.

Rừng trồng, "lá chắn" cho rừng tự nhiên - Bài 3: Rừng trồng thay đổi quê nghèo

Thứ Tư, 26/04/2017, 14:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây chưa xa, mỗi lần về các xã Thái Thủy, Trường Thủy, Văn Thủy- miền tây của huyện Lệ Thủy, ai cũng trăn trở trước cái nghèo, cái khổ của bà con. Bây giờ, miền tây Lệ Thủy đã có một diện mạo mới, một tâm thế mới… Ông Trần Đức Phong, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy khẳng định: “Một thời gian khó đã qua, hàng nghìn ha rừng trồng đã làm đổi thay từng căn nhà, từng xóm làng và diện mạo một vùng đất…”

>> Bài 2: Những bước tăng trưởng ngoạn mục

>> Bài 1: Thăng trầm cửa rừng

Tháng 10 năm 2013, sau bão số 10, chúng tôi đã có mặt ở miền tây huyện Lệ Thủy và đã chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão lịch sử. Xã Trường Thủy có đến gần 1.000 ha rừng trồng, trong đó có cao su, keo, tràm bị bão san phẳng. Củi là thứ rẻ nhất lúc bấy giờ. Sau bão, xã Trường Thủy đã đứng dậy và cả miền tây Lệ Thủy cũng đã đứng dậy tiếp tục khôi phục lại rừng trồng...

Gần 4 năm sau, một ngày đầu tháng tư, chúng tôi về lại miền tây. Một màu xanh ngút ngát trải rộng trong tầm mắt. Màu xanh của rừng trồng đã làm dịu bớt cái nắng đầu mùa. Đường Hồ Chí Minh như bé nhỏ hẳn đi, lúc ẩn lúc hiện trong những cánh rừng bao la...

Khai thác gỗ rừng trồng.
Khai thác gỗ rừng trồng.

Đứng bên những lô rừng đang được thu hoạch trong tiếng ầm ào của xe máy, tiếng cưa, tiếng người gọi nhau, ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho hay: “Trong nhiều năm qua, địa phương luôn xác định phát triển kinh tế rừng là một hướng đi quan trọng, chủ yếu của địa phương để nâng cao đời sống cho người dân”. Định hướng đó đã được người dân Trường Thủy cụ thể hóa thành những lô, khoảnh rừng trồng trên địa bàn.

Đến cuối năm 2016, toàn xã có 1.200 ha rừng trồng, trong đó, thông nhựa khoảng 250 ha, còn chủ yếu là keo, tràm phần lớn đã đến tuổi khai thác. Tính ra, với 550 hộ dân toàn xã, bình quân mỗi hộ dân có hơn 2 ha rừng trồng.

Ông Tình cho biết: “Trong xã,  có nhiều hộ có diện tích rừng lớn, như: hộ ông Nguyễn Văn Quý ở thôn Lục Sơn có trên 20 ha, hộ chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Lục Giang 50 ha... Những hộ này thực sự năng động trong việc mở rộng diện tích rừng, đầu tư thâm canh, tính toán thời điểm thu hoạch, nên họ khá giàu”. Trao đổi với các hộ gia đình này, họ cùng đưa ra những con số “làm ăn” về rừng trồng.

Đó là với rừng keo, sau 5 năm trồng là khai thác, trừ chi phí, lợi nhuận thu được là 50 triệu đồng. Tính bình quân mỗi năm trồng keo sẽ thu được 10 triệu đồng/ ha. Bên cạnh đó, mỗi ha còn giải quyết việc làm cho khoảng 50 công lao động với thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/công.

Cũng theo ông Tình, năm 2016, toàn xã thu được hơn 6 tỷ đồng từ rừng trồng. Nhưng đó là năm thu hoạch đầu tiên đối với rừng trồng sau cơn bão số 10 năm 2013. Những năm tiếp theo diện tích thu hoạch sẽ tăng lên gấp bội, tất nhiên sẽ đưa lại nguồn thu cho địa phương lớn hơn nhiều lần so với năm 2016. Trường Thủy vẫn chưa phải là địa phương “giàu có” nhất về rừng trồng trong khu vực.

