.

Thực hiện đồng bộ và quyết liệt các biện pháp tiết kiệm nước

Thứ Tư, 16/03/2016, 07:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng chí Phan Văn Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời phỏng vấn Báo Quảng Bình.

- P.V: Thưa đồng chí, qua theo dõi tình hình thời tiết cho thấy hiện tượng El-nino gây ra nắng nóng gay gắt, dự báo còn kéo dài đến hết tháng 8 năm 2016 và hiện tại hạn hán đang diễn ra khá khốc liệt ở nhiều địa phương trong nước, đối với tỉnh ta có nghiêm trọng không?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Hiện tượng El-nino đã tác động đến tình hình thời tiết ở Quảng Bình khá sâu sắc. Lượng mưa trung bình ở khu vực Quảng Bình năm qua chưa đến 2.000mm (chỉ bằng khoảng 80% so với trung bình nhiều năm). Các địa phương từ thành phố Đồng Hới trở ra phía bắc tỉnh một số nơi chỉ đạt trên 75%; lượng mưa 2 tháng đầu năm 2016 cũng chỉ đạt từ 60-90% so với cùng kỳ.

Dự báo tổng lượng mưa các tháng còn lại của vụ đông - xuân 2015-2016 tại tỉnh ta chỉ đạt từ 75-85% cùng kỳ. Thời tiết hanh khô, lượng nước bốc hơi nhanh, do đó vụ đông - xuân và đặc biệt vụ hè - thu 2016 sẽ có nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Tình trạng khan hiếm nước cho sản xuất, sinh hoạt sẽ xảy ra gay gắt, khốc liệt hơn các năm trước. Tuy nhiên chưa đến mức nghiêm trọng và không có vùng nào dân thiếu nước sinh hoạt.

Qua kiểm tra mới đây của Sở cho thấy, đối với các công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý có tổng lượng nước 303,92 triệu m3, đạt 81,4% dung tích so với cùng kỳ. Một số hồ đạt rất thấp như: hồ Vực Nồi 55.8%, hồ Trung Thuần 45,9%, hồ Tiên Lang 52,1%, hồ Đồng Ran 64% cùng kỳ. Còn lại các công trình thủy lợi khác khác vẫn bảo đảm tưới theo kế hoạch.

Đối với các hồ do địa phương quản lý (hồ nhỏ dưới 1 triệu m3), lượng nước phân bổ không đều. Các địa phương từ thành phố Đồng Hới trở vào phía nam tỉnh cơ bản đủ nước tưới cả vụ đông - xuân và hè - thu. Riêng hồ Long Đại đạt 13%, hồ Long Đèn đạt 51% so với cùng kỳ, nhưng không ảnh hưởng lớn đến sản xuất, vì có các công trình thủy lợi khác chi viện nước.

Đối với các địa phương từ huyện Bố Trạch trở ra phía bắc tỉnh phần nhiều thiếu nước, bình quân các hồ chỉ đạt 50-80% dung tích so với cùng kỳ. Tuy nhiên lượng nước đó vẫn đủ nước tưới cho vụ đông - xuân. Riêng vụ hè - thu có nguy cơ thiếu nước xảy ra nhiều nơi.

Trong đó, tại thị xã Ba Đồn có hồ Hóc Chọ (Quảng Minh) không có nước phục vụ do nước rò rỉ thấm qua đập; hồ Mũi Rồng, hồ Khe Nậy (Quảng Tiên) chỉ đạt 60-70% dung tích so với cùng kỳ; hồ Bàu Luồng (Quảng Long) 70-80%, hồ Khe Hà, Khe Zét (Quảng Sơn) 50-60%.

Hồ chứa Trung Thuần (huyện Quảng Trạch) nguy cơ thiếu nước vụ hè-thu tới.
Hồ chứa Trung Thuần (huyện Quảng Trạch) nguy cơ thiếu nước vụ hè-thu tới.

Các hồ ở huyện Tuyên Hóa hầu hết chỉ đạt từ 50-70% dung tích so với cùng kỳ. Do các công trình của huyện Tuyên Hóa chủ yếu là đập dâng, hồ chứa nhỏ nên khả năng hạn vẫn xảy ra đối với cuối vụ đông-xuân và vụ hè - thu nguy cơ thiếu nước rất cao.

