.

Hồ tiêu Việt Trung: Bao giờ có thương hiệu?

Thứ Sáu, 09/09/2016, 10:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, từ lâu, thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch) được biết đến với nhiều sản phẩm cây công nghiệp dài ngày đa dạng, phong phú, trong đó có hồ tiêu. Hơn ba chục năm gắn bó với người dân thị trấn, hồ tiêu Việt Trung là sản phẩm có chất lượng không thể lẫn lộn bởi hạt tròn đều, vị cay nồng và hương thơm đặc trưng. Tuy nhiên, để thực sự có chỗ đứng trên thị trường và vươn xa trong thời kỳ hội nhập, xây dựng thành công thương hiệu hồ tiêu Việt Trung là việc tối cần thiết…

Tiềm năng phong phú

Theo số liệu thống kê của địa phương, năm 2015, diện tích hồ tiêu toàn thị trấn đạt 260 ha, trong đó có 180 ha diện tích đã cho thu hoạch. Hơn ba chục năm gắn bó trên đồng đất thị trấn Nông trường Việt Trung, hồ tiêu đã được khẳng định là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Bởi theo tính toán của người dân thì sau khi trải qua thời kỳ kiến thiết cơ bản (trồng 3 năm), cây hồ tiêu sẽ bắt đầu cho thu hoạch.

Thời kỳ thu hoạch hồ tiêu có thể kéo dài đến 15 năm, trong đó từ năm thứ 5 trở đi, khi cây tiêu trưởng thành, sản lượng thu hoạch có thể đạt từ 2,5 đến 3 tấn/ha. Với giá bán như hiện nay, trung bình 1 ha tiêu cho doanh thu khoảng 5 tỷ đồng trong một chu kỳ thu hoạch từ 15 đến 17 năm.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Trưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Việt Trung chia sẻ: Với giá trị và hiệu quả kinh tế cao từ cây hồ tiêu, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn đã tăng cường đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, hiện nay, cây hồ tiêu trên địa bàn đang có xu hướng phát triển với quy mô và hiệu quả ngày càng lớn.

Chỉ tính riêng 3 năm trở lại đây, sản lượng hồ tiêu toàn thị trấn đạt từ 250 đến 300 tấn/năm. Với giá bán bình quân từ 180.000 đồng/kg đến 220.000 đồng/kg như hiện nay, doanh thu từ sản xuất hồ tiêu trên địa bàn ước tính đạt 50 đến 60 tỷ đồng/năm. Đây chính là nguồn thu nhập đáng kể để người dân thị trấn Nông trường Việt Trung phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu.

Đặc biệt, hồ tiêu Việt Trung chỉ sử dụng nguồn phân bón hữu cơ và được chăm sóc theo lối truyền thống nên đã tạo ra sản phẩm có chất lượng đặc biệt. Theo đánh giá của những người có kinh nghiệm trồng tiêu lâu năm ở địa phương thì hồ tiêu Việt Trung có độ khô cao, tiêu cay hơn và có vị cay nồng đặc trưng, ngon hơn hẳn so với những nơi vốn lâu nay được mệnh danh là “thủ phủ” của hồ tiêu như Quảng Trị, Phú Quốc và Tây Nguyên... Cũng chính vì vậy nên mỗi lần xuất ra thị trường, hồ tiêu Việt Trung rất được các bạn hàng ưa chuộng và thường được mua với giá cao hơn các nơi khác từ 30.000 đến 40.000/kg.

Hướng đến xây dựng thương hiệu

Tiềm năng và hiệu quả đã thấy rõ, tuy nhiên người trồng tiêu ở Việt Trung hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Trước hết, đó là vấn đề chi phí. Để có được 1 ha tiêu khởi điểm, người dân địa phương phải đầu tư tối thiểu 370 triệu đồng để thuê làm đất, đào hố, mua giống, trụ, phân bón và thuê nhân công.

Cây hồ tiêu trên địa bàn thị trấn Nông trường Việt Trung đang phát triển với quy mô và hiệu quả ngày càng lớn.
Cây hồ tiêu trên địa bàn thị trấn Nông trường Việt Trung đang phát triển với quy mô và hiệu quả ngày càng lớn.

Tuy nhiên, cái khó nhất đó chính là giá cả và thị trường đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn vẫn thiếu tính ổn định. Thời kỳ cao điểm, hồ tiêu Việt Trung được các thương lái thu mua với mức giá lý tưởng từ 220.000 – 230.000 đồng/kg. Nhưng thời điểm hiện nay, khi hồ tiêu không được giá, các thương lái chỉ thu mua sản phẩm cho người dân với mức 170.000 – 175.000 đồng/kg. Điều này gây không ít khó khăn cho người trồng hồ tiêu ở Việt Trung.

