.

Nghịch lý Đức Trạch

Chủ Nhật, 05/03/2017, 10:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Xã biển Đức Trạch, huyện Bố Trạch có đội tàu cá đánh bắt xa bờ hùng hậu bậc nhất trong tỉnh với 237 chiếc, trong đó phần lớn tàu có công suất từ 200 CV đến 800 CV. Như một nghịch lý, địa phương có cảng cho tàu cá, nhưng lâu nay luồng lạch cạn dần, những con tàu lớn của Đức Trạch phải “lưu lạc”đất người sau mỗi chuyến đi biển xa trở về. Và trong mùa đánh bắt năm 2017, thiếu lao động đang là vấn nạn đối với những con tàu hành nghề ngoài trùng khơi…

Về xã biển Đức Trạch, chúng tôi đã nghe ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã dùng một từ khá mới để nói về địa phương mình: “xã độc ngư”. Thấy là lạ nhưng nghiệm ra cách gọi này khá hợp lý. Với địa hình “trời cho” nằm dọc theo bờ biển, lại có cửa sông Lý Hòa thoáng rộng nên xã Đức Trạch có nghề truyền thống lâu đời, nghề đi biển. Và thời gian đã làm cho nghề biển ở đây thực sự có “đẳng cấp” trong các làng biển toàn quốc.

Theo ông Chiến, xã có đội tàu đánh bắt xa bờ 237 chiếc, trong đó, phần lớn tàu có công suất từ 200 đến 800 CV với tổng công suất hơn 145.564 CV. Nhiều hộ gia đình sở hữu đến 3 tàu, như: hộ ông Trần Văn Bình ở thôn Đức Trung; các hộ ông Nguyễn Văn Lới, Nguyễn Văn Túy ở thôn Thượng Đức có 2 tàu…Trong đội tàu đánh cá xa bờ của địa phương đã có 4 tàu vỏ sắt mà trị giá mỗi tàu lên tới 22 tỷ đồng…

Đóng mới tàu cá ở Đức Trạch (Bố Trạch).
Đóng mới tàu cá ở Đức Trạch (Bố Trạch).

Vì vậy, mặc dù năm 2016, sự cố môi trường biển đã làm tê liệt việc khai thác vùng biển gần bờ, nhưng xã vẫn vượt chỉ tiêu khai thác với hơn 86 nghìn tấn hải sản, đạt 106% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 35 triệu đồng/ người/ năm. Con cá, con mực cũng đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới để đến năm 2016,  Đức Trạch là một trong 3 xã đầu tiên của huyện Bố Trạch cán đích nông thôn mới.

Ám ảnh thiếu lao động

Sau khi vắn tắt vài nét về xây dựng nông thôn mới ở xã biển này, ông Chiến chuyển câu chuyện sang một hướng khác. Ông cho biết điều bất thường với các tàu đánh bắt xa bờ đầu năm nay là thiếu lao động nghiêm trọng. Thực trạng này vẫn xảy ra với tàu cá Đức Trạch, nhưng năm nay, thiếu hụt lớn quá. Tính ra cả xã thiếu đến 400-500 lao động trên tàu đánh bắt xa bờ.

Vì sao với một xã “độc ngư” như Đức Trạch, có 1.783 hộ và gần 8.000 khẩu lại thiếu lao động đi biển? Điều băn khoăn của chúng tôi được ông Chiến lý giải, hiện tại toàn xã có hơn 500 lao động xuất ngoại, hầu hết là nam giới đang làm việc tại Hàn Quốc, riêng năm 2016 có đến hơn 200 người đi lao động ở nước ngoài. Và cái nguyên do của việc “xuất ngoại” ào ạt qua Hàn Quốc cũng được ông Chiến nói rõ.

Đi xuất khẩu lao động cũng chỉ là đi đánh cá cho các tàu cá Hàn Quốc. Nhưng, làm việc bên ấy lương cao, bình quân mỗi người khoảng 60-70 triệu đồng/ tháng. Ngoài lương còn được thưởng và có chế độ nghỉ phép năm để được về nhà… Nhiều chủ tàu ở Hàn Quốc giao hẳn tàu cho người lao động Đức Trạch tự do đi khai thác. Không phải ngẫu nhiên mà có chuyện này.

Con em Đức Trạch phần lớn sống bằng nghề biển. Biển ở ta khắc nghiệt đã tôi luyện nên những lao động bền bỉ, chịu đựng tốt, làm việc tích cực, có trách nhiệm… thế là họ thích. Những năm trước vài người đi qua bên đó, làm việc có uy tín, rồi cứ thế móc nối kéo nhau đi, bên họ hồ hởi đón nhận. Có nhà đi Hàn Quốc 2-3 người. Nhìn những ngôi nhà to, đẹp mới xây trên các tuyến đường bê tông phẳng lỳ, chúng tôi thầm nghĩ  có lẽ nó được xây bằng đồng tiền từ Hàn Quốc gửi về?

