.

Vụ hè-thu: Nhiều yếu tố thuận lợi

Thứ Năm, 01/06/2017, 12:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, sản xuất vụ hè - thu năm 2017 có nhiều thuận lợi hơn so với các vụ gần đây. Mực nước các hồ chứa bảo đảm đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất. Áp lực thời vụ không lớn, vì năm 2017 là năm nhuận tháng 6 âm lịch, mưa lũ sẽ đến chậm hơn mọi năm.

Nét mới trong sản xuất vụ hè-thu năm nay là diện tích tất cả các loại cây trồng đều tăng. Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, toàn tỉnh thực hiện được 31.105 ha cây trồng, tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước.

Đối với cây lúa là cây trồng chủ lực, quyết định sự thành bại của vụ hè-thu, toàn tỉnh đã thực hiện 24.215 ha, tăng 2,5% so cùng kỳ. Lần đầu tiên sau nhiều năm vận động giảm diện tích lúa tái sinh, đến vụ này đã mang lại kết quả (lúa tái sinh thực hiện 8.580 ha, giảm 8% so với vụ hè-thu trước). Cây ngô thực hiện 787 ha, tăng 13,4%; cây khoai lang 778,2 ha, tăng 1,5%; cây lạc 553,5 ha, tăng 1,5%; cây làm thức ăn gia súc 938,5 ha, tăng 10,4% so cùng kỳ...

Tranh thủ làm đất vụ hè-thu ở Bố Trạch.
Tranh thủ làm đất vụ hè-thu ở Bố Trạch.

Theo ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để sản xuất vụ hè - thu đạt kết quả, Sở đã và đang phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo khẩn trương thu hoạch lúa đông - xuân nhanh gọn, thu hoạch xong đến đâu, làm đất gieo cấy vụ hè-thu ngay đến đó, bảo đảm gieo cấy dứt điểm trước ngày 10 tháng 6; tích cực chỉ đạo gieo cấy theo kế hoạch. Mỗi xứ đồng bố trí 1 đến 2 giống để thuận lợi trong chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch. Vùng ruộng thâm canh, bố trí các loại giống lúa chủ lực chất lượng cao, như: HT1, PC6, SV181... Vùng ruộng vàn cao, bố trí các giống lúa có khả năng chịu hạn khá, như: KD18, DV108, Xuân Mai...

Đối với cây màu, như: ngô, lạc, đậu xanh, bên cạnh việc gieo trồng dứt điểm trước ngày 10 tháng 6, cần tranh thủ đất đang còn ẩm sau thu hoạch vụ đông - xuân, sau các đợt mưa cuối tháng 5, nhanh chóng triển khai làm đất gieo trồng ngay bằng các giống có khả năng chịu hạn, chịu nóng, như: ngô DK9901, NK6326, ngô nếp lai Tố Nữ, HN88...; các giống đậu xanh ĐX044, ĐX208...; giống lạc L14, L23, SVL1...

Sở đã tăng cường chỉ đạo quản lý chặt chẽ nguồn nước, phòng chống hạn ngay từ đầu vụ. Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Quảng Bình, dự báo, vụ hè - thu năm nay, nắng nóng ở mức trung bình, cường độ và mức độ ít gay gắt hơn năm 2016. Lượng mưa trung bình mùa mưa 2016 và 3 tháng đầu năm 2017 cao hơn trung bình nhiều năm, nguồn nước các hồ chứa hiện nay đang dồi dào nên ít có khả năng xảy ra khô hạn. Chỉ có thể xảy ra khô hạn và thiếu nước cục bộ đối với các công trình đập dâng, hồ chứa nhỏ.

Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Trồng trọt và thực vật cho biết, Chi cục đã tích cực chỉ đạo thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo nhất là đối với các đối tượng sâu bệnh thường xuất hiện trong vụ hè – thu, như: sâu đục thân, sâu cuốn lá, chuột.... Đặc biệt, chú ý chuột di cư, rầy lưng trắng (môi giới truyền bệnh lùn sọc đen, vàng lùn xoắn lá) để có biện pháp phòng trừ kịp thời, không để phát sinh thành dịch.