Để giải quyết được điều đó, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hồ tiêu Việt Trung là vô cùng cần thiết. Đây không chỉ là giải pháp làm tăng giá trị sản phẩm, gắn kết trách nhiệm trong từng khâu sản xuất mà còn được xem là chìa khoá bảo đảm chỗ đứng vững chắc của sản phẩm trên thị trường.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Văn Thanh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bố Trạch cho biết: Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hồ tiêu Việt Trung là việc làm thực sự cần thiết nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy việc phát triển sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân. Hơn nữa, trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của thị trường như hiện nay, việc đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu uy tín cho hồ tiêu Việt Trung cũng chính là giải pháp nhằm hạn chế tối đa sự gian lận sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Trên thực tế, thời gian qua lãnh đạo huyện Bố Trạch cũng rất quan tâm đến vấn đề này; nhất là khi vấn đề phát triển du lịch gắn với nông nghiệp địa phương đang được xem là hướng đi mới nhiều triển vọng như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương cho thấy: trên 60% sản phẩm hồ tiêu của thị trấn được tiêu thụ theo kênh truyền thống nhỏ lẻ. Tức là phần lớn sản phẩm sau khi được người dân thu hoạch, tự sơ chế thông qua việc phơi khô bằng quạt hoặc ánh nắng mặt trời sẽ được mang đến các điểm thu gom trên địa bàn thị trấn.

Từ đây, sản phẩm hồ tiêu Việt Trung sẽ tiếp tục được các đại lý lớn hơn thu gom xuất khẩu hoặc bán trực tiếp cho doanh nghiệp. Chính phương thức tiêu thụ nhỏ lẻ truyền thống kéo dài mấy chục năm qua này đang trở thành “rào cản” lớn nhất của địa phương trong hành trình xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Trung.

Cũng theo ông Trần Văn Thanh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bố Trạch thì, để xây dựng thành công thương hiệu cho hồ tiêu Việt Trung, giải pháp hữu hiệu nhất đó chính là cần có “sự xuất hiện” của một doanh nghiệp đóng vai trò là “nhạc trưởng” để đứng ra thu mua, sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm bán cho người tiêu dùng hoặc chuyển cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đây được coi là kênh thị trường tiềm năng, bảo đảm đầu ra và chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm hồ tiêu Việt Trung trên thị trường. Tuy nhiên, việc tìm cho được doanh nghiệp đầu mối là chuyện không hề dễ dàng và để làm được điều đó chính quyền địa phương rất cần sự hỗ trợ của nhà nước.

Cùng với đó, giải pháp hình thành tổ hợp tác trên cơ sở tập hợp các hộ trồng tiêu trên địa bàn cũng chính là hướng đi phù hợp nhằm từng bước xây dựng thương hiệu. Và dù với giải pháp nào, địa phương cũng cần có một chiến lược dài hơi để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm từ khâu đăng ký nhãn hiệu độc quyền đến quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Diệm (tiểu khu Hữu Nghị), một trong số những hộ có diện tích trồng tiêu lớn nhất nhì thị trấn Nông trường Việt Trung chia sẻ: Năm 2015, tôi được mời tham dự hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm trang trại - làng nghề Việt Nam do Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Rất nhiều người biết và hỏi thăm về sản phẩm tiêu Việt Trung, thậm chí là ưu tiên cho mình một gian hàng để trưng bày sản phẩm. Đáng tiếc là hồ tiêu của mình chưa có thương hiệu, chưa có hướng dẫn về nhãn mác cũng như bao bì, quy cách đóng gói nên không thể trưng bày tại hội chợ. Xây dựng thành công thương hiệu hồ tiêu Việt Trung không chỉ là mong muốn của chính quyền mà còn là nguyện vọng tha thiết của nông dân chúng tôi. Nếu chính quyền địa phương có chủ trương thành lập tổ hợp tác sản xuất tiêu, chắc chắn tôi sẽ tham gia ngay...

Hiện cây hồ tiêu đã được thị trấn Nông trường Việt Trung chọn làm một trong 3 ngành hàng tiềm năng nhằm phát triển kinh tế - xã hội và tiến tới làm giàu cho người dân. Trong năm 2017, trên cơ sở bám sát sự hướng dẫn của huyện và các cơ quan chuyên môn, thị trấn Nông trường Việt Trung sẽ cố gắng hoàn thành việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu hồ tiêu trong thời gian tiếp theo.

Tin rằng, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, hồ tiêu Việt Trung sẽ sớm xây dựng thành công thương hiệu để sản phẩm hồ tiêu Việt Trung tiến xa hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Thanh Hải