- P.V: Sở đã có chỉ đạo cụ thể gì để thực hiện các giải pháp chống hạn?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Do nhận định sớm tình hình hạn hán năm 2016, vì vậy ngay từ đầu mùa lũ năm 2015, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn chỉ đạo việc tích nước các tháng mùa lũ và tăng cường tích trữ nước, phòng chống hạn, bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm 2016, trong đó yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn.

Biện pháp  chủ yếu là, rà soát từng hồ đập, từng xứ đồng trên cơ sở đó xây dựng phương án chủ động phòng chống hạn. Theo dõi diễn biến thời tiết, lượng mưa chủ động tích trữ nước sớm ở các hồ chứa, be bờ giữ nước mặt ruộng, ở ao hồ, luồng lạch tự nhiên. Xây dựng lịch tưới cụ thể cho từng hồ đập, đặt các trạm bơm dã chiến theo hướng tận dụng nguồn nước hồi quy, để dành nước hồ chứa cho cuối vụ sản xuất đông - xuân và vụ hè - thu.

Đặc biệt Sở đã tăng cường chỉ đạo nông dân áp dụng quy trình tưới tiết kiệm nông-lộ-phơi, SRI. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thay giống lúa dài ngày sang giống trung, ngắn ngày trong vụ đông - xuân để tiết kiệm nước; chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, những diện tích lúa có khả năng thiếu nước sang cây trồng cạn, kiên quyết không để đất trống. Kế hoạch cả năm sẽ chuyển khoảng 2.620ha lúa kém hiệu quả, vùng thiếu nước sang cây trồng khác, trong đó chuyển sang cây trồng cạn 820ha, lúa cá 1.800ha.

- P.V: Đối với vụ hè - thu sắp tới, Sở sẽ có chỉ đạo gì đối với sản xuất trong điều kiện khô hạn?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Dự báo đợt El-Nino còn kéo dài đến tháng 8 năm 2016 do vậy nguy cơ xảy ra hạn hán trong vụ hè - thu là rất cao. Để làm tốt công tác chống hạn cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, trong đó chú trọng các vấn đề sau:

Đối với những vùng tưới từ các hồ chứa nhỏ, các khu vực thiếu nước, các địa phương chủ động bố trí cây trồng, mùa vụ cho phù hợp với tình hình nguồn nước tại địa phương. Đối với những vùng mà nguồn nước không bảo đảm cấp cả vụ, cần thực hiện biện pháp tưới ẩm để tiết kiệm nước và chỉ cấp nước cho cây lúa theo yêu cầu ở các giai đoạn quyết định năng suất, các giai đoạn khác hạn chế cấp nước.

Các địa phương tuyệt đối không để dân tự phát gieo trồng quá khả năng cung cấp nước tưới. Tiếp tục củng cố các tổ, đội thủy nông để quản lý tưới nội đồng, điều tiết tưới theo phiên lịch, giảm tranh chấp nước.

Mặt khác, chuẩn bị nhân vật lực, khẩn trương nạo vét, tu sửa kênh mương để tưới kịp thời, hạn chế thất thoát, tiết kiệm nước. Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa ở các vùng hạn hán, thiếu nước sang cây trồng cạn ngay sau khi thu hoạch lúa đông - xuân 2015-2016; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi và các ngành công nghiệp, dịch vụ; lập kế hoạch vận hành cụ thể từng hệ thống công trình thủy lợi, hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp tích nước, tiết kiệm nước, áp dụng quy trình tưới tiết kiệm nông-lộ-phơi, SRI, triệt để chống thất thoát và sử dụng lãng phí nước.

- P.V: Nhận định biến đổi khí hậu sẽ còn tác động lâu dài đến tình hình thời tiết, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân, xin đồng chí cho biết giải pháp lâu dài để ứng phó?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Điều quan trọng nhất vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân về biến đổi khí hậu, nước biển dâng để từ đó làm thay đổi tập quán dùng nước tiết kiệm nước trong sản xuất, sinh hoạt. Kèm theo đó là đầu tư, nâng cấp các hồ chứa để nâng cao dung tích trữ nước các hồ chứa. Khuyến cáo người dân áp dụng các công nghệ tưới tiến tiến, khoa học, tiết kiệm.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị cao theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT; đẩy mạnh nghiên cứu, khảo nghiệm giống cây trồng mới thích ứng cho các vùng chịu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đẩy mạnh áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến,...

- P.V: Xin cảm ơn đồng chí Giám đốc Sở!

Tr.T (thực hiện)