.

Đầu ra cho các sản phẩm nông sản - Kỳ 2: "Lỗ hổng" giữa cung và cầu

Thứ Năm, 10/03/2016, 07:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong khi các nhà cung cấp tại thị trường tỉnh nhà không kiếm được nguồn hàng đúng tiêu chuẩn và chất lượng, thì tại các cơ sở sản xuất cũng lâm vào tình trạng bế tắc trong việc đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Làm gì để hai đầu mối nối cung-cầu có sự liên kết chặt chẽ và nhịp nhàng với nhau là "bài toán" cần có lời giải cả trước mắt và lâu dài.

>> Kỳ 1: Từ "cơn khát" thực phẩm sạch

Từ vai trò tiêu thụ cũng là nơi cung cấp hàng hóa có tầm cỡ, ông Lý Minh Đăng, Giám đốc Co.opmart Quảng Bình (gọi tắt là Co.opmart) cho rằng, điểm yếu của hầu hết sản phẩm nông sản Quảng Bình là mặc dù đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn, nhưng về các thủ tục, giấy chứng nhận cho sản phẩm vẫn chưa đầy đủ.

Tiếp nữa là quy mô, năng lực sản xuất còn hạn chế và nhỏ lẻ. Đó chính là những lực cản khiến các mặt hàng này khó đưa ra thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các đơn vị cung cấp và bao tiêu sản phẩm. Việc nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh ta bị Co.opmart loại ngay từ "vòng đầu" là một bài học để các cơ sở sản xuất nhìn nhận lại chính mình.

Tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất sạch và an toàn đã là một việc khó, để đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ còn khó gấp bội phần. Có một thực tế đáng quan tâm đó là dường như ngay tại các cơ sở sản xuất nông sản được hỗ trợ triển khai sản xuất theo các chương trình, dự án, khâu đầu ra của sản phẩm cũng chưa được quan tâm, kể cả người sản xuất lẫn các đơn vị quản lý. Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau Đức Hoa, xã Đức Ninh (TP.Đồng Hới) được thành lập năm 2012, với 54 hộ dân tham gia canh tác trên tổng diện tích 2,7ha, gồm nhiều loại rau như: cải, xà lách, tầng ô, nén, ngò...

Mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn rau các loại. Nhờ thực hiện đúng các quy trình trồng trọt và chăm sóc, năm 2013 các sản phẩm rau của THT này đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên sau gần 3 năm triển khai thực hiện, thực tế chỉ có 2/3 diện tích được canh tác thường xuyên và cho hiệu quả kinh tế.

Nhiều cơ sở sản xuất rau sạch bế tắc trong việc tìm kiếm đầu ra.
Nhiều cơ sở sản xuất rau sạch bế tắc trong việc tìm kiếm đầu ra.

Theo ông Phan Văn Tuấn, Tổ trưởng THT sản xuất rau Đức Hoa thì, nguyên nhân cơ bản là do đầu ra sản phẩm không ổn định. Một khi có thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả phải chăng thì tất yếu người dân sẽ làm. Nói là THT, nhưng người dân mạnh ai nấy làm, hàng ai nấy bán. Tất tần tật đều đem ra chợ bán xen lẫn với biết bao chủng loại rau không có nguồn gốc khác. Đó là chưa kể, có những lúc ế ẩm quá phải đem đi đổ.

Năm 2014, TP.Đồng Hới đã dành một ki-ốt để THT này bán rau thế nhưng cũng không thể phát huy hiệu quả. Bởi, thói quen mua hàng "chợ trời" của người tiêu dùng, nên đưa vào ki-ốt thì không thể tiêu thụ được.

Tuy nhiên, chuyện không chỉ đơn giản như vậy, trong khi nội tại khâu sản xuất cũng đã xuất hiện nhiều bất cập cần phải giải quyết. Cũng vì đầu ra không ổn định, mà việc lên kế hoạch sản xuất của THT này khó thực hiện được. Hầu hết, các hộ gia đình ở đây trồng rau theo kiểu tự phát. Ai thích cây gì trồng cây nấy.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho THT sản xuất rau sạch này chưa thực sự bảo đảm. Ví như hệ thống tưới tiêu phục vụ cho việc trồng rau sạch hiện nay, vẫn phải dùng chung với hệ thống tưới tiêu của ruộng lúa. Bà con ở đây đã có ý tưởng đào giếng để tưới nước, nhưng nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn mặn. Do điều kiện thời tiết, và thời gian trồng lạc để cải tạo đất, nên mỗi năm THT này chỉ sản xuất rau sạch được gần 7 tháng. Ông Tuấn đề xuất, "nên chăng có một cán bộ kỹ thuật xuống giúp đỡ và hỗ trợ bà con chúng tôi".

