.

Bất cập trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu, 15/04/2016, 13:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Có thể nói chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở tỉnh ta thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn bước đầu có sự đổi thay. Tuy nhiên, tình trạng chạy theo thành tích, coi trọng hình thức bên ngoài mà ít tập trung phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cho người nông dân còn xảy ra ở khá nhiều vùng quê.

Mới đây chúng tôi có dịp về Lệ Thủy là địa phương đi đầu trong XDNTM của tỉnh, có 6 xã trong tổng số 30 xã của tỉnh cán đích NTM. Qua tìm hiểu được biết, Lệ Thủy đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, coi trọng công tác chỉ đạo nên số lượng tiêu chí tăng khá cao qua hàng năm. Quyết tâm chính trị này thể hiện rõ nét nhất là tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020, đã xác định phương hướng đến năm 2020 đưa Lệ Thủy trở thành huyện NTM.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình XDNTM ở Lệ Thủy còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Đó là, tiến độ thực hiện vẫn còn chậm so với lộ trình đề ra. Hiện tại Lệ Thủy có 6 xã đạt NTM, đây là các xã có điều kiện thuận lợi về nhiều mặt, nhưng còn khoảng 8 xã nằm trong tình trạng khó khăn để tăng tiêu chí NTM. Nội lực của các xã này rất yếu, trông chờ chủ yếu vào nguồn lực từ bên ngoài.

Chợ Quang Phú, Đồng Hới được xây dựng khá khang trang.
Chợ Quang Phú, Đồng Hới được xây dựng khá khang trang.

Trong chỉ đạo một số cấp ủy, chính quyền tỏ ra nôn nóng, cứng nhắc trong huy động nguồn lực làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Bài học huy động sức dân theo lối "cào bằng", thiếu linh hoạt dẫn đến sai lầm ở xã Tân Thủy và xã Phong Thủy đã nói lên điều này.

Qua tìm hiểu một số địa phương trong tỉnh, đa số người dân đồng tình với chủ trương XDNTM, nhưng có một số nơi hình ảnh NTM bị tổn thương là do cách làm áp đặt cá nhân của một số lãnh đạo cơ sở, từ đó mà phong trào vốn do dân làm chủ thể đã trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình.

Trong thực hiện các nội dung XDNTM, đa số các địa phương tập trung cao cho xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng nhiều đến các nội dung về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường. Đến nay mới có 56,6% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 44,9% số xã đạt tiêu chí môi trường và 37,5% số xã đạt tiêu chí hộ nghèo.

Thời gian qua trên địa bàn huyện Minh Hóa được Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nhiều dự án để phát triển sản xuất, xây dựng mô hình trồng trọt và chăn nuôi số tiền hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, sau khi các dự án kết thúc thì đa số các mô hình dày công xây dựng cũng "đi theo" luôn. Điển hình tại xã Trọng Hóa, Dự án Phân cấp giảm nghèo đã đầu tư nhiều mô hình trồng rau xanh, chăn nuôi lợn, trồng rừng... nhưng khi dự án kết thúc nay không còn mô hình nào hoạt động.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, 5 năm qua toàn tỉnh được hỗ trợ 84 đề án, 155 mô hình sản xuất. Nếu so với số lượng 136 xã và 75 vạn dân nằm trong Chương trình XDNTM thì số dự án, mô hình chẳng đáng là bao. Do vậy, thời gian tới các địa phương cần tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mạnh hơn nữa để tạo ra sự bứt phá về sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Nói về xây dựng hạ tầng, tuy có mức độ tăng trưởng khá nhưng mức độ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thiết yếu còn thấp, như giao thông đạt 27,9% số xã, thủy lợi 49,3% số xã, trường học 38,2% số xã, cơ sở vật chất văn hóa 32,4%. Nhiều thôn, xã khi xây dựng hạ tầng thiết yếu tập trung vào bề nổi mà thiếu quan tâm đầu tư các công trình thiết yếu. Đi về nhiều vùng nông thôn trong tỉnh chúng ta dễ bắt gặp những công trình cổng chào vào thôn vào xã được xây hoành tráng, bề thế, trong lúc các cơ sở như trạm y tế, trường mầm non còn tạm bợ chưa tương xứng.

Trong số đó có xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa đã đầu tư gần 1,4 tỷ đồng vào 3 công trình "bề nổi" cho Trường THCS Xuân Hóa mà dư luận không mấy đồng tình. Ba hạng mục này nằm trong gói thầu xây dựng do UBND xã Xuân Hóa làm chủ đầu tư, nguồn vốn ngân sách là  hàng rào trị giá 616 triệu đồng, cổng trường 174 triệu đồng, sân bê tông hơn 587 triệu đồng.

Hàng rào quá to cao, sân trường thì láng xi măng gần như toàn bộ không dành chỗ trồng cây xanh và trang trí, cổng trường rất đồ sộ cao to khiến ai thấy cũng ngạc nhiên. Trong lúc đó  các phòng chức năng như y tế, thiết bị cũng không đủ diện tích vì được cải tạo, ngăn đôi từ phòng học cũ.

