.

Xây dựng thương hiệu du lịch qua hệ thống website quảng bá: Góc nhìn sau sự cố môi trường biển

Thứ Sáu, 09/09/2016, 20:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với riêng mảng du lịch, theo thống kê sơ bộ từ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tỉnh ta có khoảng 60% tổ chức và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch có website riêng, chủ yếu là những tổ chức của Nhà nước, các công ty lữ hành và khách sạn có quy mô tương đối lớn.

Bên cạnh đó, một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đã vận dụng cách thức quảng bá thông qua mạng xã hội và thu về những kết quả khả quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các trang web chính thống sẽ luôn là địa chỉ tin cậy nhất để du khách tìm kiếm thông tin, là kênh quảng bá hiệu quả, nhanh chóng và chính xác nhất thương hiệu du lịch tỉnh ta.

Chính vì vậy, trong bối cảnh sau sự cố môi trường biển, tỉnh ta đang có những đổi thay trong chiến lược phát triển du lịch. Việc xây dựng hệ thống website du lịch theo đúng định hướng, tạo mối quan hệ liên kết chặt chẽ, thống nhất, bổ trợ cho nhau vẫn đóng vai trò then chốt trong nỗ lực quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình.

Điều dễ nhận thấy nhất trong hệ thống website quảng bá du lịch tỉnh ta đó là phần đa vẫn chưa khai thác hết các chức năng hữu ích của mình. Ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh cho biết, chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có website thực hiện khá trọn vẹn chức năng của mình, đó là vừa quảng bá được thông tin, hình ảnh hiệu quả, vừa hỗ trợ đắc lực cho du khách có nhu cầu tìm kiếm sự chỉ dẫn và xây dựng được thương hiệu du lịch riêng.

Còn lại các website hầu như “chỉ để cho có” với thông tin chậm cập nhật thường xuyên, thông tin thiếu sự kiểm chứng, chưa chọn lọc kỹ lưỡng hoặc chưa phản ánh đầy đủ về điểm đến, dịch vụ đang có, nhiều tiềm năng du lịch của tỉnh được quảng bá sơ sài, đơn điệu, thiếu chính xác...

Sự cố môi trường biển “nóng” là vậy, nhưng việc cập nhật thông tin ở một số website khá chậm, thiếu tính thời sự và chưa tạo độ tin cậy cao cho người truy cập. Nhiều thông tin hữu ích cho du khách bị bỏ qua, như các chỉ số quan trắc độ an toàn của nước biển, điểm bán các hải sản an toàn... Đó là chưa kể đến việc thiếu tích hợp những tính năng hữu ích của trang web, như: bản đồ tìm đường đi ngắn nhất, tổng hợp các điểm đến hấp dẫn của tỉnh nhà...

Báo điện tử địa phương cũng là một kênh quảng bá du lịch hiệu quả.
Báo điện tử địa phương cũng là một kênh quảng bá du lịch hiệu quả.

Nhiều website, đặc biệt là do các cơ sở lưu trú sở hữu, rất nghèo nàn về nội dung, nhàm chán về hình thức, cơ sở dữ liệu về du lịch địa phương quá ít ỏi, hầu như chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin giới thiệu về đơn vị, doanh nghiệp, không có giao diện trực tuyến, ngôn ngữ chỉ có tiếng Việt đơn thuần. Khi truy cập các trang web này, người có mong muốn tìm kiếm thông tin thì càng thêm mù mịt, người có nhu cầu sử dụng các tiện ích phục vụ du lịch thì thêm bối rối, khó khăn. Từ đó, nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch địa phương thông qua kênh quảng bá đắc lực này gặp không ít trở ngại.

Nguyên nhân của những hạn chế trên xuất phát từ việc thiếu nguồn nhân lực phục vụ cho website và từ chính sự thiếu quan tâm, đầu tư của đơn vị, doanh nghiệp. Ngay cả với Cổng thông tin du lịch tỉnh do Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh thực hiện, khó khăn cũng vẫn không hề nhỏ.

Chị Hoàng Thị Thanh Loan là quản trị mạng của Cổng thông tin du lịch tỉnh tại địa chỉ www.quangbinhtourism.com.vn và www.quangbinhtourism.vn, nhưng lại tốt nghiệp đại học chuyên ngành lịch sử.

Chị chia sẻ, thời kỳ đầu thực hiện nhiệm vụ được giao, chị gặp không ít bỡ ngỡ bởi chưa có chuyên môn về du lịch cũng như công nghệ thông tin. Sau quá trình tập huấn, bồi dưỡng, mọi việc mới thật sự vào guồng. Là trang tin du lịch chính thống của tỉnh, nhưng Cổng thông tin cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động, như thiếu kinh phí cho việc chi trả tiền nhuận bút, nhuận ảnh, thiếu biên chế để bố trí vào các vị trí làm việc của Cổng.

