.

Khai thác chế biến sứa ở Ngư Thủy Nam

Thứ Sáu, 15/04/2016, 16:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo kinh nghiệm của bà con, khi có gió nam xuất hiện cũng là lúc sứa không xuất hiện ở vùng biển bãi ngang Ngư Thủy mà di chuyển vào phía nam. Do vậy, trong năm, khoảng thời gian từ tháng 1 âm lịch đến tháng 3 âm lịch, bà con tập trung đẩy mạnh việc khai thác đánh bắt sứa. Từ đầu năm đến nay, số lượng sứa khai thác toàn xã Ngư Thủy Nam ước đạt 700 tấn đến 800 tấn. 

Ngư Thủy Nam là xã bãi ngang, cách xa trung tâm huyện Lệ Thủy gần 40 km về phía đông. Là một xã nghèo, đời sống ngư dân chủ yếu là đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, trong đó có nghề đánh bắt sứa. Để góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường, các cơ sở chế biến sứa đã ra đời. Hiện tại, Ngư Thủy Nam có hai cơ sở chế biến sứa các cơ sở được đầu tư trang bị máy móc đáp ứng với yêu cầu kỹ thuật chế biến sứa.

Chúng tôi đến cơ sở chế biến sứa thôn Liêm Tiến vào một ngày đầu tháng tư khi sứa đã vào vụ. Hàng chục công nhân đang tất bật ở các khâu chuẩn bị chế biến sứa. Cơ sở thu mua, chế biến sứa của anh Nguyễn Văn Thụ, thôn Liêm Tiến đã đi vào hoạt động được hai năm nay.

Công nhân cơ sở chế biến đang phân loại sứa sau khi đã đưa vào máy quay làm sạch nhớt.
Công nhân cơ sở chế biến đang phân loại sứa sau khi đã đưa vào máy quay làm sạch nhớt.

Từ đầu vụ đến nay, cơ sở thu mua và đưa vào chế biến khoảng 500 tấn, trung bình mỗi ngày chế biến được 30-35 tấn sứa. Để chế biến sứa tươi thành sứa khô có thể bảo quản và cất giữ được lâu, sứa được thu mua trực tiếp ở các thuyền của ngư dân, sau đó đưa vào máy cắt nhỏ và rửa sạch bằng hệ thống máy quay hết nhớt khoảng 11-12 giờ đồng hồ. Sứa sau khi đánh sạch nhớt chuyển qua công đoạn phân loại chân sứa, tay sứa, mình sứa và cho vào từng bể riêng, mỗi bể chứa khoảng 2,5-3 tấn rồi được ủ muối theo tỷ lệ quy định.

Sau một đến hai tháng ủ, sứa sẽ được đóng gói và đưa vào các tỉnh phía nam tiếp tục các công đoạn xử lí và bảo quản trước khi đến tay người tiêu dùng. Trung bình mỗi kg sứa khô có giá 20-25.000đ/kg. Thử làm phép so sánh, cứ mỗi tạ sứa tươi có giá khoảng 80.000-100.000đ/tạ, nhưng nếu qua sơ chế mỗi tạ sứa tươi thu được khoảng 25 kg sứa khô (4 tạ tươi tương ứng với 1 tạ khô) có giá 500.000đ-650.000đ, sau khi trừ chi phí cho lãi cao.

Trước đây, khi chưa có cơ sở chế biến sứa, ngư dân không mặn mà với nghề sứa. Toàn xã chỉ có 4-5 thuyền đánh bắt sứa, còn lại chủ yếu tập trung vào đánh bắt cá, mực. Lượng sứa đánh bắt được ngư dân nhập cho thương lái bán ở chợ với giá bèo bọt. Vì sứa vốn rất nặng, giá cả thấp nên bà con e dè thậm chí không quan tâm đến việc đầu tư đánh bắt. Kể từ khi xã có hai cơ sở thu mua chế biến sứa, bà con phấn khởi và động viên nhau mở rộng nghề này, tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Thôn Liêm Tiến hiện tại có khoảng 30-40 thuyền theo nghề sứa. Toàn xã có khoảng 60-70 thuyền theo nghề này. Ngư dân ở đây cho biết, đánh bắt sứa phải bỏ công sức gấp đôi, gấp ba lần so với các loại nghề khác nhưng lại cho hiệu quả và thu nhập ổn định.

Hai cơ sở chế biến sứa ở xã Ngư Thủy Nam đã giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho hàng chục công nhân. Đặc điểm của loài sứa là di chuyển theo dòng nước nên việc khai thác không dàn trải trong năm mà có tính chất mùa vụ.

Đa dạng hóa ngành nghề đánh bắt, trong đó có khai thác đánh bắt sứa đang được chính quyền xã Ngư Thủy Nam đặc biệt chú trọng. Trong thời gian sắp tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện và khuyến khích ngư dân chuyển đổi, đầu tư ngư cụ để tiếp tục khai thác và đánh bắt sứa đem lại hiệu quả và năng suất cao. Đồng thời khuyến khích mở rộng cơ sở chế biến sứa nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tạo nguồn thu nhập, thay đổi bộ mặt nông thôn.

Trần Mận