.

Các làng nghề trước sự cố môi trường biển: Chồng chất khó khăn

Thứ Ba, 06/09/2016, 07:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Sự cố môi trường biển vừa qua tại 4 tỉnh miền Trung trong đó có Quảng Bình đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của người dân trên địa bàn, đặc biệt là các ngư dân. Không nằm ngoài sự ảnh hưởng ấy, nhiều làng nghề ở tỉnh ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức thậm chí có nguy cơ bị thu hẹp, “ngoắc ngoải” tìm hướng đi.

Về làng nghề sản xuất nước mắm Nhân Nam, xã Nhân Trạch (Bố Trạch) những ngày này chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước sự “đìu hiu” của làng nghề. Khác với cảnh tấp nập, náo nhiệt trước đây, Nhân Nam bây giờ khá im ắng. Bình thường, đây là thời điểm các hộ dân tất bật thu mua cá để chuẩn bị sản xuất mẻ nước mắm mới.

Sự cố môi trường biển đang đẩy nhiều làng nghề chế biến hải sản tỉnh ta rơi vào tình thế “ngắc ngoải”.
Sự cố môi trường biển đang đẩy nhiều làng nghề chế biến hải sản tỉnh ta rơi vào tình thế “ngắc ngoải”.

Thế nhưng, năm nay, vì thiếu nguyên liệu nên hầu hết các hộ làm nghề ở đây đều “ngồi không”. Với hơn 400 hộ sản xuất nước mắm, Nhân Nam được xem là một trong những vựa sản xuất nước mắm lớn nhất nhì tỉnh ta. Nước mắm của làng nghề tỏa đi muôn nơi, phục vụ nhu cầu cho nhiều tỉnh thành trong cả nước, thậm chí còn xuất đi cả nước ngoài. “Liệu rằng cái thời cực thịnh này sẽ sớm trở lại, hay trở thành quá khứ khi mà hiện tại sản xuất của làng nghề đang bị ngưng trệ? Hơn 5 tháng xảy ra sự cố môi trường biển là chừng đó thời gian các hộ làm nghề ở đây sống trong thấp thỏm, lo âu.

Ngoài mẻ nước mắm đang được chưng cất trước khi xảy ra vụ cá chết hàng loạt thì hiện tại hầu hết các hộ sản xuất của Nhân Nam đều không dám mua thêm cá về làm mẻ mới. Họ sợ làm ra rồi chẳng ai dám mua vì cho đến nay mặc dù mức độ an toàn của cá biển đã được kiểm chứng nhưng vẫn không ít người băn khoăn, lo lắng và “ngại” sử dụng các sản phẩm từ biển”, chị Phạm Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhân Trạch chia sẻ.

Đây cũng là nỗi niềm của các hộ làm nghề ở làng nghề chế biến hải sản Quy Đức, xã Đức Trạch (Bố Trạch). Ở đây, ngoài hơn 30 hộ sản xuất với quy mô lớn thì hầu như nhà nào cũng làm nước mắm để phục vụ cho nhu cầu của gia đình và bán lẻ cho các xã lân cận để kiếm thêm thu nhập. Nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư hệ thống chế biến quy mô, tạo nên thương hiệu riêng với doanh thu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động sản xuất của họ ngưng trệ, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nên kéo theo nhiều lao động bị mất việc làm. Nếu trước đây, bình quân mỗi năm làng nghề Quy Đức sản xuất 1.000 tấn hải sản các loại thì năm nay con số đó giảm xuống chỉ còn khoảng 500-600 tấn.

“Khó khăn lớn nhất là việc thiếu nguyên liệu. Không dám mua cá đánh bắt gần bờ, nhiều người đành phải mua cá đánh bắt xa bờ. Nhưng các tàu đánh bắt xa bờ hiện nay đa số tập trung đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, còn các loại cá phục vụ chế biến cũng rất hạn chế.

Hơn nữa, vì đánh bắt xa bờ nên cá thường được ướp đá nếu làm nước mắm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm. Một cái khó nữa chính là vấn đề đầu ra. Tâm lý của người tiêu dùng hiện nay là rất ngại sử dụng các sản phẩm được làm từ hải sản nên sức mua giảm hẳn. Cứ cái đà này, không biết “số phận” của các làng nghề chế biến hải sản như làng nghề chúng tôi sẽ đi về đâu?”, ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch thở dài.

