.

Tạo sinh kế cho ngư dân vùng biển

Thứ Năm, 17/08/2017, 10:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau sự cố môi trường biển, cùng với việc kịp thời chi trả bồi thường thiệt hại, huyện Quảng Ninh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp khôi phục và chuyển đổi nghề để ổn định đời sống.

Toàn huyện Quảng Ninh có 15 xã, thị trấn, trong đó 12 xã (gồm 1 xã ven biển và 11 xã, thị trấn thuộc vùng cửa sông) có đối tượng chịu ảnh hưởng do sự cố môi trường biển. Sau sự cố này, huyện Quảng Ninh đã có những chính sách, giải pháp hỗ trợ ban đầu để người dân vượt qua khó khăn, đồng thời đã tích cực triển khai công tác chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân trên địa bàn theo đúng trình tự quy định.

Đến nay, huyện đã tiến hành chi trả được trên 200 tỷ đồng trong tổng số trên 255 tỷ đồng do tỉnh cấp. Riêng địa bàn xã ven biển Hải Ninh, số tiền chi trả lên tới gần 150 tỷ đồng.

Sau khi người dân nhận được tiền đền bù, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động bà con sử dụng tiền đền bù hợp lý, có mục đích để khôi phục và chuyển đổi nghề, ổn định đời sống, như: khuyến khích ngư dân cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư cụ để vươn khơi, bám biển. Hoặc chuyển hình thức sản xuất đánh bắt từ biển lên bờ lập gia trại, trang trại chăn nuôi, trồng trọt; phát triển, mở rộng thêm một số ngành nghề mới; xuất khẩu lao động...

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, so với một số địa phương khác, như: Tân Ninh, Duy Ninh, Võ Ninh..., Hải Ninh là xã ven biển bãi ngang duy nhất của huyện Quảng Ninh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau sự cố môi trường biển. Toàn xã có 1.554 hộ, trong đó 95% hộ dân sống bằng nghề khai thác biển và nuôi trồng thủy sản.  Người dân nơi đây quanh năm bám biển, bám ngư trường nên thời gian qua, cuộc sống bị đảo lộn, gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, trên cơ sở hướng dẫn của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực động viên, hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn trước mắt. Huyện đã cùng với người dân bàn thảo, đề ra nhiều giải pháp để vừa khôi phục vừa chuyển đổi ngành nghề phù hợp về lâu dài cho bà con.

Với sự động viên, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân Duy Ninh, Võ Ninh đã khôi phục và mở rộng nuôi cá lồng trên sông. Ở Tân Ninh, bà con đã triển khai nạo vét cải tạo ao hồ để sẵn sàng vụ nuôi trồng thủy sản mới khá thuận lợi; một số người dân đầu tư mua sắm ngư lưới cụ để tiếp tục làm nghề đánh bắt thủy hải sản...

Mô hình nuôi ếch của gia đình ông Nguyễn Thanh Huệ cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi ếch của gia đình ông Nguyễn Thanh Huệ cho hiệu quả kinh tế cao.

Riêng ở Hải Ninh, bước đầu vận động bà con chuyển đổi ngành nghề phù hợp với địa hình, thổ cư vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Bởi vốn nghề biển đã ăn sâu vào máu thịt người dân từ bao đời. Những tập tục thân thuộc khó có thể rời xa những ngư dân luôn gắn bó với nghề ra khơi vào lộng.

Tuy nhiên, trong cả quá trình dài chính quyền địa phương vừa nghiên cứu, tìm tòi các mô hình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, có đầu ra dễ dàng và thu nhập khá ổn định. Vừa vận động người dân hợp tác. Cán bộ, đảng viên trong xã vừa trực tiếp tham gia hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình, nên đến nay bà con cơ bản tin tưởng  vào việc chuyển đổi ngành nghề và tạo được hiệu ứng tích cực.

Đồng hành, sâu sát với bà con xã ven biển duy nhất của huyện Quảng Ninh, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh Lê Văn Khởi chia sẻ, để bà con trên địa bàn chọn được hướng đi phù hợp, từ cuối năm 2016 cho đến nay, các tổ chức đoàn thể ở xã đã tích cực mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Trong đó, Hội Nông dân xã đã tổ chức được 4 lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt và 3 lớp định hướng xuất khẩu lao động nước ngoài. Hội Phụ nữ xã mở 2 lớp tập huấn về chế biến món ăn và 2 lớp trồng rau, hành, dưa hấu... Hiện, nhiều ngư dân của xã Hải Ninh sau khi tham gia tập huấn đã biết vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể để triển khai chăn nuôi hay trồng trọt phù hợp với khả năng của từng gia đình.