Theo tinh thần chỉ đạo thực hiện chương trình là phải huy động nguồn vốn tổng hợp, chủ yếu từ các thành phần ngoài nhà nước, nhưng ở tỉnh ra nguồn vốn của doanh nghiệp và các tổ chức khác chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Trong tổng số nguồn vốn đã đầu tư cho chương trình 5 năm qua là 4.045 tỷ đồng, thì vốn ngân sách nhà nước 1.817 tỷ đồng (chiếm 44,9%), vốn tín dụng 1.408 tỷ đồng (34,8%). Vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp chỉ chiếm 3,1% với 124 tỷ đồng; đóng góp của nhân dân (gồm: tài sản, đất đai, ngày công và tiền mặt) được 585 tỷ đồng (14,5%). Trong năm 2015 có 2 xã: Quy Hóa, Minh Hóa (diện 30a) và xã Quảng Phú, Quảng Trạch (diện bãi ngang) đạt được NTM đã phải bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ mỗi xã 1,8 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí.

Một bấp cập nữa trong thực hiện chương trình là nặng về các tiêu chí xây dựng hạ tầng mà  thiếu quan tâm chỉ đạo thực hiện các tiêu chí không cần phải đầu tư nhiều kinh phí như tiêu chí môi trường, văn hóa... Qua số liệu tổng hợp của Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM tỉnh cho thấy, đến cuối năm 2015 có 61 xã đạt tiêu chí về môi trường, chiếm tỷ lệ 44,9% tổng số xã; tiêu chí văn hóa có 66 xã đạt, chiếm 48,5%...

Theo lãnh đạo các địa phương, môi trường là một tiêu chí khá “nhạy cảm” vì kết quả của nó phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân. Thí dụ như tại xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn đã hoàn thành NTM cách đây 2 năm, diện mạo vùng quê này đã thay da đổi thịt. Tuy nhiên, vấn đề thu gom và xử lý rác thải, chất thải không phải dễ dàng thực hiện. Hiện tại, Quảng Hòa vẫn chưa có địa điểm tập kết rác thải tập trung mà phải tự xử lý tại địa phương nên không tránh khỏi những bất cập và về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến độ chuẩn tiêu chí môi trường của xã.              

Trong khi đó theo quy định, để đạt chuẩn tiêu chí môi trường, xã phải có từ 75% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có ít nhất 50% hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất-kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường; đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh-sạch-đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; rác thải, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định...

Phương thức sản xuất của ngư dân vùng bãi ngang còn lạc hậu.
Phương thức sản xuất của ngư dân vùng bãi ngang còn lạc hậu.

Mặc dù tiêu chí quy hoạch tất cả 100% số xã đã hoàn thành nhưng chất lượng các đồ án quy hoạch chưa thật sự đạt như mong muốn. Một số đồ án quy hoạch và đề án XDNTM của xã chất lượng còn thấp, chưa gắn kết vùng trong phát triển, chưa phát huy hiệu quả lợi thế, đặc thù của từng địa phương; tuy đã sớm có sự tập trung chỉ đạo, nhưng chậm được bổ sung hoàn thiện, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất.

Xem qua các đề án NTM của các xã trong một số huyện thấy "na ná" giống nhau. Có khác chăng chỉ là địa danh và câu chữ. Được biết, nhiều xã thuê một công ty tư vấn lập đồ án quy hoạch và thời gian gấp gáp nên đa phần là copy lại, có chỉnh sửa địa danh cho phù hợp. 

Vấn đề cuối cùng là cần tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Bởi suy cho cùng thì mục tiêu bao trùm nhất của XDNTM là phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cho người nông dân. Mới đây khi chúng tôi đến các xã vùng bãi ngang Lệ Thủy nhận thấy, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế rất khó khăn.

Sau 5 năm thực hiện chương trình nhưng phương thức sản xuất của đại đa số người dân vẫn như trước đây. Nghĩa là hàng ngày ngư dân vẫn bám vào các chiếc bơ nan nhỏ bé, với một số công cụ đánh bắt hết sức lạc hậu, thô sơ, hiệu quả kinh tế thấp. Bởi vậy mà tỷ lệ hộ nghèo ở đây khá cao so với mức bình quân chung của tỉnh. Trong danh sách xin gạo cứu trợ của Chính phủ kỳ giáp hạt này Lệ Thủy có số hộ nhiều nhất tỉnh với 7.183 hộ (25.551 khẩu). Nói như vậy để thấy rằng việc cần tập trung nhất trong chỉ đạo XDNTM là phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Thời gian qua các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn chậm đổi mới và hiệu quả hoạt động chưa cao. Kinh tế hộ vẫn chủ yếu mang nặng tính tự cung, tự cấp, khó tiếp cận với các chính sách hiện hành. Điều này thể hiện rõ nét là công tác chuyển đổi HTX còn chậm; đa số HTX sau khi chuyển đổi, thành lập mới còn lúng túng về tổ chức, nội dung hoạt động, còn mang tính hình thức; chất lượng trang trại thấp, liên doanh, liên kết gặp khó khăn; quản lý nhà nước về nông nghiệp nông thôn còn chồng chéo; chủ yếu phát triển tự phát, chưa phát triển được ngành nghề mới; sản phẩm nổi bật còn ít, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu; các sản phẩm phục vụ du lịch còn ít; hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu.

Đây là những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để góp phần thực hiện tốt lộ trình XDNTM, cũng như bảo đảm tính bền vững của các tiêu chí.

Tr.T