đăng Hiền, Nguyễn Văn Tiệp... Đây là những ngư dân sở hữu tàu công suất lớn được đóng theo Nghị định 67 (cả vỏ gỗ và vỏ thép) và đều đánh bắt ở những ngư trường xa, như: Hoàng Sa, Vịnh Bắc bộ...

Theo ngư dân Hồ Đăng Toàn, người sở hữu chiếc tàu vỏ thép công suất lớn với tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ đồng theo Nghị định 67, tàu vỏ thép của ông được hạ thủy từ tháng 12-2016, tính đến nay, tàu đã đi được 8 chuyến biển và đều đạt doanh thu từ 650 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Trong những chuyến biển vừa qua, những bạn tàu đi trên tàu cá của ông  đều được trả công từ 25 đến 27 triệu đồng/chuyến.

Ông Trương Công Hoạt cho biết, dù trải qua những thời điểm thăng trầm khác nhau nhưng ngư nghiệp luôn đóng góp hơn 90% tỷ trọng kinh tế của địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, Đức Trạch có gần 600 phương tiện, với khoảng 2.000 lao động tham gia đánh bắt trên biển; trong đó có phần lớn là tàu công suất từ 350-1.000CV với hơn 1.500 lao động tham gia đánh bắt xa bờ ở ngư trường xa, như: Hoàng Sa, Vịnh Bắc bộ...

Cũng theo ông Hoạt, để bổ sung cho đội tàu hùng hậu này, hàng năm, ngư dân Đức Trạch đã đầu tư đóng mới thêm hàng chục chiếc tàu cá. “Chưa bao giờ ngư dân Đức Trạch chịu đầu tư lớn như lúc này. Không chỉ có những con tàu đóng mới theo Nghị định 67, nhiều ngư dân cũng đã mạnh dạn đầu tư để đóng mới tàu cho mình. Chỉ tính trong 2 năm trở lại đây, ngư dân Đức Trạch đã đóng mới trên 100 chiếc tàu cá công suất lớn từ 450-1.000CV. Đặc biệt, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, những ngư dân trước đây chuyên đánh bắt gần bờ, được nhận tiền đền bù đã vay thêm để đóng tàu lớn vươn khơi...” - ông Hoạt nói.

Phan Phương