.

Phát triển kinh tế trang trại ở Quảng Ninh - Bài 2: Tìm hướng đi bền vững

Thứ Hai, 05/06/2017, 08:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Với mục tiêu phát triển, mở rộng và nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế trang trại, kinh tế vùng gò đồi nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, các nguồn lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng theo hướng nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, Quảng Ninh cần có những định hướng, giải pháp mang tính đột phá, bền vững.

>> Bài 1: Đánh thức tiềm năng

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ cho biết, để đưa kinh tế trang trại trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng nhằm khai thác tối đa những tiềm năng lợi thế trong nông nghiệp, sản xuất ra hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, chế biến nông sản, giữ vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Quảng Ninh đã đề ra những định hướng căn bản, dài hơi.

Quảng Ninh có nhiều tiềm năng lợi thế để mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản ở vùng cát ven biển.
Quảng Ninh có nhiều tiềm năng lợi thế để mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản ở vùng cát ven biển.

Từ cơ sở đó, Quảng Ninh phát triển kinh tế trang trại gắn với quy hoạch tổng thể phát triển nông - lâm nghiệp, thuỷ sản và quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, huyện chú trọng nâng cao chất lượng các trang trại đã có, phát triển mới số lượng trang trại hợp lý ở các vùng; đồng thời, đa dạng các loại hình sản xuất kinh doanh của trang trại theo hướng tập trung, chuyên môn hoá, phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng; chú trọng khai thác vùng gò đồi và vùng cát ven biển.

Trên lĩnh vực an sinh xã hội, huyện sẽ thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách, nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển hiệu quả, bền vững, tạo việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo, ổn định sản xuất, ổn định dân cư và bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần thúc đẩy quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, huyện sẽ khai thác thế mạnh vùng gò đồi, gắn kinh tế gò đồi với phát triển trang trại và bảo vệ rừng, môi trường sinh thái và du lịch, dịch vụ tổng hợp.

Với những kết quả đạt được thời gian qua, năm 2017, huyện Quảng Ninh xác định duy trì từ 26 đến 27 trang trại, tăng khoảng 2 đến 3 trang trại. Doanh thu bình quân mỗi trang trại tăng từ 1,1 đến 1,3 lần so năm 2015.

Theo ông Phó Chủ tịch UBND huyện, từ kế hoạch đề ra, dựa vào việc quy hoạch vùng, huyện Quảng Ninh lựa chọn mô hình kinh tế trang trại phù hợp với từng vùng sinh thái. Đối với vùng gò đồi, huyện khuyến khích và tạo điều kiện cho bà con phát triển các trang trại kết hợp nông - lâm nghiệp, vừa khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng kinh tế hoặc trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi; phát triển cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao, nuôi ong lấy mật... Với vùng cát ven biển, huyện xây dựng các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp chăn nuôi- nuôi trồng thủy sản-trồng rau, chăn nuôi lợn tập trung, nuôi tôm trên cát; các mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao...

Từ đó, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện hình thành thêm khoảng 10-12 trang trại; trong đó vùng cát ven biển 6-7 trang trại, vùng gò đồi 4-5 trang trại. Đối với các trang trại hiện có, huyện khuyến khích các chủ trang trại đầu tư nâng cấp, xây dựng mới chuồng trại chăn nuôi, ao hồ nuôi trồng thủy sản; xây dựng hầm biogas, xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường...

Ông Lê Ngọc Huân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh cho biết thêm, huyện đã có cơ chế thông thoáng, hợp lý tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi từ đất lâm nghiệp, đất lúa... sang đất trang trại cho các trang trại đang sản xuất; giao, cho thuê, miễn tiền thuê, cấp quyền sử dụng đất cho các hộ có nhu cầu xây dựng trang trại; đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại, hộ gia đình được giao đất phát triển theo quy hoạch.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại; phối hợp với các chương trình, dự án tạo nguồn vốn giải quyết việc làm để cho vay phát triển kinh tế trang trại. Các tổ chức chính trị xã hội, như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên..., cũng bố trí một phần kinh phí từ các nguồn vốn vay cho hội viên phát triển các mô hình trang trại.

 Đầu tư xây dựng thêm chuồng trại để chăn nuôi là tín hiệu khả quan từ các trang trại vùng gò đồi trên địa bàn huyện Quảng Ninh.
Đầu tư xây dựng thêm chuồng trại để chăn nuôi là tín hiệu khả quan từ các trang trại vùng gò đồi trên địa bàn huyện Quảng Ninh.

“Căn cứ vào đặc điểm tình hình từng địa phương, đặc thù các vùng, huyện Quảng Ninh tiến hành xác định lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái và quy hoạch, hình thành nên các vùng chuyên canh để xây dựng các mô hình kinh tế trang trại điểm, sau đó rút kinh nghiệm và nhân ra trên diện rộng”, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh nhấn mạnh.

Anh Ngô Hải Trường (Vạn Ninh, Quảng Ninh), từng là người đi lên từ tay trắng, hiện có nguồn thu khá ổn định từ trang trại. Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh hiện nay, anh trăn trở: ”Làm sao để khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp dịch vụ, huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư để phát triển các dịch vụ sản xuất, thu mua nông sản cho bà con. Nếu sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, giá rớt như lợn hơi vừa rồi, thì tâm lý người nuôi dễ nản, đặc biệt là không xoay được nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất.

Đề nghị tỉnh, huyện có chính sách cụ thể hơn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến tiêu thụ nông sản; đồng thời, có chính sách khuyến khích phát triển trang trại, gia trại, kinh tế vùng gò đồi, nhất là về vốn vay, đất đai, giống cây trồng vật nuôi, bao tiêu nông sản... Từ đó, các chủ trang trại mới yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô, nhân rộng các mô hình sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân...”.

Hương Trà