.

Phụ nữ Quảng Trạch: Thi đua phát triển kinh tế

Thứ Năm, 10/03/2016, 13:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, những năm qua, hội viên phụ nữ huyện Quảng Trạch đã chủ động, năng động trong phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần đưa kinh tế huyện ngày càng phát triển.

Xác định phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nên thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ ở huyện Quảng Trạch đã triển khai sâu rộng phong trào thi đua phát triển kinh tế đến toàn thể các hội viên, góp phần làm thay đổi nhận thức và đời sống của hội viên phụ nữ trong toàn huyện.

Qua thực hiện phong trào, tại các địa phương đã có nhiều mô hình kinh tế của hội viên phụ nữ với cách làm hay, sáng tạo, mang lại thu nhập cao, ổn định cuộc sống.

Đến thăm trang trại của chị Bùi Thị Phương ở thôn 2, xã Quảng Kim chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô rộng lớn của trang trại. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo của xã Quảng Kim, sau ngày xuất ngũ trở về địa phương, ngoài công việc đồng áng, gia đình chị Phương đã mở rộng thêm nghề buôn bán, nhưng cái đói nghèo vẫn cứ mãi đeo bám quanh năm.

Năm 2008, khi chính quyền địa phương khuyến khích người dân đấu thầu diện tích mặt nước ao hồ hoang hóa để phát triển kinh tế, gia đình chị Bùi Thị Phương đã mạnh dạn thuê 2 ha đất để gây dựng trang trại. Từ 40 triệu đồng được vay ở ngân hàng cùng với một ít vốn đã tích góp được, vợ chồng chị Phương bắt tay vào san lấp mặt bằng, cải tạo đất đai xây dựng phát triển kinh tế. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu chị Phương đã đầu tư vào nuôi lợn, gà.

Qua thời gian thấy được hiệu quả, chị đã mở rộng quy mô chăn nuôi. Lúc đầu chỉ vài chục con gà, con ngan nhưng đến nay trang trại của chị Phương đã có 300 con gà, 90 con ngan, 30 con lợn, 700 con vịt đẻ trứng và đào ao nuôi đủ các loại cá. Không chỉ thành công với mô hình chăn nuôi, từ 1 ha đất trồng lúa, hàng năm gia đình chị đã thu hoạch hơn 10 tấn thóc.

Chính sự cần cù, chịu thương chịu khó ấy đã không phụ công vợ chồng chị Bùi Thị Phương. Thành quả lao động trên trang trại đó đã đưa lại cuộc sống khá giả cho gia đình chị Phương, con cái được học hành thành đạt. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình chị Phương thu được trên 200 triệu đồng.

Quảng Trạch là huyện thuần nông nên đa số các hội viên phụ nữ đều sống bằng sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Do vậy, nhằm tạo nguồn vốn cho chị em có điều kiện đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, các cơ sở hội đã tích cực khai thác vốn từ nhiều nguồn để hỗ trợ hội viên. Đồng thời Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp với các ban, ngành mở các lớp tập huấn về làm nón, trồng trọt, nghề thủ công truyền thống, thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Nhờ đó, các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của chị em luôn phát huy hiệu quả và duy trì. Đến nay đã tăng thêm 48 mô hình và 1 hợp tác xã, nâng tổng số mô hình sản xuất kinh doanh giỏi toàn huyện lên 326 mô hình. Trong đó có 12 mô hình kinh tế thu hút từ 10 lao động trở lên, 4 hợp tác xã đã giải quyết nhiều lao động nữ ở địa phương như Hợp tác xã mây xiên Quảng Tiến, Hợp tác xã bánh mè xát Tân An, Hợp tác xã mây xiên Quảng Phương, hợp tác xã nước mắm Hòa Vang.

Có thể nói, phong trào thi đua phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ huyện Quảng Trạch đã có những khởi sắc đáng kể. Phong trào không chỉ giúp chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, khẳng định vị thế của người phụ nữ trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Hoài Thi
(Đài TT-TH Quảng Trạch)