Sau sự cố môi trường biển, các làng nghề chế biến hải sản tỉnh ta đang trong tình trạng “ngắc ngoải” là điều thấy rõ. Tuy nhiên, nằm trong “trục quay” của hệ lụy đó, nhiều làng nghề khác cũng bị ảnh hưởng theo. Vốn nổi tiếng với các sản phẩm đan lát truyền thống, trong đó có loại thuyền thúng chuyên phục vụ ngư nghiệp, cung cấp cho các làng biển trong tỉnh, làng nghề đan lát Thọ Đơn, phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn) thời gian này cũng chịu không ít lao đao vì sự cố môi trường biển.

Là làng nghề truyền thống có từ lâu đời, hiện ở Thọ Đơn có khoảng 500 hộ, với trên 3.000 lao động làm nghề đan lát và khoảng trên 20 hộ chuyên đan thuyền thúng. Sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nhiều hộ dân đan thuyền thúng của Thọ Đơn.

Chị Nguyễn Thị Tình, người chuyên làm thuyền thúng ở làng nghề chia sẻ: “Với 2 lao động lành nghề, thì chỉ mất 2 ngày có thể làm xong 1 chiếc thuyền thúng. Nếu bán ở dạng thô, mỗi chiếc có giá khoảng 1,5 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 1 triệu đồng. Mỗi tháng gia đình tôi có thể làm được trên 10 chiếc thuyền thúng, thu lãi trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là trước đây, còn bây giờ thuyền làm ra không bán được, gia đình tôi bị mất một khoản thu nhập không hề nhỏ”.

Công việc sản xuất bún, bánh của các hộ dân ở làng nghề Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch) tưởng chừng không liên quan đến sự cố môi trường biển nhưng sự thực là từ khi xảy ra sự cố đến nay, hoạt động của làng nghề đã bị ảnh hưởng không ít. Anh Ngô Xuân Tứ, cán bộ UBND xã Quảng Thanh, phụ trách làng nghề cho biết: Bún, bánh thường kết hợp được với nhiều loại thực phẩm khác nhau từ thịt bò, gân bò, giò lợn cho đến ốc, hến, cá biển... Khi ăn kèm cá biển, bún bánh có một mùi vị rất riêng, hấp dẫn khiến nhiều người yêu thích.

Nghề đan thuyền thúng của Thọ Đơn (Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn), đang có nguy cơ “yểu mệnh” vì sản phẩm làm ra chẳng ai mua.
Nghề đan thuyền thúng của Thọ Đơn (Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn), đang có nguy cơ “yểu mệnh” vì sản phẩm làm ra chẳng ai mua.

Chính vì lẽ đó, khi hiện tượng cá biển chết hàng loạt xảy ra, lượng bún bánh tiêu thụ mỗi ngày của Tân An giảm đi đáng kể, chỉ còn khoảng 60-70% so với trước đây. Đơn cử như hộ chị Ngô Thị Bốn. Nếu trước đây, trung bình gia đình chị xuất bán được khoảng 1,2-1,5 tấn bún bánh/ngày thì hiện nay con số đó giảm xuống chỉ còn khoảng 6-7 tạ/ngày. Lượng tiêu thụ giảm xuống kéo theo sản xuất bị đình trệ, nhiều lao động bị mất việc làm phải xoay chuyển theo hướng khác để kiếm thêm thu nhập.

“Gia đình tôi trước đây thuê 8 lao động, ngày nào cũng làm hết công suất mà vẫn không đáp ứng đủ lượng bún bánh khách cần. Ấy vậy mà đùng một cái xảy ra sự cố môi trường biển, sản xuất của chúng tôi bị “tụt dốc” thấy rõ. Thay vì ngày nào cũng làm bún bánh thì nay một tuần chúng tôi chỉ làm khoảng 2-3 ngày, nhân công bị cắt giảm gần hết. Thu nhập cũng theo đó mà “rớt” thảm hại”, anh Ngô Xuân Khuynh, một hộ làm bún bánh ở Tân An tặc lưỡi.

Rõ ràng, sự cố môi trường biển đã và đang đẩy nhiều làng nghề tỉnh ta vào “thế khó”. Ổn định tâm lý người tiêu dùng để cân bằng sức mua được xem là “chìa khóa” giúp các làng nghề giải quyết những khó khăn trước mắt. Và để làm được điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần nhanh chóng có “đường đi nước bước” rõ ràng, thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong việc vực các làng nghề bước qua giai đoạn khó khăn này.

Đào Vân