Bên cạnh đó, hiệu quả của việc chuyển đổi từ đất lúa thiếu nước sang các cây trồng có hiệu quả cao hơn đã được khẳng định trên thực tế. Vụ này, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng các giống cây trồng cạn ngắn ngày, có khả năng chống chịu hạn trên đất chuyển đổi, như: ngô HN88, lai Tố Nữ, NK6326; dưa hấu Hắc mỹ nhân (TN010); mướp đắng, đậu xanh, mè, khoai lang...

Trên cơ sở rà soát khả năng tưới, hiệu quả sản xuất các năm trước, các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi 560ha đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Các địa phương có diện tích chuyển đổi lớn là, huyện Bố Trạch với 125ha, trong đó, cây ngô 55ha, dưa hấu, đậu xanh 35ha, dưa chột 20ha...

Vụ hè-thu năm nay, thị xã Ba Đồn đã xây dựng và đưa vào sản xuất mô hình cánh đồng lớn với diện tích 35 ha tại thôn Phù Trịch, xã Quảng Lộc. Loại giống sử dụng gieo trồng là HT1. Đến nay, thị xã Ba Đồn có tỷ lệ phổ cập giống lúa chất lượng cao gần 60% tổng diện tích.

Bố Trạch được xem là địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng một số cây khác, như: mô hình cá lúa, trồng ngô, dưa hấu và kiên (kê). Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch, vụ hè-thu này đã chuyển được 125ha đất lúa sang cây trồng cạn. Để công tác chuyển đổi có hiệu quả, huyện đã có chính sách hỗ trợ các hộ tham gia thực hiện 4 triệu đồng/ha.

Huyện Minh Hóa là địa phương luôn bị ảnh hưởng nặng nề của nắng hạn, năm nào, đất sản xuất vụ hè-thu cũng thiếu nước. Tuy nhiên, vụ này, các địa phương trong huyện đã chuyển được 67ha đất trồng lúa thiếu nước sang trồng các loại cây khác nhằm tránh tình trạng bỏ hoang đất sản xuất như các năm trước.

Xuống giống lạc hè-thu ở Minh Hóa.
Xuống giống lạc hè-thu ở Minh Hóa.

Mới đây, chúng tôi có dịp về huyện Lệ Thủy được biết, năm nay các xã đều giảm được diện tích lúa tái sinh. Có thể nói, sản xuất lúa tái sinh gần như đã thành tập quán sản xuất của các địa phương trong huyện. Bên cạnh ưu điểm của sản xuất lúa tái sinh là thời gian thu hoạch ngắn, ít đầu tư..., sản xuất lúa tái sinh còn nhiều tồn tại, như: năng suất thấp, tỷ lệ thu hồi gạo không cao, không bảo quản được lâu, công thu hoạch lúa đông - xuân quá cao (gấp 2 -3 lần so với gặt máy), gây trở ngại cho việc cơ giới hóa vào sản xuất.

Mô hình chỉ đạo gieo cấy thời vụ sớm, dùng giống cực ngắn kết hợp với sử dụng hàng rào nilon, bẫy lồng gom chuột, đã hạn chế tối đa thiệt hại do chuột di cư gây ra, đồng thời hạn chế rủi ro do mưa lũ. Vụ hè - thu năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục cùng với huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy phối hợp chỉ đạo triển khai gieo cấy ở các vùng ven ruộng một vụ, ruộng tái sinh dứt điểm trước ngày 30 tháng 5, đồng thời bố trí giống có thời gian sinh trưởng cực ngắn, như: P6 đột biến, SV181... để chạy lũ, tránh chuột di cư.

Mô hình này đã rất thành công ở huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy trong hai năm vừa qua và là cơ sở để vụ hè - thu này huyện Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu gieo cấy trên 3.000ha, huyện Lệ Thủy mở rộng thêm 400ha lúa gieo cấy.

Hồng Quân