.

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu

Thứ Năm, 10/11/2016, 09:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2016 được xem là năm khó khăn nhất của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu. Làm gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phát triển trở lại đang được ngành Công thương, các sở, ngành liên quan đặc biệt quan tâm và tìm giải pháp tháo gỡ.

Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh đạt 147,6 triệu USD, bằng 90,3% so với cùng kỳ năm 2015 và 54,7% so với kế hoạch năm 2106; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 62,2 triệu USD, bằng 79,3% so cùng kỳ (xuất trực tiếp 71,4%, uỷ thác 18,6%) và kim ngạch nhập khẩu đạt 85,4 triệu USD, tăng 0,3% so cùng kỳ (100% hàng hoá nhập khẩu trực tiếp). Nếu xét theo nhóm hàng xuất khẩu thì công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất với 54,1%, tiếp đến là hàng lâm sản chiếm 31,5%, nông sản chiếm 12,5% và nhóm hàng khác chiếm 1,9%.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: cao su xuất 4.689 tấn (bằng 35,6% so cùng kỳ năm 2015), thuỷ sản xuất 133,7 tấn (bằng 97,5% so cùng kỳ), gỗ xuất 14.000m3 (bằng 93,4% so cùng kỳ), nhựa thông xuất 685,8 tấn (bằng 78,5% so cùng kỳ). Đối với các mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu phục vụ sản xuất trong tỉnh và hàng tạm nhập tái xuất như: gỗ các loại, trâu, bò, xăng, dầu...

Trao đổi với chúng tôi về những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ông Đinh Minh Chất, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sản phẩm hàng hoá xuất khẩu của tỉnh chủ yếu là hàng thô, chủng loại đơn điệu, chưa có hàng hoá mới với quy mô lớn, mặt hàng có hàm lượng công nghệ chế biến cao chiếm tỷ lệ thấp nên chưa có tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Mặt khác, nguồn nguyên liệu đầu vào chưa đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng cho các nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu. Một số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải mua nguyên liệu đầu vào từ các địa phương khác hoặc nhập từ nước ngoài để chế biến sản phẩm xuất khẩu.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2016.
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2016.

Hiện tại, số doanh nghiệp vừa sản xuất, chế biến, vừa xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất ít mà chủ yếu là các doanh nghiệp thương mại xuất khẩu mua hàng từ Lào, Thái Lan và các tỉnh, thành phố trong nước về xuất khẩu, không qua khâu chế biến nên giá trị gia tăng thấp. Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, trong khi đây là thị trường thiếu tính ổn định và không bền vững.

Qua tìm hiểu thực tế, được biết, một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nữa là, một số doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc kê khai thuế, thủ tục hải quan, vấn đề thị trường, năng lực cạnh tranh, việc chuyển đổi sản phẩm xuất khẩu thay cho hải sản do ảnh hưởng của hiện tượng cá chết hàng loạt...

Hiện vẫn có doanh nghiệp chưa có bộ phận chuyên môn để phụ trách những công việc liên quan đến  xuất khẩu sản phẩm mà phải thuê qua đơn vị trung gian. Lâu nay, thị trường xuất khẩu không được mở rộng, trong khi các doanh nghiệp đều kinh doanh theo kinh nghiệm, hạn chế về chiến lược và định hướng phát triển, chưa năng động trong việc khai thác nguồn hàng xuất khẩu nên khả năng cạnh tranh thấp, dẫn đến sự suy giảm của giá trị các mặt hàng xuất khẩu.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phát triển hanh thông trở lại, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ tích cực và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh. Bên cạnh sự thông thoáng về các thủ tục liên quan đến thương mại, hành chính về hải quan, thuế nhằm rút ngắn thời gian thông quan, việc khai hải quan từ xa qua mạng internet cần được hướng dẫn thực hiện rộng rãi trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu ngày càng nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Nắm bắt được thực trạng và những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu hiện nay, Sở Công thương đang tổ chức làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan để bàn các giải pháp pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí để đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động chế biến thuỷ sản, kịp thời thông tin đến doanh nghiệp các chế độ chính sách mới từ cơ quan Nhà nước để doanh nghiệp nắm bắt, cập nhật phục vụ công tác xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hoá thuận lợi và hiệu quả.    

Trước tình hình kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc đẩy mạnh xuất khẩu bền vững các mặt hàng thế mạnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các doanh nghiệp nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.

Ngoài các giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu, tỉnh và các doanh nghiệp cần nghiên cứu các giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại vào các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng, đảm bảo đầu ra ổn định cho hàng hóa xuất khẩu. Và điều quan trọng là doanh nghiệp cần phát huy nội lực của mình để tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, chủ động tiếp cận, cập nhật thông tin, đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Về phía tỉnh cần đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng để các cụm công nghiệp làng nghề phát triển, có chính sách tài chính để hình thành một vài doanh nghiệp làng nghề có quy mô đủ lớn chuyên sản xuất sản phẩm xuất khẩu và bao tiêu hàng hoá xuất khẩu nhằm làm đầu kéo cho các doanh nghiệp nhỏ chuyên sâu sản xuất hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn đó ngay tại địa phương.

H.C