.

Thị xã Ba Đồn: Hiệu quả của xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học

Thứ Tư, 14/09/2016, 10:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo phương pháp truyền thống, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con nông dân trên địa bàn thị xã Ba Đồn thường đốt rơm, rạ ngay tại đồng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của những người dân sống xung quanh. Để giải quyết vấn đề này, vụ đông-xuân 2015-2016, một số nông dân tại các địa phương như Quảng Lộc, Quảng Phong đã ứng dụng chế phẩm sinh học vào xử lý gốc rạ thành phân bón hữu cơ ngay tại chân ruộng, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Thời điểm này, trên những cánh đồng của thị xã Ba Đồn, bà con nông dân đang thu hoạch lúa hè thu. Đây là vụ mùa thứ hai, thay vì "đốt đồng", nhiều nông dân đã biết cách xử lý rơm, rạ thành phân bón cho vụ sau.

Năm 2015, Trung tâm khuyến nông thị xã Ba Đồn đã phối hợp với đơn vị Ứng dụng công nghệ xanh Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn chuyển giao quy trình xử lý gốc rạ bằng phân bón vi sinh phân hủy  tại một số cánh đồng mẫu của xã Quảng Lộc và phường Quảng Phong.

Sau khi thu hoạch lúa, bà con nông dân xử lý phân hủy gốc rạ bằng chế phẩm vi sinh.
Sau khi thu hoạch lúa, bà con nông dân xử lý phân hủy gốc rạ bằng chế phẩm vi sinh.

Kết quả cho thấy, sau khi trộn đều chế phẩm vi sinh với cát rồi rắc xuống mặt ruộng đã gặt xong, khoảng 5 đến 7 ngày, toàn bộ gốc rạ trên mặt ruộng đã hoai mục thành phân bón hữu cơ. Với thành phần chủ yếu là các chủng nấm đối kháng và các vi sinh vật nên chế phẩm vi sinh giúp đất tươi xốp, tăng độ mùn cho đất, xử lý các nấm bệnh, chống ngộ độc hữu cơ sau khi gieo sạ, xử lý các triệu chứng vàng lá, nghẹn rễ, giúp cây lúa phát triển tốt, giảm lượng phân bón, tăng năng suất.

Ông Nguyễn Văn Nhiệu, xã Quảng Lộc chia sẻ: “Bây giờ, cắt lúa bằng máy gặt liên hợp nên toàn bộ rơm, rạ đều để lại tại ruộng. Trước đây, khi thu hoạch xong tôi thường đốt bỏ rơm, rạ, nhưng nay đã biết cách dùng chế phẩm vi sinh để tạo ra phân hữu cơ làm tốt ruộng. Cách này rất hiệu quả mà không gây ô nhiễm môi trường”.

Cũng như gia đình ông Nhiệm, gia đình ông Nguyễn Văn Tuất tại phường Quảng Phong cũng đã sử dụng chế phẩm vi sinh phân hủy gốc rạ và đã mang lại những kết quả khả quan. Ông Tuất phấn khởi nói: “Quá trình xử lý gốc rạ bằng chế phẩm vi sinh khá đơn giản, dễ thực hiện, chi phí bỏ ra chỉ khoảng 40-45 nghìn đồng/sào. Thời gian xử lý ngắn, đặc biệt rất thích hợp cho vụ chiêm sang vụ hè, khi thời gian chuyển vụ ngắn, gốc rạ không kịp rã mục”.

Qua so sánh với các mô hình đối chứng cho thấy sự khác biệt rất rõ ràng, 100% diện tích được sử dụng chế phẩm vi sinh phân hủy gốc rạ, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, không còn bị ngộ độc hữu cơ hay bệnh vàng lá, nghẹn rễ. Đồng thời, giảm được 30% lượng phân bón và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất cũng như chất lượng gạo.    

Với những kết quả mang lại trong vụ lúa đông-xuân 2015-2016, đến nay, 10/16 xã, phường trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã mạnh dạn áp dụng chế phẩm vi sinh phân hủy gốc rạ cho vụ hè-thu 2016.

Như Hương