Ngoài ra, UBND xã cũng đã phối hợp các công ty, doanh nghiệp theo sự giới thiệu của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội định hướng cho người dân đi xuất khẩu lao động. Nhờ đó, nhiều lao động trên địa bàn tìm kiếm được việc làm tại các nước, như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Kể từ khi xảy ra sự cố môi trường biển đến nay, Hải Ninh có 80 lao động được tuyển, nâng số xuất khẩu lao động trong toàn xã lên 142 người.

Mới đây, một mô hình trồng cây công nghiệp ngắn ngày đang triển khai trên địa bàn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và bà con. Đó là mô hình trồng cây hương bài. Cây hương bài là loại cây dùng để ép lấy tinh dầu trầm và nguyên liệu để làm hương. Cây có đặc điểm dễ sinh trưởng, ít sâu bệnh, sống trên đất nghèo kiệt hay dưới tán rừng đều phù hợp.

Sau khi tổ chức đợt đi học tập mô hình trồng và sản xuất cây hương bài tại thành phố Huế, xã Hải Ninh đang triển khai cho 1 hộ dân trồng thí điểm với diện tích 2,5 ha. Được sự hỗ trợ về giống, phân bón với tổng kinh phí 150 triệu đồng của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh, một hộ dân đã có đất lâm nghiệp tại thôn Cừa Thôn đang tiến hành các bước làm đất, xuống giống.

Tại thôn Tân Định có hộ ông Nguyễn Thanh Huệ (65 tuổi), một gia đình ngư dân linh hoạt trong chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống. Ông Huệ vừa chăm sóc đàn ngan, gà và bồ câu, cho biết: "Vừa qua, được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi và trồng trọt, bản thân tôi và gia đình mở mang nhiều điều. Nhà tôi đã phát triển thêm đàn ong nuôi lấy mật.

Ngoài ra, tôi cũng nuôi thêm gà, ngan, bồ câu, ếch, cá và trồng rau. Tính sơ bộ, hàng tháng tôi thường thu được từ 3 đến 5 triệu đồng. Với những sản phẩm có đầu ra phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân, nên hầu như ngày nào nhà tôi cũng có thu nhập ổn định cuộc sống.

Tôi đã đầu tư chuồng trại để sắp tới chăn nuôi thêm dê. Ban đầu sẽ nuôi dê sinh sản, về sau nhân rộng ra sẽ nuôi dê thương phẩm. Với diện tích 1 ha đất, tôi cũng trồng các loại cây. Hiện nay, để chuẩn bị thức ăn cho đàn dê, tôi đã trồng cây sầu đông và rau muống biển.

Được biết, cây hương bài có giá trị kinh tế, tôi cũng đã tự trồng thử và thấy rằng loại cây này rất dễ trồng, lại không lo đầu ra nên sắp tới tôi cũng ưu tiên nhân rộng. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi sinh kế cho bà con mang lại hiệu quả bền vững, rất mong các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm hỗ trợ, bao tiêu cho các sản phẩm nông nghiệp, giúp bà con yên tâm đầu tư sản xuất". 

"Chính quyền xã Hải Ninh cũng đang tiến hành các thủ tục giao đất cho bà con để các hộ dân chủ động trong sản xuất, phát triển kinh tế. Sau khi giao đất, xã sẽ tiến hành cho trồng điểm cây hương bài ở địa bàn 5/5 thôn, mỗi thôn từ 3-5 ha.

Xã cũng đã liên hệ về việc cung cấp nguồn giống, chuyển giao kỹ thuật và cam kết thu mua sản phẩm với Nhà máy hương sạch Tân Nguyên ở thành phố Huế để bảo đảm các khâu từ đầu đến cuối cho bà con yên tâm sản xuất. Với giá 8.000-10.000đ/kg cây lá tươi, 38.000-40.000đ/kg cây lá khô, chu trình canh tác 1 năm/1 vụ, dự kiến 1ha cây hương bài cho thu nhập khoảng 80-100 triệu đồng.

Đặc biệt để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, cây hương bài còn phù hợp với việc trồng xen ghép. Ngoài xen ghép với keo, tràm, xã đang có hướng trồng hương bài xen ghép với cây đinh lăng. Đây cũng chính là hướng đi mới nhiều triển vọng nhất đối với ngư dân vùng biển Hải Ninh"- Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Khởi khẳng định thêm.

Hương Trà