Rời xã Trường Thủy, theo đường Hồ Chí Minh cắt qua những cánh rừng trồng xanh ngút ngát chừng 7 km, chúng tôi được anh Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy cùng đi, cho biết đã đến địa phận xã Thái Thủy. Thái Thủy thì chúng tôi chẳng lạ. Hơn hai chục năm về trước, chúng tôi đã về đây để tuyên truyền về dự án trồng rừng Việt Đức và sau đó là tuyên truyền về phòng chống cháy rừng. Phải nói rằng lúc ấy người dân chưa mặn mà lắm với việc trồng rừng. Sau này, người dân kể lại thời đó như chuyện cổ tích, bởi sự kém hiểu biết và không ai biết trước được rằng trồng rừng có lợi đến thế.

Ngày ấy, Thái Thủy là những xóm làng thưa thớt giữa những đồi bát úp chập chùng tím ngắt hoa sim, mua. Nhưng bây giờ đến đây mà không có người hướng dẫn thì chắc chắn... bị lạc giữa rừng trồng. “Đất trống nay bói không ra”, ông Trần Đức Phong, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy nói khái quát về thực trạng đất trồng rừng trên địa bàn.

Thái Thủy là xã có diện tích đất trống, đồi núi trọc vào loại cao nhất trong các xã vùng bán sơn địa của huyện Lệ Thủy, nhưng đến nay đã phủ hết với thông nhựa và keo, tràm với diện tích 3.400 ha, trong đó, diện tích thông nhựa là 1.078 ha và đã được người dân khai thác trong nhiều năm qua.

Có lẽ, trừ 3 xã vùng dân tộc thiểu số, Thái Thủy là địa phương có bình quân diện tích rừng trồng cao nhất huyện với gần 3 ha/ hộ. Trong đó, có khoảng 120 hộ có diện tích trên 10 ha. Đấy là những thông tin tiếp theo mà ông Chủ tịch UBND xã đã cho chúng tôi biết. Chỉ tiếc rằng cũng như các địa phương khác ở miền tây này, bão số 10 năm 2013 đã san phẳng rừng trồng, chỉ bỏ sót lại những diện tích cây còn nhỏ, rừng thông.

Vì vậy, trong mấy năm qua, diện tích rừng đến tuổi khai thác không lớn. Riêng năm 2017, theo ông Phong sẽ có khoảng  150-200 ha, mỗi ha cho bán được giá hơn 60 triệu đồng. Các năm tiếp theo diện tích đưa vào khai thác sẽ lớn hơn nhiều. Điều đáng mừng nữa với người trồng rừng ở Thái Thủy là ngay tại địa phương, từ năm 2015, đã có cơ sở thu mua trực tiếp gỗ cho người dân, theo cơ chế “tiền trao cháo múc”.

Sơ chế gỗ rừng trồng.
Sơ chế gỗ rừng trồng.

Riêng thông nhựa, ông Phong khẳng định “Dự án Việt Đức đã thực sự tạo cú hích cho người dân vượt qua đói nghèo, với mức thu bình quân 50 triệu đồng /ha/năm và nguồn thu này là khá ổn định vì giá nhựa thông đang ở mức khá cao, khoảng 22 nghìn đồng/kg”.

Nói về tác động của rừng trồng đối với địa phương, Ông Phong cho biết, năm 2011, số hộ nghèo của xã là 30%, đến cuối năm 2016, chỉ còn 14,21%. Và chính rừng trồng đã đưa địa phương này ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn từ năm 2017. Nhiều hộ giàu lên trong những năm gần đây nhờ diện tích rừng trồng lớn, biết cách làm ăn, như: hộ ông Võ Văn Xuân ở thôn Nam Thái, hộ ông Trần Văn Sáng ở thôn Bắc Thái...

Ra khỏi rừng trồng, nhìn lên dãy núi Thi Ve xa xa, anh Quế nói ngày trước đất này cũng lắm “hảo hán” phá rừng lắm đây. Ông Phong tiếp lời, nhưng nay thì hết hẳn rồi, chính xác là từ 5 năm trở lại đây. Chính rừng trồng đã đổi đời nhiều phận người. Rồi vị chủ tịch xã kể tên những người chuyên “kiếm cơm” trong rừng nay đã “rửa tay gác kiếm” và đang khá lên từ rừng trồng, như: anh Phan Viết Tiến, Phan Viết Bảy ở thôn Thanh Sơn, anh Trần Văn Trọng ở thôn Minh Tiến...

Cũng như các địa phương vùng bán sơn địa khác trong tỉnh, các xã miền tây của Lệ Thủy đang trỗi dậy từ tiềm năng đất đai và lao động sáng tạo. Nhưng, khó khăn và những lực cản vẫn đang hiện hữu trên từng cánh rừng.

Văn Hoàng-Nguyễn Tâm

Bài 4: Còn lắm những khó khăn