.

Chinh phục đồng hoang

Thứ Sáu, 02/06/2017, 10:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Về xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, hỏi nhà anh Trần Văn Thắng, những người dân ven đường bảo: Thắng “Sen” phải không? Đi thẳng đến hồ Đạm Thủy II là tới nhà.

Ngồi trò chuyện với Trần Văn Thắng, hỏi sao mọi người gọi là Thắng “Sen”, anh cười xòa, hồn hậu đúng chất nông dân thuần phác. “À! Vì tui trồng sen, làm giàu nhờ bán sen, nên bà con quen gọi rứa”. Anh kể: “Trước đây kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào mấy công lúa. Xã Thạch Hóa vốn thuần nông, đất chật người đông, làm lúa chỉ vừa đủ ăn, không thể có đồng ra đồng vào để tích trữ. Nhà ở gần hồ Đạm Thủy II, một cái hồ tự nhiên giữa đồng, trước đây giao cho Hội Nông dân quản lý nhưng hiệu quả kinh tế không có.

Năm 2013, UBND xã Thạch Hóa chủ trương cho đấu thầu, mình cùng người em trai đứng ra đấu và trúng”.
Hồ Đạm Thủy II có diện tích khoảng 3 ha mặt nước, sau khi trúng thầu, Trần Văn Thắng cùng em trai bắt tay vào cải tạo đồng hoang khu vực xung quanh hồ, sau khi hoàn thành, hai anh em lấy giống sen về trồng, tiến hành thả cá với các loại giống chủ lực, như: trắm, mè, trôi.

Vụ thu hoạch đầu tiên sau khi nộp nghĩa vụ cho xã thì cơ bản hoàn vốn. Trong vòng một năm, sen hợp đất lạ mọc lan ra, tỏa khắp mặt hồ, tạo thành một điểm nhấn “sơn thủy hữu tình” của xã Thạch Hóa. Hoa sen... rồi sau đó là đài sen kết hạt, anh Thắng cũng chưa biết phải làm gì từ sen. Người dân, khách du lịch đến xã thích xin hoa, xin vài đài hạt, anh biếu không.

Hồ Đạm Thủy II, nơi anh Trần Văn Thắng chinh phục và xây dựng thành công mô hình cá- sen cho thu nhập gấp 7 đến 8 lần trồng lúa.
Hồ Đạm Thủy II, nơi anh Trần Văn Thắng chinh phục và xây dựng thành công mô hình cá- sen cho thu nhập gấp 7 đến 8 lần trồng lúa.

Nhận thấy tiềm năng, hiệu quả kinh tế từ nuôi cá gấp 7 đến 8 lần trồng lúa, Trần Văn Thắng mạnh dạn đề xuất xin UBND xã Thạch Hóa cho chuyển đổi thêm 1 ha đất trồng lúa năng suất thấp sang diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy đây là một hướng đi đúng giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, UBND xã Thạch Hóa chấp nhận phương án của anh Thắng.

Từ năm 2013 đến năm 2015 là thời gian tập trung cho công tác chuyển đổi, hoàn thiện mô hình, đầu tư nuôi trồng và tạo vốn. Năm 2016, mô hình cá- sen của anh Trần Văn Thắng hoàn thiện, mỗi vụ nuôi anh thả 12 nghìn cá giống trắm, mè, trôi... với chi phí khoảng 30 triệu đồng. Năm 2016, gia đình anh Trần Văn Thắng cũng bắt đầu có thu nhập từ sen, như: bán hoa, lá, đài hạt...  tổng thu trong năm trên 210 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 150 triệu đồng.

Theo anh Thắng ra hồ Đạm Thủy II, quả thật cảnh quan xung quanh mặt hồ rất hữu tình, giữa mênh mông đồng lúa trĩu hạt đang chuẩn bị gặt rộ là hồ nước sâu rộng, xanh ngắt. Trên 12 nghìn con giống đã thả xuống hồ Đạm Thủy II, chờ ngày thu hoạch. Năm nay, anh Thắng đưa vào nuôi thí điểm giống cá hanh trắng có giá trị kinh tế cao. Ngoài cá hanh trắng, cá trắm đen sau một thời gian nuôi đạt trọng lượng 2 đến 3kg. Giới thiệu cùng khách, anh Thắng dùng thuyền chèo ra giữa hồ, buông một vát lưới, những chú trắm đen như bắp chuối dính lưới được chủ nhân giữ lại làm bữa đãi khách.

Về hiệu quả từ sen, bắt đầu năm 2016, gia đình anh Trần Văn Thắng đã có thu nhập bằng việc bán hoa, đài sen hạt. Mỗi đài sen hạt có giá 2.000 đồng/cái. “Tích tiểu thành đại vậy mà thu nhập nhờ bán sen lên đến vài chục triệu đồng”- Trần Văn Thắng cho biết.

Bàn đến chuyện tương lai lâu dài, Trần Văn Thắng tâm sự sẽ cố gắng duy trì mô hình nuôi cá, trồng sen tại hồ Đạm Thủy II ổn định với giá trị kinh tế đạt bình quân từ 250 đến 300 triệu đồng/năm, cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng, tạo ra mô hình kinh tế hiệu quả trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững tại xã Thạch Hóa.

Thanh Long