Trước thực tế này, để tàu tiếp tục ra khơi, các chủ tàu đã phải mời gọi, tìm kiếm lao động ở các xã lân cận, như: Hải Trạch, Phú Trạch, Trung Trạch… Bên cạnh đó, các chủ tàu cũng thực hiện các cơ chế ưu đãi hơn với người lao động. Thế nhưng sau Tết, các tàu vẫn chưa gọi đủ “bạn” theo biên chế trên mỗi tàu.

Ông Chiến cho biết, nhìn chung các tàu đều thiếu 1-2 người. Thiếu người sẽ rất vất vả cho những người lao động trên tàu, phải làm thêm việc trong điều kiện khắc nghiệt trên biển, chưa kể đến những lúc thời tiết bất lợi khác…Điều đáng mừng là các chủ tàu đã vượt qua khó khăn vươn khơi đúng kế hoạch. Ngày 11 tháng giêng âm lịch, tất cả tàu cá xa bờ Đức Trạch đều nhằm các ngư trường truyền thống thẳng tiến…

Và khi tàu to thì luồng cạn…

Nhưng với những con tàu vươn ra đại dương ở Đức Trạch, khó khăn với họ không chỉ thiếu lao động. Trong cái nắng dịu mát chiều đầu xuân, cùng rảo bước trên cảng cá vắng bóng những con tàu, tôi chợt hỏi ông Chiến khi nào tàu cá sẽ kết thúc một chuyến đi biển và quay về đây? Ồ không, tàu không thể về đây vì luồng cạn, ông Chiến cho hay.

Cảng cá này đã trở nên bé nhỏ và không thể là điểm đến của những con tàu cá xa bờ. Tàu Đức Trạch phải “tá túc” khắp nơi, như: Cảng Gianh, Cửa Việt (Quảng Trị), Đà Nẵng…Thoáng chút thở dài, ông Chiến nói tiếp: “Nếu đây là cảng cho những tàu cá lớn của Đức Trạch cập bến sau mỗi chuyến đi biển thì xã tôi sẽ lớn mạnh lên biết chừng nào”.

Vâng, có lẽ phục vụ hậu cần cho đội tàu hùng hậu này ngay tại Đức Trạch sẽ thu về nguồn lợi to lớn cho người dân địa phương. Chỉ riêng một chuyến đi kéo dài khoảng một tháng, các tàu cá xa bờ ở đây đã phải mua hơn 30 tỷ đồng tiền dầu. Chỉ kể một hạng mục trong hàng chục hạng mục khác mà các tàu cá cần cho một chuyến ra khơi để biết rằng không có cảng cá cho tàu xa bờ là một sự thất thu cực lớn của địa phương. Và, chắc chắn rồi, các chủ tàu cá cũng sẽ giảm được chi phí đáng kể cho mỗi chuyến đi biển nếu công tác hậu cần được thực hiện ngay tại xã.

Nhiều tàu cá Đức Trạch đang phải “tá túc” ở xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới sau mỗi chuyến đi biển về.
Nhiều tàu cá Đức Trạch đang phải “tá túc” ở xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới sau mỗi chuyến đi biển về.

Có cách nào để giải bài toán này? Ông Chiến nói, có thể nạo vét nâng cấp cảng và cũng có thể tận dụng rạn đá tự nhiên hình vòng cung ở cửa biển Lý Hòa để xây thành vịnh… Tất nhiên đấy cũng chỉ là mơ ước của địa phương, bởi kinh phí cho những công trình này  quá lớn.

Ông Chiến cho biết, trước năm 2002, cửa Lý Hòa tàu 90 CV còn ra vào được, nay thì không thể vì sự bồi lắng ở cửa sông. Mà tàu lớn trên 90 CV của địa phương ngày càng nhiều lên. Rồi vị chủ tịch xã kể chuyện những năm sáu mươi của thế kỷ trước, ông Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình lúc bấy giờ đã khởi động việc đào con sông thông với một nhánh sông Son tạo thành dòng chảy đổ ra sông Lý Hòa để hạn chế việc bồi lắng cửa sông Lý Hòa cũng như tạo sự thông thương bằng đường sông cho mấy xã trong khu vực.

Khi chỉ còn vài trăm mét nữa là công trình hoàn thành thì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ nổ ra, nên đành dừng lại và bị quên lãng cho đến nay. Thời gian qua, nhiều xã trong khu vực kênh đào dang dở cũng đã có ý kiến đề nghị huyện, tỉnh khởi động lại công trình này.

Chúng tôi tìm gặp ông Trần Đình Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch. Ông Vũ cho biết, mấy năm trước huyện cũng đã trình tỉnh về việc khởi động lại công trình này, tỉnh cũng đã đồng tình và kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhưng đã lâu chưa thấy Bộ trả lời…

Văn Hoàng-Nguyễn Tâm