Được thành lập cùng thời điểm, thế nhưng không "ảm đạm" như THT sản xuất rau Đức Hoa, THT sản xuất rau thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) lại có nhiều khởi sắc hơn. Lúc mới thành lập THT chỉ có 2ha và đến nay diện tích trồng rau sạch đã mở rộng lên 6ha, với 32 hộ dân tham gia. Điều đặc biệt là ngoài những loại rau phổ biến, ở THT này còn có thêm nhiều loại nông sản "độc quyền" như khổ qua (mướp đắng), cà chua, cà trắng, đậu cô-ve...

Cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi có thể gieo trồng quanh năm, hệ thống cơ sở hạ tầng như đường điện, nước sạch, đường giao thông nội đồng ở đây cũng được TP.Đồng Hới quan tâm đầu tư. Thế nhưng, trăm cái khó vẫn nằm ở khâu đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng thôn Cừa Phú cho biết: "Người dân ở đây vốn có truyền thống lâu đời về trồng rau màu. Từ khi triển khai trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân hi vọng sẽ tạo dựng được thương hiệu cho rau, quả của mình. Thế nhưng, vẫn là cái điệp khúc được mùa rớt giá".

Muốn sản phẩm nông sản tỉnh ta hướng ra "biển lớn", các cơ sở sản xuất và cơ quan chức năng cần và nên xây dựng những bước đi cụ thể, đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng.

Đặc biệt là việc hoàn thiện các thủ tục "hậu sản xuất", như nhãn hiệu, đóng gói sản phẩm...

Đề cập đến việc đăng ký nhãn hiệu, hầu hết các cơ sở sản xuất tỏ ra không mấy mặn mà. Lý do mà các cơ sở này đưa ra, theo ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng thôn Cừa Phú thì, người trồng chủ yếu bán ra các chợ nên cũng không mấy quan tâm đến nhãn hiệu. Còn ông Phan Văn Tuấn, Tổ trưởng THT sản xuất rau Đức Hoa cho rằng, "Nếu không có định hướng tiêu thụ thì làm cũng bằng không. Vấn đề này chỉ một mình THT xoay xở cũng không thể được.

Trước đó THT có làm nhưng khi đưa ra chợ, thì có vẻ như người tiêu dùng không mấy quan tâm nên thôi không làm nữa". Một trang trại (xin được giấu tên) có quy mô khá lớn trên địa bàn TP.Đồng Hới cho biết, trung bình mỗi ngày trang trại của anh cung cấp cho thị trường gần 3 vạn quả trứng vịt. Vừa qua, Co.op mart có đặt vấn đề cung cấp trứng, tuy nhiên anh không nhận. Bởi, do điều kiện và tiêu chuẩn của Co.opmart đặt ra quá cao.

Chỉ tính riêng việc làm thủ tục giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và các thủ tục khác đã mất nhiều chi phí, dẫn đến giá thành sản phẩm sẽ đội lên cao, sản phẩm sẽ khó cạnh tranh với trứng cùng loại được nhập từ các tỉnh khác đến. Để tăng mức giá thành sản phẩm, không còn cách nào khác, anh buộc phải tiến hành thêm công đoạn ấp trứng nữa, để bán trứng lộn.

Ông Mai Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm và thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT thừa nhận, khâu đầu ra sản phẩm nông sản sạch của tỉnh ta vẫn còn yếu. Đó là ngay chính tại các cơ sở sản xuất thiếu chủ động trong việc tìm kiếm thị trường. Thêm vào đó là vai trò "cầu nối" của các cơ quan chức năng cũng chưa thực sự phát huy. Trong lúc đó, trên địa bàn tỉnh chưa có được một doanh nghiệp thực sự có năng lực để bao tiêu sản phẩm.

Muốn sản phẩm nông sản tỉnh ta hướng ra "biển lớn", các cơ sở sản xuất và cơ quan chức năng cần và nên xây dựng những bước đi cụ thể, đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng. Đặc biệt là việc hoàn thiện các thủ tục "hậu sản xuất", như nhãn hiệu, đóng gói sản phẩm... Bởi, đây mới chính là yếu tố quyết định đến sản phẩm có được đầu ra ổn định với giá cả phù hợp với giá trị của sản phẩm hay không. Từ đó mới tạo dựng được chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường.

Quan trọng hơn, điều này sẽ tác động không nhỏ đến sự tồn tại của chính các cơ sở sản xuất nông sản sạch ở tỉnh ta. Trong tương lai, nếu vẫn duy trì theo cách "mạnh ai nấy làm, hàng ai nấy bán", thì sản phẩm nông sản sạch còn xa mới qua được "cửa" thẩm định của các đơn vị bao tiêu sản phẩm. Xem ra, câu chuyện gắn kết lợi ích và trách nhiệm giữa 4 nhà: "nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp và nhà nông" vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả và còn bị bỏ ngỏ?

Dương Công Hợp