.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Thứ Bảy, 03/06/2017, 09:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong 19 tiêu chí quốc gia về XDNTM, có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực của ngành Công thương là tiêu chí số 4 về điện nông thôn và tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại. Nhận thức rõ vai trò của mình, trong thời gian qua, ngành Công thương đã tích cực xây dựng các quy hoạch, kế hoạch của ngành gắn chặt với chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các tiêu chí thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách nhằm góp phần tạo điều kiện để các xã sớm hoàn thành mục tiêu XDNTM đề ra.

Để đạt được tiêu chí về điện nông thôn, đòi hỏi hạ tầng điện phải bảo đảm kỹ thuật theo quy định của ngành Điện và trên địa bàn xã có ít nhất 95% số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn. Sở Công thương đã tiến hành các bước triển khai lập Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035-hợp phần phát triển hệ thống điện 110kV. Đây là những căn cứ quan trọng làm cơ sở để ngành điện xây dựng kế hoạch huy động kinh phí và triển khai đầu tư các công trình hạ tầng điện, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính, Tổng hợp (Sở Công thương) cho biết, trong thời gian qua, Sở đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, mô hình quản lý, nâng cấp khác nhau, từng bước khắc phục những khó khăn về lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Chợ xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) được xây dựng theo tiêu chí NTM.
Chợ xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) được xây dựng theo tiêu chí NTM.

Nếu như những năm trước đây, việc cung cấp điện còn thiếu hụt, người dân vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với nguồn điện, đến nay, toàn tỉnh đã có 157/159 xã, phường có điện đến trung tâm xã, với hơn 99,5% số hộ dân được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia.

Hiện, 2 xã chưa có điện lưới đến trung tâm xã (Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) đang được triển khai cấp điện bằng nguồn năng lượng mặt trời. Hệ thống điện phân phối của tỉnh đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh với hệ thống lưới điện trung thế có chiều dài khoảng 2.130 km với 7 trạm biến áp trung gian, dung lượng 41.800 kVA, hệ thống đường dây hạ thế có chiều dài 3.470 km với 2.058 trạm biến áp phân phối, dung lượng 437.015 kVA.

Việc chú trọng đầu tư điện lưới quốc gia về nông thôn đã tạo những thay đổi lớn trong sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Tính đến hết năm 2016, có 134/136 xã đạt tiêu chí điện, chiếm 98,5% số xã, vượt 9% so với kế hoạch đề ra và tăng 86 xã so với năm 2010. Trong năm 2017, tỉnh tiếp tục duy trì 134 xã đã đạt tiêu chí về điện nông thôn, triển khai kế hoạch cấp điện từ điện lưới quốc gia cho 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch; tiếp tục triển khai, thực hiện công tác đầu tư cải tạo mạng lưới điện nông thôn nhằm nâng cao chỉ số tiết kiệm điện năng và phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.

Trong đó, Công ty Điện lực Quảng Bình đầu tư cải tạo và xây mới các đường dây trung thế, hạ thế và các trạm biến áp, với tổng vốn đầu tư là 47 tỷ đồng; Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia do Sở Công thương làm chủ đầu tư với tổng số vốn khoảng 15 tỷ đồng và hoàn thành đầu tư Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời.

Cùng với nỗ lực trong việc hoàn thành tiêu chí về điện, Sở Công thương cũng rất chú trọng đến tiêu chí chợ trong XDNTM. Năm 2012, Sở Công thương đã hoàn thành Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh đến năm 2020, làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng chợ.

Theo đó, nhằm đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu chí số 7 về chợ trong Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, hàng năm, Sở Công thương đã lồng ghép nguồn vốn, vận động các địa phương triển khai chuyển đổi mô hình quản lý chợ, kiện toàn mô hình tổ chức quản lý, xây dựng nội quy để từng bước đưa hoạt động chợ đi vào nền nếp. Kế hoạch đến cuối năm 2017, có 95/136 xã đạt tiêu chí chợ NTM, chiếm 72% số xã nông thôn toàn tỉnh và tăng 7 xã so với năm 2016.

Theo ông Hồ Nhật Bình, việc xây dựng chợ theo các tiêu chí và quy hoạch NTM gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn huy động xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân và các hộ kinh doanh hạn chế nên nhiều hạng mục công trình không thể hoàn thành đồng bộ theo quy định. Một số chợ được đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình phụ trợ, nhưng còn nhiều bất cập, đặc biệt là công trình vệ sinh, cấp thoát nước, khu dịch vụ ăn uống...

Công tác quy hoạch NTM gắn với việc giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp, di dời các chợ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nhiều đến việc mua bán kinh doanh của các thương nhân và làm thay đổi thói quen đi chợ, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa mua sắm của người dân khi đến địa điểm mới.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn thực hiện 2 tiêu chí điện và chợ, theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo XDNTM, ngành Công thương đã phối hợp, giúp đỡ 3 xã đạt chuẩn NTM là Hàm Ninh (Quảng Ninh), Quảng Tân (TX. Ba Đồn), Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), thông qua việc hỗ trợ nguồn vốn khuyến công để tập huấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ xi măng giúp xây dựng đường giao thông nông thôn, tặng quà cho các hộ nghèo...

Lê Mai