.

"Đôi tay vàng" ở làng nghề Vân Sơn

Chủ Nhật, 13/03/2016, 15:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Chị được mệnh danh là “đôi tay vàng” của làng nghề mây tre đan, bởi những sản phẩm làm ra không chỉ mang đến sự tinh xảo mà còn đầy chất thẩm mỹ. Chị còn tận tâm dạy lại nghề của mình cho những người khác với mong muốn họ cũng làm ra được những sản phẩm đẹp và tốt hơn. Chị là Hoàng Thị Mai, ở Hợp tác xã (HTX) mây tre đan Vân Sơn, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa.

 

Chị Hoàng Thị Mai luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi để tạo ra nhiều sản phẩm mới.
Chị Hoàng Thị Mai luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi để tạo ra nhiều sản phẩm mới.

Người thợ trẻ giỏi nghề   

Không khó để tìm ra HTX mây tre đan Vân Sơn, bởi HTX này đã nổi tiếng khắp vùng. Là "đôi tay vàng" của HTX này, chị Mai quá trẻ so với hình dung của chúng tôi về một người phụ nữ có nhiều thành tích trong nghề mây tre đan. Tôi biết đến chị cũng từ thông tin chị là một trong những người thợ đan lát có tuổi đời trẻ nhất vừa được UBND tỉnh công nhận là thợ giỏi trong năm 2015.

Lúc chúng tôi đến, chị Mai vẫn cặm cụi với đống mây tre ở trong xưởng. Chị nở nụ cười chào khách rồi lại tiếp tục thoăn thoắt đan từng sợi mây óng ánh để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt.

Chị Mai chỉ mới 28 tuổi nhưng đã là một người thợ mây tre đan giỏi có tiếng ở vùng sơn cước này. Không sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề mây tre đan nhưng từ nhỏ chị đã được tiếp xúc với nghề.

Chị kể, chị bén duyên với nghề đan lát từ năm 13-14 tuổi khi còn là một cô học trò nhỏ. Thanh Hóa quê chị không có nghề mây tre đan như ở đây, nhưng lại có nghề đan cót truyền thống. Thời điểm đó, chị thấy người ở quê đan nên thích và học theo, chứ không nghĩ tương lai của mình sẽ gắn bó với nghề này. “Về cơ bản, nghề đan cót với đan mây tre cũng có nét tương đồng. Nên khi theo chồng về Tuyên Hóa, tôi bắt nhịp ngay với nghề truyền thống mây tre ở đây”, chị Mai nhớ lại.

Những ngày đầu về lập nghiệp ở xã Kim Hóa, chị Mai chọn nghề trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ tại nhà để sống qua ngày. Được một thời gian, chị nhận thấy nghề này không có tương lai nên quyết định xin vào làm việc tại HTX mây tre đan Vân Sơn, bởi trong chị đã có sẵn “máu nghề”. Thời gian đầu vào HTX chị đã không ngần ngại đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề mây tre đan do tỉnh, huyện tổ chức để học và nâng cao tay nghề.

Không dừng lại ở đó, chị còn nhiều lần bắt xe ra Hà Tây (Hà Nội) nơi nổi tiếng về nghề mây tre đan để học hỏi kinh nghiệm và trau dồi kỹ năng. Chị Mai chia sẻ, nghề mây tre đan không khó, thế nhưng để làm ra một sản phẩm mây tre đan phải trải qua rất nhiều công đoạn và quan trọng nhất là phải bảo đảm tính mỹ thuật và độ tinh xảo cần có cho mỗi sản phẩm.

Vốn sinh ra ở làng nghề có truyền thống đan lát từ nhỏ, chị Mai đã được thừa hưởng sự khéo léo, niềm đam mê với nghề cộng với tính sáng tạo trong công việc nên tay nghề của chị Mai ngày càng thành thạo hơn.

Trong những năm làm việc tại HTX mây tre đan Vân Sơn. chị đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng và đánh giá cao. Năm 2014, chị Mai đã sáng tạo ra bộ sản phẩm mây tre đan bao gồm ấm giữ nhiệt, bát sen có cánh, bát mộc, cơi trầu và gương treo tường. Bộ sản phẩm này đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014.

Chỉ một thời gian ngắn, sản phẩm do chị sáng tạo ra đã được bày bán rất nhiều trên thị trường. Không chỉ gọn nhẹ, tiện dụng mà còn đẹp mắt nên bộ sản phẩm này được khách hàng rất ưa chuộng. Từ niềm đam mê với nghề cộng với những thành quả đã đạt được, chị Hoàng Thị Mai đã được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu người thợ giỏi khi chỉ mới 27 tuổi.

Truyền nghề

Để làm được một sản phẩm mây tre đan đẹp cần rất nhiều thời gian và một mình chị không thể làm kịp khi số lượng đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Chính vì vậy, chị đã quyết định dành thời gian để dạy cho các thành viên khác trong HTX cách làm sản phẩm do mình sáng tạo ra. “Mọi người đều có sẵn tay nghề nên tôi chỉ cần chỉ bày một hai hôm là ai nấy đều có thể làm được theo mẫu mã mới. Nhờ đó, người lao động có thêm việc làm, tăng thu nhập còn HTX không còn lo thiếu sản phẩm để xuất ra thị trường”, chị Mai tâm sự.

Không chỉ truyền nghề cho người trong HTX mà chị Mai còn tham gia các lớp dạy nghề cho người lao động có nhu cầu học nghề. Mấy năm nay, chị Mai cùng với nhiều anh chị em khác trong HTX mây tre đan Vân Sơn tham gia giảng dạy tại các lớp đào tạo nghề mây tre đan trong và ngoài huyện. Có những thời điểm chị Mai dạy cùng lúc đến cả trăm học viên nhưng chị luôn vui vẻ và coi đó là việc nên làm để “giữ lửa” nghề. Sau các lớp đào tạo nghề, những ai có kỹ năng đều được HTX mây tre đan Vân Sơn tuyển dụng vào làm việc.

Điều đáng quý nhất ở chị Mai là chị đã không ngần ngại truyền dạy cho mọi người cách làm bộ sản phẩm do chính chị sáng tạo ra. “Mình truyền nghề cho họ để kỹ năng của mọi người đều tốt lên. Khi đó sản phẩm làm ra sẽ nhiều hơn và sản phẩm mây tre đan Vân Sơn sẽ được nhiều người biết đến”, chị Mai nói.

Không chỉ dừng lại với danh hiệu là người thợ giỏi, sắp tới chị Mai dự tính sẽ tiếp tục phấn đấu để trở thành một nghệ nhân nghề truyền thống. “Bằng tài năng và đôi bàn tay khéo léo của mình chị Hoàng Thị Mai đã trở thành niềm tự hào của HTX mây tre đan Vân Sơn.

Chính nhờ những người thợ giỏi như chị Mai đã góp phần "giữ lửa" cho nghề mây tre đan truyền thống ngày càng phát triển hơn, đồng thời góp phần đưa các sản phẩm mây tre đan của tỉnh nhà có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”, ông Lê Viết Sơn, Giám đốc HTX mây tre đan Vân Sơn khẳng định.

L.Chi