.

Hóa Hợp: Hiệu quả bước đầu từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Thứ Tư, 07/09/2016, 15:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Về Hóa Hợp (huyện Minh Hóa) trong những ngày này, ai cũng trầm trồ khi nhìn thấy những vườn cây thanh long trải dài đang ra hoa kết trái, xa xa dưới những chân lèn núi đá vôi, cánh đồng ngô bạt ngàn xanh mướt phơi mình trong nắng. Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, Hóa Hợp đã tìm được hướng đi vững chắc để nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Nhân rộng mô hình trồng thanh long

Gia đình chị Đinh Thị Lan ở thôn Tân Hòa, xã Hóa Hợp là người đầu tiên đưa giống thanh long từ tỉnh Bình Thuận về trồng, mới đầu chỉ là vài chục gốc, sau 5 năm gia đình chị đã phát triển được gần 400 gốc, trong đó có 40 gốc thanh long ruột đỏ. Mô hình trồng thanh long đã cho gia đình chị Lan nguồn thu mỗi năm gần 80 triệu đồng.

Mô hình trồng cây thanh long của gia đình chị Đinh Thị Lan, thôn Tây Hòa (xã Hóa Hợp).
Mô hình trồng cây thanh long của gia đình chị Đinh Thị Lan, thôn Tây Hòa (xã Hóa Hợp).

Thấy được hiệu quả của cây thanh long, năm 2012, từ nguồn vốn của chương trình 30a, nguồn vốn 135, UBND xã Hóa Hợp đã hỗ trợ và vận động nhân dân nhân rộng mô hình này. Xã đã tổ chức tập huấn, hỗ trợ vốn, cây giống thu hút 20 hộ dân tham gia trồng cây thanh long, mỗi hộ được hỗ trợ trồng 50 gốc. Hiện nay hầu hết các mô hình thanh long đã cho thu nhập.

Gia đình chị Đinh Thị Thành ở thôn Đa Thịnh là một trong những hộ nghèo được xã Hóa Hợp hỗ trợ để phát triển mô hình trồng cây thanh long. Trước đây, diện tích đất này chị Thành dành để trồng sắn, lạc, sau khi được hỗ trợ, chị đã chuyển sang trồng cây thanh long, nhờ tích cực chăm sóc nên thanh long đã mang lại hiệu quả cho gia đình. Chị Thành cho biết, gia đình chị sẽ mở rộng diện tích trồng cây thanh long trong năm nay.

Giá bán thanh long ở Hóa Hợp hiện nay từ 18.000 đồng đến 25.000 đồng/kg, bình quân mỗi hộ trồng thanh long có nguồn thu nhập từ 10-20 triệu đồng một năm, đây là một khoản thu cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây khác.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định việc chọn cây thanh long để tạo nguồn thu nhập bền vững cho người dân là một hướng đi đúng của xã Hóa Hợp. Đây được xem là hướng đi mới, mở ra nhiều cơ hội giúp người dân phát triển kinh tế, góp phần bổ sung giống cây trồng mới vào cơ cấu cây ăn quả của huyện, tiến tới đưa thanh long trở thành loại cây chủ lực, mang lại hiệu quả cao trên địa bàn huyện Minh Hóa.

Đi đầu trồng cây ngô thương phẩm

Năm 2016, huyện Minh Hóa kêu gọi các địa phương vận động nhân dân đăng ký trồng cây ngô thương phẩm, huyện sẽ giới thiệu các công ty để liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong khi lãnh đạo các địa phương đang phân vân, thì lãnh đạo xã Hóa Hợp đã mạnh dạn đăng ký nhận trồng 60 ha. Để thực hiện được chủ trương này, xã Hóa Hợp đã tổ chức họp, lấy ý kiến của nhân dân và nhận được sự đồng tình ủng hộ.

Ông Đinh Gia Vương, trưởng thôn Đa Thịnh, xã Hóa Hợp cho biết, sau khi nhận được chủ trương này, tôi về triển khai họp thôn và bà con ai cũng hưởng ứng. Hiện nay, toàn thôn Đa Thịnh trồng được 15 ha, cao nhất trong toàn xã, thấy cây ngô phát triển nhanh, bà con mừng lắm.

Nông dân xã Hóa Hợp chăm sóc ngô thương phẩm.
Nông dân xã Hóa Hợp chăm sóc ngô thương phẩm.

Toàn xã Hóa Hợp trồng trên 52 ha ngô thương phẩm, dù chưa đạt được chỉ tiêu là 60 ha, nhưng đây là một nỗ lực lớn của chính quyền và bà con, vì những năm trước đây diện tích trồng ngô hè-thu của xã không được bao nhiêu, bà con sau khi thu hoạch vụ đông-xuân thường bỏ hoang đất để phục vụ đồng cỏ cho chăn nuôi trâu bò. Năm nay Hóa Hợp sử dụng hết diện tích đất để trồng ngô thương phẩm. Bà Lê Thị Kim Tiên, ở thôn Đa Thịnh cho biết, mọi năm bà chủ yếu trồng lạc và thả trâu bò, nhưng năm nay gia đình trồng gần một mẫu ngô, khoảng một tháng nữa có thể thu hoạch và trồng thêm lứa khác.

Được biết, xã Hóa Hợp đã đứng ra ký kết với Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) sẽ thu mua ngô thương phẩm (cả cây và bắp) cho bà con nông dân với giá 850 đ/kg, nếu giá thị trường thấp hơn công ty vẫn giữ giá như cam kết, nếu giá thị trường cao hơn công ty sẽ thực hiện thu mua như giá thị trường hiện tại. Với đà phát triển như hiện nay, chắc chắn vụ ngô thương phẩm đầu tiên sẽ mang lại thu nhập cao cho bà con, tạo đà để các địa phương khác trong huyện nhân rộng diện tích trồng ngô thương phẩm.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong 6 tháng đầu năm, xã Hóa Hợp đã đạt nhiều kết quả đáng mừng: tổng sản lượng lương thực ước đạt 744,4 tấn, đạt 113,1% so với kế hoạch; đàn gia súc có 2.283 con; toàn xã khai thác được 32 ha rừng trồng; nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển khá. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 26,8%.

Ông Đinh Trường Sinh, Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp cho biết: Để có được những kết quả trên là nhờ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, chủ trương đưa ra được dân ủng hộ là một thành công lớn. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình đã thành công, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để giúp nhân dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, tìm các mô hình kinh tế mới phù hợp với địa phương vào triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành tiêu chí hộ nghèo và tiêu chí thu nhập để Hóa Hợp cán đích nông thôn mới vào năm 2017.

Thùy Linh
(Đài TT-TH Minh Hóa)