.

Rừng trồng, "lá chắn" cho rừng tự nhiên - Bài 4: Còn lắm những khó khăn

Thứ Năm, 27/04/2017, 20:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Rừng trồng đang đem lại những sinh khí mới cho người dân sống gần rừng. Và không ít gia đình đã có thể giàu lên từ rừng trồng. Nhưng, trong câu chuyện của bà con, trồng rừng vẫn còn nhiều trăn trở. Đó là giống cây rừng, đó là đường giao thông, là đầu ra thiếu ổn định...

>> Bài 3: Rừng trồng thay đổi quê nghèo

>> Bài 2: Những bước tăng trưởng ngoạn mục

>> Bài 1: Thăng trầm cửa rừng

Đi đến những “trọng điểm” rừng trồng, chúng tôi thấy nổi lên một điều là thu nhập từ rừng chưa cao. Nhiều hộ gia đình cho rằng, với diện tích rừng từ 7-10 ha thì cũng có thu nhập khá, nhưng với diện tích nhỏ thì quả là chưa bỏ bèn gì.

Vườn ươm cây giống
Vườn ươm cây giống.

Chẳng hạn với cây keo, tính bình quân mỗi năm chỉ cho lợi nhuận trên dưới 10 triệu đồng/ha. Đành rằng không thể so sánh với diện tích trồng lúa hay cây ăn quả ở vùng đồng bằng, nhưng 10 triệu/ha là quá thấp. Và như vậy, với một gia đình 5 người có 3-4 ha rừng trồng vẫn chưa khá lên.

Ông Võ Văn Xuân (xã Thái Thủy- Lệ Thủy) nhìn nhận: “Rõ ràng, để có được nguồn thu lớn hơn nữa về rừng trồng thì chúng tôi cần lắm một bộ giống cây chất lượng cao để tăng năng suất. Từ đó, mới tăng đáng kể được hiệu quả trên diện tích rừng trồng”.

Tương tự, anh Lê Văn Thuyết (một chủ rừng ở xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa) cũng trao đổi: “Từ nhiều năm nay, bà con trồng rừng chủ yếu lấy giống trôi nổi, cũng chưa biết được là tốt hay xấu. Cây trồng phải đến  sau 5 năm mới thu hoạch, nên việc đánh giá cây giống tại thời điểm mua giống cũng rất khó khăn. Nếu được giống tốt thì  cùng trên 1 ha rừng trồng, bà con có thể tăng thu nhập cao hơn vài chục triệu đồng”.

Một điều nữa là với các giống cây hiện đang trồng, phần lớn người dân mua giống trôi nổi trên thị trường hoặc vào mua tận các tỉnh phía nam, như: Bình Định, Quảng Ngãi... Giống “tổng hợp” và phần lớn là giống ươm hom đã phần nào giảm chất lượng rừng trồng trên địa bàn. “Hàng năm, người trồng rừng trong tỉnh tiêu thụ hàng trăm triệu cây giống. Nếu có doanh nghiệp đầu tư làm thì sẽ phát triển tốt”- anh Thuyết  bộc bạch thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, địa phương cũng đã nhìn nhận ra vấn đề này. Hiện, huyện đang triển khai hai cơ sở ươm giống bằng kỹ thuật cấy mô, trong thời gian tới sẽ cung cấp giống có chất lượng cao cho bà con.

Đi loanh quanh trong rừng trồng xã Thái Thủy (Lệ Thủy) bất chợt xe chúng tôi bắt gặp “đầm lầy” ngay giữa đường đi. Ông Trần Ủi, ở thôn Minh Tiến, nhà cạnh đường nói: “Đường đất là thế đó chú, xe chạy vào là bị lầy ngay, rú ga, người đẩy may mới thoát ra được, đây một chỗ vào trong kia còn vài chỗ nữa”. Có lẽ, giao thông là điểm yếu kém ở đây và cũng là chung cho cả khu vực miền tây này.

Riêng với Thái Thủy, ông Trần Đức Phong, Chủ tịch UBND xã cho biết, trên diện tích rừng trồng hơn 3.400 ha mà chỉ có 7 km đường cán nhựa do Nhà nước đầu tư, đó là tuyến đường Sen-Bang và khoảng 5 km đường chống cháy, nhưng nay đã xuống cấp. Còn lại, hàng chục km đường xương cá vào rừng đều là những “con đường đau khổ”, lầy lội về mùa mưa, thậm chí ách tắc. Và tất nhiên, giao thông yếu kém đang “ăn bớt” một phần lợi nhuận trồng rừng của người nông dân các địa phương.

Cũng chính vì giao thông hạn chế, nên nhiều chủ xe trước đây sắm xe có trọng tải lớn nay đã thay xe trọng tải nhỏ hơn để thuận tiện trong việc chuyên chở gỗ. Trên đường, toàn loại xe cóc cóc, tải trọng chừng 3-5 tấn. 

