.

Truyền tải điện Quảng Bình: Giữ cho dòng điện liên tục trong mưa lũ

Thứ Ba, 15/11/2016, 10:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu đi qua vùng địa hình phức tạp, hiểm trở, vì thế công tác quản lý vận hành, kiểm tra bảo vệ đường dây gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhất là trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhất là vào thời điểm 2 đợt lũ lụt vừa xảy ra, Truyền tải điện Quảng Bình đã triển khai kịp thời, nhanh chóng công tác phòng chống thiên tai (PCTT), hạn chế hậu quả lũ lụt, bảo đảm vận hành an toàn, liên tục và ổn định các đường dây truyền tải điện, không để xảy ra việc mất điện.

Truyền tải điện Quảng Bình quản lý 125,38 km đường dây 500kV mạch 1 Vũng Áng - Đà Nẵng (296 vị trí); 125,18 km đường dây 500kV mạch 2 Đà Nẵng - Hà Tĩnh (287 vị trí); 64,46 km đường dây 220kV mạch kép Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới (174 vị trí); 58,8 km đường dây 220kV Đồng Hới - Đông Hà (168 vị trí); Trạm biến áp 220kV Đồng Hới: 250MVA và Trạm biến áp 220kV Ba Đồn: 125MVA.

Vào mùa mưa bão, tình trạng nhiều tuyến đường dây truyền tải điện đi qua các cánh rừng, nhiều cột điện đặt trên các khu vực đồi, núi có nguy cơ bị xói mòn, đe dọa rất lớn đến việc bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện.

Như đợt lũ lụt từ ngày 13 đến ngày 15-10-2016, do mưa lớn, liên tục trong suốt một thời gian dài đã khiến toàn bộ các địa phương trong tỉnh bị ngập sâu trong nước, gây ra đợt lũ lụt có cường độ lớn nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Phạm vi lũ lụt cũng trải rộng trên toàn bộ các huyện, thị xã và thành phố nên tại các trạm biến áp 220kV Đồng Hới và 220kV Ba Đồn, nước lũ dâng nhanh đã làm ngập toàn bộ mặt bằng trạm trong thời gian vài giờ đồng hồ.

Lực lượng công nhân đã đắp lại đất bị trôi và gia cố kè móng tại vị trí 188 đường dây 220kV Vũng Áng - Ba Đồn - Đồng Hới.
Lực lượng công nhân đã đắp lại đất bị trôi và gia cố kè móng tại vị trí 188 đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới.

Đáng kể, rất nhiều vị trí các đường dây truyền tải ngập chìm trong nước và một số vị trí ngập lụt không tiếp cận được ngay sau lũ như: tại xã Quảng Phong (thị xã Ba Đồn); xã Vạn Trạch, Tây Trạch, Cự Nẫm (Bố Trạch); phường Đồng Sơn, Nghĩa Ninh (Đồng Hới)...

Vì vậy, ngay sau khi lũ lụt có chiều hướng giảm, đơn vị đã nhanh chóng tiến hành triển khai kiểm tra tình trạng các tuyến đường dây. Khi nước bắt đầu rút, các tổ công tác được phân công tiếp cận các điểm xung yếu.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, tình trạng xói lở đường vào tuyến với khối lượng khoảng 100m3 đất đá và tình trạng trôi đất đắp móng, đất lấp tiếp địa khoảng hơn 300m3. Trước tình hình đó, đơn vị đã nhanh chóng xử lý các vị trí bị sạt lở, nhằm bảo đảm vận hành và chuẩn bị cho những đợt lũ lụt tiếp theo có thể đến, đặc biệt là tại vị trí bị sạt lở nhiều như 188 và 194 đường dây 220kV mạch kép Vũng Áng- Ba Đồn - Đồng Hới. Cụ thể, lực lượng công nhân đã hoàn thành đắp lại gần 200m3 đất bị trôi và gia cố kè móng bằng cách sử dụng hơn 200 m3 đá, gần 100 m3 cát. Riêng đợt lũ lụt ngày 30-10 đến 1-11-2016 có mực nước thấp hơn so với đợt lũ lụt trước, nên số lượng các vị trí bị ảnh hưởng cũng ít hơn trước.

Có thể nói, trong hai đợt lũ lụt xảy ra vừa qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Truyền tải điện, công tác triển khai phòng chống thiên tai, hạn chế hậu quả lũ lụt đã được tiến hành kịp thời, nhanh chóng. Công tác trực ứng cứu lũ lụt và bảo đảm tính mạng con người khi di chuyển, thực hiện nhiệm vụ cũng được tiến hành hiệu quả. Nhờ vậy, ngành truyền tải điện đã không để xảy ra bất kỳ một sự cố nào. Tất cả các xuất tuyến đường dây, các máy biến áp lưới điện 500kV, 220kV, vẫn vận hành an toàn, bình thường.

Đặc biệt, tính mạng con người và thiết bị thuộc Truyền tải điện được bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Ông Nguyễn Long, Phó Giám đốc, Trưởng ban PCTT-TKCN Truyền tải điện Quảng Bình cho biết, sở dĩ có được kết quả như vậy là ngay từ đầu năm, đơn vị lập phương án PCTT và TKCN cho năm 2016, trong đó công tác PCTT đã được đơn vị tiến hành khẩn trương và tích cực theo phương châm “4 tại chỗ” và “phòng là chính”.

Theo đó, trên các tuyến đường dây, các tồn tại đã được xử lý kịp thời, các vị trí xung yếu đã được kiểm tra, gia cố vững vàng; những điểm có nguy cơ sạt lở đã được bồi đắp, cố định chắc chắn; các phụ kiện đường dây đã được kiểm tra kỹ càng, cẩn thận; tại các trạm biến áp, các tủ bảng ngoài trời đã được trang bị sẵn sàng túi bạt che mưa; hệ thống mương cáp, mương thoát nước đã được kiểm tra, khơi thông sạch sẽ; các tình huống xử lý khi trạm ngập nước đã được tính toán và diễn tập thành thục; vật tư, thiết bị, dụng cụ đã được chuẩn bị sẵn sàng, chu đáo, bảo đảm nhanh chóng huy động khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Cùng với đó, các phương án, kế hoạch ngăn ngừa, xử lý sự cố thiên tai, bảo đảm vận hành đã được đơn vị chuẩn bị và triển khai một cách tích cực và có hiệu quả.

Qua hai đợt lũ lụt đã phần nào cho thấy được sự vững vàng của lưới điện truyền tải, cũng như sự hiệu quả từ công tác PCTT của Truyền tải điện Quảng Bình trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, dự báo từ nay cho đến cuối năm, sẽ còn một số đợt áp thấp nhiệt đới có thể thành bão. Đây chính là thách thức không nhỏ công tác bảo đảm vận hành an toàn lưới điện, cung ứng điện phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu thụ của người dân. Với tinh thần chủ động, phương án xác thực, Truyền tải điện Quảng Bình quyết tâm vận hành và cung ứng điện rong mùa mưa lũ năm nay bảo đảm an toàn, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra.

N.Lưu-T.Thành