.

Trường Xuân (Quảng Ninh): Đổi thay từ một dự án

Thứ Tư, 09/11/2016, 09:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Trường Xuân là một xã miền núi của huyện Quảng Ninh, có đông đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Qua 30 năm kể từ khi thành lập, từ một địa phương ban đầu còn rất nhiều khó khăn, đến nay Trường Xuân đã có nhiều thay đổi, trở thành một điểm sáng trong số các xã miền núi của tỉnh.

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: “Mặc dù cơ sở hạ tầng đã có những thay đổi đáng kể, nhưng Trường Xuân vẫn đang là xã miền núi nghèo. Đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều. Năm 2014, Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) bắt đầu khởi động.

Dự án đầu tư phát triển các hạng mục, trong đó có 5 ngành hàng được lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của xã, đồng thời xây dựng được các kế hoạch hành động chuỗi giá trị gồm: keo, bò, gà, mật ong, sắn...làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của xã. Nhờ vậy đến nay, kinh tế-xã hội xã Trường Xuân đang ngày một phát triển và đời sống bà con được nâng cao, phù hợp với điều kiện đặc điểm của xã miền núi”.

Hiện nay, xã Trường  Xuân có 10 thôn, bản, 755 hộ với 2.614 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Vân Kiều có 206 hộ, 738 nhân khẩu.

Nghề nuôi ong lấy mật mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở xã Trường Xuân.
Nghề nuôi ong lấy mật mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở xã Trường Xuân.

Với tinh thần tự lực vươn lên và biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là chú trọng vào việc phát triển kinh tế vùng gò đồi nên đời sống của người dân Trường Xuân đã được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo. Với tổng diện tích tự nhiên trên 15.000 ha, Trường Xuân đã khai thác hiệu quả kinh tế vườn rừng, là một thế mạnh làm đòn bẩy để phát triển kinh tế.

Đặc biệt, vừa qua, nhận thấy Trường Xuân có nhiều tiềm năng để phát triển cây công nghiệp dài ngày, Dự án SRDP đã tiến hành khảo sát và đầu tư thiết lập các chuỗi phát triển kinh tế. Qua 3 năm triển khai, đến nay toàn xã có 30 tổ hợp tác (THT) bao gồm: 10 THT bò, 3 THT ong, 6 THT keo, 6 THT gà, 5 THT sắn với 401 thành viên. Sau khi được tham gia các khóa đào tạo do dự án tổ chức, cán bộ xã và đại diện của 20 THT đã xây dựng được các phương án sản xuất kinh doanh tiến đến lập các tiểu dự án đầu tư nông nghiệp thông minh thích ứng với địa phương.

Hiện tại toàn xã đã có 10 THT được nhận đầu tư từ dự án như: bò, gà, mật ong và trồng keo, đại diện các THT được tham gia đào tạo tiểu giáo viên về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, gà thả vườn... Đồng thời, tham quan học tập các mô hình làm ăn giỏi, kết nối với các doanh nghiệp đầu mối tham gia phát triển chuỗi giá trị bò, gà, mật ong và cây keo. Ngoài ra, để các hộ tham gia chuỗi dự án thuận tiện trong việc đầu tư phát triển kinh tế, Dự án SRDP đã liên kết 10 nhóm tiết kiệm tín dụng với 174 thành viên.

Đến nay người dân tham gia dự án vay với tổng dư nợ đến hết quý III/2016 là trên 1.097 triệu đồng. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Dự án SRDP, 137 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 525,4 ha, trong đó có 117 hộ là dân tộc Vân Kiều.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết thêm: Với sự hỗ trợ của Dự án SRDP, người dân xã Trường Xuân đã được nâng cao về năng lực, thay đổi nhận thức khi tham gia vào các hoạt động dự án. Các THT đã biết xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hạch toán kinh tế, đầu tư vốn vào các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, mang lại thu nhập để giảm nghèo  nhanh và bền vững. Các thành viên THT đã biết chủ động tìm được nguồn cỏ cho chăn nuôi bò. Nếu năm 2014 chỉ trồng được 3 ha thì năm 2016 đã trồng được 15ha. Đã có 75% hộ chăn nuôi xây dựng được chuồng trại cơ bản, kiên cố cho bò và gà.

Đặc biệt từ những kỹ năng cơ bản được tập huấn đã giúp cho các thành viên của các THT khai thác, tận dụng và phát huy hiệu quả, nhờ vậy mà doanh thu của các hộ sản xuất của THT có sự gia tăng đáng kể như: các hộ chăn nuôi gà doanh thu bình quân đạt 23 triệu đồng lứa đầâu tiên, gấp 1/3 lần so với trước đây, có nghĩa là lợi nhuận thu được tăng từ 4.200.000 đồng/lứa lên 5.500.000 đồng/lứa; các hộ nuôi ong doanh thu  trên đàn đạt 1,8 triệu đồng/đàn/năm (cả mật và bán ong giống) tăng 200.000 đồng/đàn so với trước đây.

Bà Nguyễn Thị Quyên ở bản Khe Ngang cho hay: Nhà tui nhờ dự án hỗ trợ mà có bò để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Hay gia đình bà Võ Thị Hòe ở thôn Quyết Thắng, được Dự án SRDP hỗ trợ nuôi ong đến nay số đàn của gia đình đã phát triển lên được trên 20 đàn. Bà Hòe tâm sự: Cứ một đàn ong cho doanh thu khoảng 1,8 triệu đồng/năm. Với số lượng đàn ong hiện có, kinh tế gia đình tui ngày càng phát triển. Điều đáng nói là nhờ có dự án mà sản phẩm mật ong của chúng tôi bắt đầu được xây dựng thương hiệu và có đầu ra ổn định.

Có thể nói, Dự án SRDP triển khai ở Trường Xuân đã góp phần làm thay đổi rất lớn về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hiền Phương