Ông Xuân (một chủ rừng ở Thái Thủy) cho rằng, vì đường xấu, phải “tăng bo” bằng xe nhỏ mới đi được. Một ha rừng thu hoạch khoảng 80 tấn gỗ, thuê 10 xe nhỏ  làm giá đội lên khá lớn. “Nếu có đường đẹp, ô tô trọng tải lớn chở gỗ thì giá vận chuyển hạ thấp và lợi nhuận người trồng rừng tăng thêm cả mấy triệu cho mỗi ha”- ông Xuân tính toán. Cũng theo ông Xuân, các địa bàn trồng rừng khác cũng không nằm ngoài cái chung đó.

Trong cuộc trao đổi với lãnh đạo huyện Lệ Thủy về hướng giải quyết cho câu chuyện đường sá, ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy nói: “Trong hoàn cảnh hiện nay, đầu tư của tỉnh, huyện là rất khó. Mà có thể thực hiện xã hội hóa giao thông vùng rừng trồng. Việc này có thể triển khai theo nhiều hướng, đóng góp của người dân có rừng, căn cứ vào diện tích của các hộ gia đình để có mức đóng góp. Hai nữa, cũng có thể kêu gọi sự đầu tư của các  doanh nghiệp liên quan đến thu mua, chế biến lâm sản  trên địa bàn. Mỗi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư hạ tầng sẽ được hỗ trợ ưu tiên trong việc thu mua lâm sản trên cơ sở hợp tác với người dân để đôi bên cùng có lợi. 

Tuy nhiên, chính quyền sẽ quy hoạch và tổ chức thực hiện”. Còn ông Phong thì cho rằng, với sức dân như hiện nay cố gắng lắm cũng chỉ đóng góp để khắc phục tạm thời những điểm ách tắc do lầy thụt trong mùa khai thác mà thôi. “Nếu làm đường kiên cố thì ngoài sự đóng góp của dân, cần có sự hỗ trợ lớn của nhà nước, của doanh nghiệp”- ông Phong nói.

Đường giao thông không bảo đảm cũng là rào cản lớn cho khai thác rừng trồng.
Đường giao thông không bảo đảm cũng là rào cản lớn cho khai thác rừng trồng.

Một điều khác lạ nữa, hình như hôm nay, ngày chúng tôi đi cơ sở, khai thác gỗ trên vùng rừng trồng phía tây Lệ Thủy có ít đi? “Mấy ngày nay giá có hạ nên bà con “găm hàng” chưa khai thác”. Ông Phong cho biết. Tại cơ sở thu mua gỗ nguyên liệu trên địa bàn xã Thái Thủy của HTX Thành Đạt có trụ sở chính tại Vinh (Nghệ An), anh Hoàng Tiến Đạt, phụ trách cơ sở này cho biết, giá gỗ nguyên liệu giảm khá mạnh mấy ngày vừa qua, từ chỗ trên 1 triệu đồng/tấn nay xuống còn 800 ngàn đồng/tấn. Giá xuống, bà con chưa khai thác để bán nên cơ sở vắng xe chở gỗ ra, vào.

Còn chị Nguyễn Thị Thanh, một “đại gia” rừng trồng ở xã Trường Thủy lại có lo lắng riêng: “Giá không cao lắm và không ổn định là một chuyện, nhưng rồi liệu họ có mua mãi không hay khi mua, khi không thì gay...”

Theo cán bộ xã Thái Thủy, trong khu vực lân cận cũng có cơ sở thu mua nguyên liệu tương tự nhưng giá ổn định hơn. Tìm hiểu thêm thì được biết, cơ sở đó thu mua để xuất bán sang Nhật Bản, còn tại Thái Thủy là bán qua Trung Quốc. Nhưng để có được giá ổn định thì việc thu mua của cơ sở kia chặt chẽ lắm. Đó là bên cạnh chất lượng gỗ, còn truy xuất nguồn gốc xuất xứ của gỗ...

Về đầu ra cho rừng trồng, ông Lê Văn Bảo cho rằng huyện luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà máy tiêu thụ sản phẩm từ rừng trồng, sự cạnh tranh cũng là cách để tạo lợi thế cho người trồng rừng. Mặt khác, hiện huyện đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời giai đoạn 1, giai đoạn 2 là điện sinh khối sẽ tiêu thụ gỗ rừng trồng, đây cũng là một hướng tiêu thụ sản phẩm cho bà con...”. Khi các nhà máy đi vào hoạt động thì việc tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng cho bà con có nhiều thuận lợi. Chính quyền sẽ tạo điều kiện tốt cho sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân”- Ông Bảo cho  biết thêm.

Văn Hoàng-Nguyễn Tâm

Bài 5: Hướng đến rừng chất lượng cao