.

Xã Quảng Thanh: Ngành nghề nông thôn, động lực để phát triển

Thứ Năm, 10/03/2016, 11:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Sinh sống ở một địa bàn nông thôn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đối ít, nên từ lâu đời, người nông dân ở xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch đã biết tìm tòi, sáng tạo, cũng như du nhập ở nơi khác về một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhờ đó hiện nay, đời sống của đa số người dân ở đây đã được nâng cao rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi địa phương này đạt cả 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2015.

Xã Quảng Thanh hiện nay có hơn 4.200 nhân khẩu, sinh sống tại 3 thôn vừa sản xuất nông nghiệp, vừa làm một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: mộc, nề, làm bún, bánh và các loại dịch vụ buôn bán, dịch vụ máy xay xát,... Trong đó riêng thôn Tân An từ lâu đã nổi tiếng cả tỉnh bởi nghề làm bún bánh.

Ông Nguyễn Tiến Thược, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Thanh cho biết: Cách đây 5 năm, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Trạch nhiệm kỳ 2010 - 2015, đã xác định là ưu tiên phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống trên địa bàn và chỉ rõ: “Tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các làng nghề, trong đó có làng nghề bún bánh Tân An, Quảng Thanh”.

Trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện và Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2010-2015 của huyện nhà, Đảng ủy, UBND xã Quảng Thanh đã tiếp tục xác định việc xây dựng và phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương là mục tiêu quan trọng nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần giảm thiểu hộ nghèo và quan trọng hơn chính là tạo ra động lực thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội địa phương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn xã có 628 cơ sở hoạt động trên các lĩnh vực ngành nghề nông thôn với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, như doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, nhóm liên kết và hộ gia đình, tạo việc làm thường xuyên cho gần 2.000 lao động tại địa phương. Từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ gia đình làm ngành nghề nông thôn ở Quảng Thanh đã đầu tư gần 7 tỷ đồng để mua sắm nhiều loại máy móc, thiết bị theo công nghệ tiên tiến phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất ngày càng cao của mình.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động; việc cải tiến các quy trình sản xuất theo hướng tiên tiến, nhằm tiết kiệm nhân công, nguyên, nhiên vật liệu; việc tìm kiếm, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ cũng luôn được các doanh nghiệp, các cơ sở và các hộ sản xuất quan tâm thực hiện thường xuyên. Do đó, hoạt động của các mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở đây ngày càng đạt hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài huyện.

Có thể khẳng định rằng, các ngành nghề nông thôn ở Quảng Thanh đã đóng góp rất quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cũng như tạo ra nguồn thu nhập quan trọng ở địa phương này nói riêng và trên địa bàn huyện Quảng Trạch nói chung.

Riêng đối với địa bàn xã Quảng Thanh, hàng năm các ngành nghề nông thôn đã đóng góp đến gần 70% tổng giá trị sản xuất của toàn xã, bình quân mang lại nguồn thu nhập gần 30 tỷ mỗi năm, trong đó riêng giai đoạn từ 2010 - 2014 đạt trên 112 tỷ đồng. Chính các ngành nghề nông thôn đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã xuống khá thấp, còn 4,52% và làm tăng thu nhập bình quân tính theo đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm (tăng 7 triệu đồng so với năm 2014).

Nói đến hiệu quả thực sự của các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở Quảng Thanh, không thể không nhắc đến sản phẩm “Bánh mè xát Tân An”, một thương hiệu làng nghề cấp quốc gia đầu tiên của huyện Quảng Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bản quyền.

Bà Phan Thị Cẩm Tú, Chủ nhiệm HTX mè xát Tân An cho biết, hiện nay toàn thôn có 320 hộ, trong đó có 2/3 hộ dân làm bún bánh bằng thủ công truyền thống và 32 hộ làm bún bánh bằng máy. Được thành lập từ tháng 10-2010, đến nay HTX có 30 lao động, với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi ngày tiêu thụ khoảng 5 tạ gạo, HTX đã làm ra khoảng 3 nghìn bánh mè xát và 20 nghìn bánh ram. Bình quân mỗi năm trừ các khoản chi phí, HTX còn lãi ròng hơn 100 triệu đồng.

Không chỉ nổi tiếng với nghề làm bánh mè xát, làm bún, bánh ướt cũng chính là nghề thủ công truyền thống lâu đời của người dân Tân An, tạo công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương. Ngoài sản phẩm bún, bánh tiêu thụ hàng ngày, từ nghề này, nhiều hộ gia đình đã tận dụng nguồn phụ phẩm trong sản xuất để phát triển chăn nuôi lợn, tăng nguồn thu nhập cho gia đình.

Nhiều người thường quan niệm “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Nhưng trở lại Tân An vào những ngày sau Tết Nguyên đán, rảo bước trên nhiều con đường được bê tông hoá phẳng lì chạy dọc ngang theo ô bàn cờ ở làng nghề này và nhiều xóm thôn khác ở Quảng Thanh, tôi vẫn cảm nhận được không khí lao động khẩn trương, phấn khởi của các doanh nghiệp, các cơ sở, các hộ gia đình làm nghề bún bánh ở đây. Đó cũng chính là một tín hiệu vui đầu xuân hứa hẹn rằng, bộ mặt nông thôn ở Quảng Thanh sẽ tiếp tục khởi sắc...

Trương Văn Hà
(Ban Dân vận Tỉnh ủy)