Vì vậy, dù rất nỗ lực, nhưng tin, bài của trang chủ yếu được lấy từ các nguồn tin cậy khác nhau, thi thoảng anh chị em trong Trung tâm mới có điều kiện viết tin, bài. Sắp tới, website sẽ cần được cải tiến, bổ sung rất nhiều chức năng để phục vụ hiệu quả hơn việc quảng bá thông tin, hình ảnh du lịch tỉnh nhà.

Cụ thể, cơ sở dữ liệu thông tin du lịch tỉnh sẽ được đưa vào khai thác, giao diện được đổi mới sao cho hấp dẫn, gần gũi và đẳng cấp hơn, tính liên kết giữa các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch được nâng cấp, tăng tính kết nối với mạng xã hội...

Với trang web quảng bá du lịch nòng cốt của tỉnh đã gặp nhiều gian nan như vậy, thì đối với các đơn vị quy mô nhỏ, khó khăn còn gấp bội. Có đơn vị còn không có người quản trị mạng, trang web phục vụ quảng bá nhưng lại lỗi thời về thông tin, bị động về chỉ dẫn, khiến khách du lịch có cách nhìn chưa chuẩn xác về du lịch tỉnh nhà.

Thiếu tính liên kết cũng chính là một điểm yếu nữa cần phải bàn đến của các website du lịch tỉnh nhà. Tính liên kết kém đầu tiên thể hiện ở việc xây dựng và khai thác thông tin liên quan đến du lịch tỉnh nhà giữa các website không nhất quán, phương thức hoạt động rời rạc, chưa có tính thống nhất, hệ thống. Trong sự cố môi trường biển vừa qua, có trang web cập nhật đầy đủ, trọn vẹn thông tin về vụ việc, đặc biệt là các khuyến cáo, quan trắc của chính quyền, cơ quan chức năng, nhưng lại có một vài trang hầu như không hoặc rất ít đề cập đến nội dung này, hay thậm chí có trang còn đưa ra những chỉ dẫn thiếu khoa học, hợp lý.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ hình ảnh của du lịch tỉnh nhà, chưa kể đến gây tâm lý hoang mang, dao động đối với những ai có đam mê du lịch Quảng Bình. Bên cạnh đó, hầu hết các website quảng bá du lịch của tỉnh ta đang lâm vào tình trạng “mạnh ai người nấy chạy”, không hề có sự hỗ trợ, chia sẻ với nhau. “Các ông lớn” trong kinh doanh dịch vụ du lịch có website riêng, lượt truy cập lớn, ít khi quan tâm đến các đối tác khác, trong đó có sự lơ là với các trang web của cơ quan quản lý nhà nước. Các đơn vị quy mô nhỏ hơn thì chỉ có thể chú trọng quảng bá các nội dung của phía mình và hầu như bỏ qua cơ hội liên kết cùng phát triển này.

Ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh khẳng định, tính liên kết đóng vai trò then chốt trong quảng bá thương hiệu du lịch, vừa tạo được sự nhất quán trong thông tin, vừa có được sự hỗ trợ, giúp sức lẫn nhau trong quá trình hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, để làm được điều này không phải là dễ dàng trong bối cảnh “một mình một ngựa” của hệ thống website du lịch tỉnh ta hiện nay. Đáng lưu ý là tính liên kết giữa chính các trang web này và người truy cập cũng vẫn còn rất lỏng lẻo.

Thực tế cho thấy, nhiều website chưa trang bị chức năng tư vấn trực tuyến, vốn dĩ rất cần thiết cho những ai có mong muốn tìm hiểu thông tin du lịch Quảng Bình nhanh chóng, chính xác, thuận tiện. Và cũng chưa có sự kết nối hiệu quả từ website đến mạng xã hội, một kênh truyền bá hữu hiệu hiện nay.

Sau sự cố môi trường biển, du lịch tỉnh nhà đang có chuyển đổi đáng kể trong chiến lược phát triển, điều này đồng nghĩa với việc các kênh quảng bá thương hiệu du lịch Quảng Bình phải được triển khai sâu rộng, mạnh mẽ, vận dụng tối đa công suất hơn nữa. Quảng bá qua hệ thống website chính là cách thức hàng đầu, nhanh chóng và hiệu quả trong thời buổi ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch đang ngày càng bùng nổ như hiện nay.

Chính vì vậy, theo ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh, việc cần làm ngay là xây dựng một kế hoạch về đẩy mạnh khâu quảng bá này, đối với cả khu vực Nhà nước và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và quy định một “chuẩn chung” về trao đổi dữ liệu kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp làm du lịch, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả giữa hai bên.

Nguồn nhân lực du lịch phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghệ thông tin cũng rất cần những bước đi chiến lược dài hơi bên cạnh việc bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ. Ngoài ra, sau sự cố môi trường biển, nhiều kinh nghiệm rút ra trong quảng bá du lịch qua website khi có khủng hoảng cũng rất cần được xem xét, đánh giá, nhìn nhận thấu đáo.

Mai Nhân