.

Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn

Thứ Sáu, 25/08/2017, 08:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát triển rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tăng khả năng phòng hộ của rừng, nhất là giảm xói mòn, chống sạt lở, rửa trôi đất..., góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, mặc dù có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển lâm nghiệp và có sức cạnh tranh lớn về kinh tế rừng, nhưng hiện nay, rừng trồng ở tỉnh ta phần lớn là rừng sản xuất kinh doanh gỗ nhỏ. Sản phẩm gỗ chủ yếu cung cấp nguyên liệu sản xuất dăm giấy, hiệu quả lại không cao. Với 1 ha rừng trồng, bình thường sau 5 năm cho thu hoạch được 80-90m3 gỗ và chỉ bán được khoảng 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu cải tạo thành rừng gỗ lớn, sau 5 đến 7 năm nữa sẽ thu về từ 350-500 m3 gỗ và giá trị tăng lên rất nhiều lần. Gỗ keo, tràm có thể làm các vật dụng trong nhà tốt như một số loại gỗ trong rừng tự nhiên. Thêm vào đó, hiện nay, nguyên liệu chế biến dăm giấy lại dư thừa, thị trường và giá thành tiêu thụ có xu hướng giảm, dẫn đến đời sống người làm rừng khó khăn...

Với mục đích để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích rừng trồng, đáp ứng tăng thu nhập, xóa nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương từng bước chuyển đổi cơ cấu sản phẩm gỗ rừng trồng từ khai thác gỗ non phục vụ chế biến dăm xuất khẩu sang kinh doanh gỗ lớn phục vụ chế biến tinh, sâu, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh sản phẩm trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đồng thời, Chi cục đẩy mạnh tổ chức sản xuất dưới nhiều hình thức theo hướng mở rộng, hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa sử dụng gỗ rừng trồng, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng. Hơn thế nữa, phát triển rừng gỗ lớn không chỉ mang lại mục tiêu lợi ích về kinh tế cao mà còn tăng tính phòng hộ của rừng, như: giảm xói mòn, chống sạt lở, rửa trôi đất..., góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.

Vì vậy, các địa phương, đơn vị trên toàn tỉnh đang tập trung xây dựng phương án và thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2014-2020 theo kế hoạch với diện tích 2.000 ha;  thực hiện quy hoạch phát triển cao su trên toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 với diện tích 6.000 ha trên đất lâm nghiệp, bình quân mỗi năm trồng được 1.000 ha.

Rừng gỗ lớn đang phát triển tốt trên địa bàn huyện Minh Hóa.
Rừng gỗ lớn đang phát triển tốt trên địa bàn huyện Minh Hóa.

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cũng đẩy mạnh chuyển hóa rừng trồng cây mọc nhanh cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Đặc biệt, cần chú trọng việc cải tạo rừng tự nhiên là rừng sản xuất nghèo kiệt để trồng rừng theo hướng thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giá trị sản xuất lâm nghiệp.

Theo đó, loài cây đưa vào trồng rừng kinh doanh gỗ lớn là cây mọc nhanh, như: keo các loại, cây bản địa sinh trưởng nhanh: huỵnh, lát hoa...

Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Phạm Hồng Thái, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi căn bản nhận thức của người dân về hiệu quả việc trồng rừng kinh doanh gỗ lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp và nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, từ đó, vận động người dân thực hiện tổ chức sản xuất rừng gỗ lớn một cách có hiệu quả.

Các địa phương cũng cần triển khai các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, như: hỗ trợ đầu tư và tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế trồng rừng gỗ lớn, xây dựng các cơ sở chế biến gỗ...; hỗ trợ để cấp chứng chỉ rừng bền vững đối với rừng gỗ lớn.

Đặc biệt, cần ghép các nguồn vốn để triển khai thực hiện các mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và mô hình chuyển hóa rừng trồng cây mọc nhanh, cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Đồng thời, cần tranh thủ hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của các dự án lâm nghiệp để xây dựng thí điểm các mô hình quản lý rừng trồng bền vững đối với tổ chức, nhóm hộ gia đình, cá nhân.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng trồng rừng manh mún, các địa phương cần quan tâm thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp, từ đó, có cơ sở làm "bà đỡ" để phát triển lâm nghiệp nói chung và trồng rừng gỗ lớn nói riêng.

Một vấn đề quan trọng nữa là tỉnh cần có chính sách thu hút, khuyến khích các đơn vị đầu tư trong lĩnh vực chế biến gỗ có công nghệ cao và chế biến tinh, sâu, tận dụng được nguyên liệu nhằm tăng giá trị sản phẩm gỗ. Các địa phương, các ngành chức năng cần tiếp tục chú trọng đầu tư và đổi mới nội dung công tác khuyến lâm; thúc đẩy người dân, các tổ chức áp dụng tiến bộ khoa học, các biện pháp kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất thâm canh để rừng đạt tiêu chuẩn, chất lượng.

Hiện nay, một số tỉnh lân cận, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, đã triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn có hiệu quả. Ở tỉnh ta, một số địa phương cũng đã chú trọng tập trung trồng các loại cây bản địa, trồng rừng, cải tạo rừng trồng nguyên liệu thành rừng lấy gỗ lớn, điển hình có huyện Minh Hóa.

Ông Trần Mạnh Luật, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa cho biết: “Theo kế hoạch, trong năm 2017, huyện Minh Hóa quyết tâm chuyển đổi ít nhất 150 ha rừng trồng tập trung sang rừng lấy gỗ lớn. Huyện đã vận động nhân dân thực hiện thâm canh rừng trồng trên cơ sở áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, cải tạo rừng trồng nguyên liệu làm rừng gỗ lớn. Mỗi địa phương trong huyện thực hiện được ít nhất 10ha.

Bên cạnh đó, UBND huyện Minh Hóa cũng có quyết định hỗ trợ cho mỗi ha rừng trồng nguyên liệu sang rừng lấy gỗ lớn là 2 triệu đồng. Ngoài việc chỉ đạo cải tạo rừng trồng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn, huyện Minh Hóa còn chỉ đạo bà con nhân dân đẩy mạnh trồng các loại cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trồng keo các loại theo kiểu rừng lấy gỗ ở những khu vực xa đường giao thông, đồi núi cao để tận dụng hết quỹ đất; đẩy mạnh khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên để làm giàu cho các thế hệ sau.

Trên cơ sở đó, Minh Hóa phấn đấu đưa diện tích rừng trồng gỗ lớn ngày càng tăng, gồm những giống cây có giá trị kinh tế cao và cây bản địa. Huyện cũng đồng thời có chính sách hỗ trợ để xây dựng được 3 đến 5 vườn ươm giống cây keo, vườn ươm cây bản địa, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn”.

"Có thể thấy, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh là việc khai thác có hiệu quả tiềm năng, giá trị của rừng nhằm vừa bảo đảm vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng-an ninh và xây dựng nông thôn mới"- ông Phạm Hồng Thái nhấn mạnh thêm.

Hương Trà