.

Chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở Bố Trạch: Tạo được lòng tin trong nhân dân

Thứ Tư, 08/03/2017, 08:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại những làng biển của huyện Bố Trạch trong thời gian này, điều dễ dàng nhận thấy là niềm vui đã thực sự trở lại với bà con ngư dân kể từ sau sự cố môi trường biển. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, giờ đây ngư dân Bố Trạch đã nhận được tiền hỗ trợ để khôi phục sản xuất, tiếp tục vươn khơi bám biển.

Trong số các huyện trên địa bàn tỉnh, Bố Trạch là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển với 13 xã bị ảnh hưởng (trong đó có 6 xã bị ảnh hưởng trực tiếp và 7 xã bị ảnh hưởng gián tiếp). Nhằm hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn, bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các giải pháp khôi phục sản xuất, huyện Bố Trạch đã kịp thời thực hiện công tác thống kê thiệt hại.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phan Văn Gòn, Bí thư huyện ủy Bố Trạch chia sẻ, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và đặc biệt là Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Bố Trạch đã huy động cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cho đến các đoàn thể chính trị xã hội cùng vào cuộc. Bố Trạch Xác định việc chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển là khá phức tạp vì.

Đặc biệt, là địa phương có số tiền đền bù lớn với   nhiều đối tượng được đền bù khác nhau, bên cạnh các lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, còn có rất nhiều lao động bị ảnh hưởng gián tiếp rất khó để xác định, như: cơ sở sản xuất đá lạnh, tạm trữ thủy sản...

Người dân xã Hải Trạch (Bố Trạch) làm thủ tục nhận tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Người dân xã Hải Trạch (Bố Trạch) làm thủ tục nhận tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Trên tinh thần tất cả vì lợi ích của bà con ngư dân, Ban Thường vụ huyện ủy Bố Trạch đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; từ đó chỉ đạo các địa phương tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ quan điểm của Chính phủ, các bộ, ngành về giải quyết sự cố môi trường biển; hạn chế tối đa việc lợi dụng chính sách để trục lợi, gây khiếu kiện, khiếu nại trên địa bàn.

Cùng với đó, công tác dự báo tình hình, tuyên truyền, định hướng dư luận cũng như các giải pháp giữ gìn an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi xúi giục, kích động, gây rối... cũng được huyện đặc biệt chú trọng.

Ngay sau khi có công văn của UBND tỉnh về việc kê khai xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển và được tập huấn tại Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện Bố Trạch đã triển khai ngay việc thống kê thiệt hại trên cơ sở bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch và đúng đối tượng. Chính quyền địa phương đã rà soát, niêm yết công khai danh sách, xây dựng kế hoạch chi trả cũng như thành lập hội đồng giám sát chi trả bồi thường, hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân. Huyện đã chỉ đạo các xã thành lập các tổ giám sát với thành phần, gồm: chính quyền, các tổ chức mặt trận, đoàn thể, chức sắc tôn giáo..., nhằm giám sát việc rà soát, thẩm định sơ bộ thiệt hại của người dân khi thực hiện kê khai.

Đồng thời, huyện chỉ đạo các xã tiến hành rà soát, thẩm định từng thôn; sau khi rà soát xong thì tiến hành tổ chức họp dân lấy ý kiến, chốt danh sách và đem niêm yết công khai. Riêng đối với nuôi trồng thủy sản, huyện chỉ đạo các xã đo diện tích, xác định những hộ nuôi có tỷ lệ thiệt hại trên 70% (kèm theo biên bản). Cùng với đó, tất cả các lao động bị thiệt hại do sự cố môi trường biển đều được xã nhập số chứng minh nhân dân để tránh trùng lặp khi kê khai.

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thống kê thiệt hại, công tác chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở Bố Trạch đã được tiến hành kịp thời, bảo đảm tính khách quan, đúng đối tượng. Các thủ tục chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho người dân được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện, bảo đảm an toàn và tạo được lòng tin cho người dân.

Tính đến ngày 2-3-2017, huyện Bố Trạch đã thẩm định và có Quyết định phê duyệt chi trả 100% cho các đối tượng với tổng số tiền đền bù trên 489,7 tỷ đồng. Trong đó, có 1.443 chủ tàu cá được đến bù với tổng số tiền trên 125,5 tỷ đồng; có 2.376 lao động trên tàu được đền bù với tổng số tiền trên 87,2 tỷ đồng; có 14.096 lao động thường xuyên mất thu nhập được đền bù với tổng số tiền trên 245,4 tỷ đồng; có 85 hộ nuôi trồng thủy sản được đền bù với tổng số tiền trên 12,8 tỷ đồng; có 11 cơ sở  hàng hải sản tồn kho được đền bù với tổng số tiền trên 18,7 tỷ đồng. Huyện đã cấp kinh phí cho các xã chi trả với tổng số tiền là 410,3 tỷ đồng; đồng thời đã thẩm định và đang chờ phê duyệt cho các đối tượng khác với tổng số tiền 132,7 tỷ đồng.

Xã Đức Trạch là một trong những địa phương của huyện Bố Trạch thực hiện tốt việc chi trả bồi thường cho ngư dân. Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch chia sẻ: “Hiểu rõ việc chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển là khá “phức tạp”, cho nên ngay từ đầu, xã hết sức thận trọng trong công tác kê khai. Tất cả những người dân nằm trong diện đối tượng được hỗ trợ, đền bù từ chủ tàu, thuyền viên cho đến các lao động làm việc liên quan đến nghề cá... đều được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã cả về danh sách lẫn số tiền được nhận.

Đối với các trường hợp có văn bản phản ánh, xã thành lập hội đồng để trực tiếp kiểm tra, đánh giá rồi đối chiếu với Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để giải thích cho nguời dân hiểu rõ. Nhờ đó đến nay, công tác chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển trên địa bàn xã Đức Trạch đã cơ bản hoàn tất với trên 160 tỷ đã về đến tận tay người dân”.

Với sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát cùng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở Bố Trạch đã tạo được niềm tin trong nhân dân. Từ nguồn hỗ trợ kịp thời này, ngư dân Bố Trạch kỳ vọng sẽ sớm vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.

Thanh Hải