.
Chuyện quản lý:

Lợi ích nhỏ, thiệt hại lớn!

Thứ Hai, 28/08/2017, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Với những nỗ lực mạnh mẽ trong công tác quảng bá, đa dạng hoá và đẩy mạnh các hoạt động du lịch, 7 tháng đầu năm 2017, du lịch tỉnh đạt nhiều con số khả quan.

Cụ thể: tổng lượt khách ước đạt 2 triệu lượt, tăng 30% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 50.000 lượt, tăng 65% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ, riêng doanh thu chuyên ngành du lịch ước đạt 315 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.

Đây là những con số biết nói, khẳng định sự phục hồi ngoạn mục của du lịch tỉnh sau ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển.

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế sẵn có về thiên nhiên, đa số du khách khi đến Quảng Bình đều có chung nhận xét rằng con người Quảng Bình chân chất, thật thà và hiếu khách. Nhiều du khách từng đến Quảng Bình và tiếp tục quay lại một phần cũng bởi cái tình và tấm lòng hiếu khách của người dân nơi đây. Nói như vậy để thấy tầm quan trọng của việc ứng xử, đối đãi với du khách cũng quan trọng không kém so với những kỳ quan tuyệt đẹp mà tạo hoá đã ban tặng trong việc thu hút du khách đến với Quảng Bình.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái nhìn thiện cảm về vùng đất, con người Quảng Bình, chúng ta đang có những việc làm đánh mất thiện cảm của du khách. Đơn cử, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Hưng Trạch (Bố Trạch), người dân hai bên đường bày bán rất nhiều sản vật địa phương, như: ổi, mít, chuối, trong đó có “Ổi ông Thái” - một thương hiệu địa phương khá nổi tiếng. Rất nhiều đoàn xe du lịch khi đi qua đây đều dừng lại để mua.

Chị Nguyễn Thị Thu Hường, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi dự định chỉ mua 1kg ổi để ăn, nhưng thấy nhiều người bán đều mời, thôi thì mua mỗi người một ít!”. Tâm trạng của chị Hường cũng là tâm trạng chung của nhiều người khi dừng mua hàng tại đây, đặc biệt khi các sản phẩm được quảng cáo là “cây nhà lá vườn” được bà con hái mang đi bán.

Tôi cũng từng giống như các du khách mua mít, ổi... bán dọc đoạn đường này mang về ăn. Kết quả sau nhiều ngày chờ đợi, mít bổ ra đều là mít non, nấu canh không được, ăn chín cũng không xong, còn chất lượng ổi hoàn toàn không giống như quảng cáo.

Quá thất vọng, chuyến đi lần sau tôi tìm hiểu kỹ thì được biết, nhiều bà con mua ổi chất lượng kém và giá rẻ ở nơi khác về rồi quảng cáo là “ổi ông Thái” hoặc ổi nhà tự trồng. Tương tự, mít cũng thế, biết rõ mười mươi là mít non nhưng nhiều người vẫn quảng cáo là mít chín loại đặc biệt để bán cho du khách với giá cao.

Tại thành phố Đồng Hới, nơi du khách có nhu cầu mua hải sản, một số tiểu thương sẵn sàng cân non hoặc bán hàng kém chất lượng. Khi được hỏi làm vậy không sợ bị mất uy tín, dẫn đến mất khách hàng, thì nhiều người thản nhiên: “Ôi dào, họ đi một lần, lần sau có quay lại nữa đâu mà sợ, bán được cứ bán!”. Tương tự, một số quán ăn, nhà hàng cũng tranh thủ “chặt chém” du khách, bao gồm cả du khách nước ngoài, đặc biệt là vào những dịp cao điểm như ngày lễ, tết. Mục đích của những người này chỉ là thu lãi cao mà không quan tâm đến việc du khách nghĩ gì khi bị đối đãi như thế. 

Cổ nhân từng dạy “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Chỉ một vài cá nhân có lối hành xử không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến cái chung là nét đẹp văn hoá của cả vùng đất. Khi ấy, những nỗ lực để thu hút du khách đến với quê hương sẽ khó gấp nhiều lần bởi ấn tượng không đẹp mà một số người đã gây ra trong lòng du khách.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về du lịch do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức đầu tháng 8-2017, ông Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu, sự cố môi trường biển, bên cạnh những thiệt hại nặng nề đến kinh tế-xã hội của tỉnh, trong đó có du lịch, cũng là dịp để những người làm du lịch nhìn nhận lại mình. Sự khó khăn, vất vả trong việc thu hút, níu chân du khách khi đến Quảng Bình đã điều chỉnh thái độ ứng xử của chúng ta đối với du khách.

Chúng ta trân trọng hơn trong đón tiếp, chân thành hơn trong đối đãi, thực sự xem họ là “thượng đế” để ứng xử văn minh, lịch thiệp. Đây là những bài học quý mà những người làm du lịch đều phải học để hoàn thiện bản thân!

Vâng, xem du khách là “thượng đế”, bên cạnh việc ứng xử với thái độ trân trọng, chân thành, văn minh, lịch thiệp, còn cần làm tốt những việc rất nhỏ kể trên. Điều đó sẽ để lại trong lòng mỗi du khách ấn tượng đẹp về con người Quảng Bình hiền lành, chân chất và hiếu khách, thay vì sự thất vọng bởi những mánh khoé mang lại lợi ích nhỏ nhưng thiệt hại lớn!

Ngọc Mai