.

Cần gỡ "nút thắt" cho cảng Hòn La

Chủ Nhật, 13/03/2016, 14:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Cảng Hòn La được xem là một ưu đãi của thiên nhiên cho vùng đất Quảng Bình. Nhờ có cảng này mà những năm qua đã tạo động lực thu hút nhiều dự án đầu tư vào Khu Công nghiệp Hòn La nói riêng và vùng đất Quảng Bình nói chung. Thế nhưng sau gần 10 năm hoạt động, cảng Hòn La chưa phát huy được lợi thế của một cảng biển nước sâu kín gió. Nguyên nhân chính là do đường dẫn tàu vào cảng còn cạn và nhất là năng lực phương tiện thiết bị bốc xếp của đơn vị khai thác cảng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của vận tải biển.

Vào một ngày đầu tháng 3-2016, chúng tôi có dịp trở lại cảng Hòn La, tận mắt chứng kiến không khí hối hả nhộn nhịp của hoạt động bốc xếp hàng hóa lên tàu. Ông Hoàng Tuấn, Giám đốc cảng Hòn La giới thiệu sơ bộ rằng, cảng có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 1,2 triệu tấn/năm. Những năm gần đây, khi tuyến đường 12A thông thương với nước bạn Lào và vùng Đông bắc Thái Lan, lưu lượng hàng hoá qua cảng Hòn La ngày càng tăng cao.

Công trình đường và kè nối Hòn Cỏ-Hòn La mới hoàn thành cuối năm 2015.
Công trình đường và kè nối Hòn Cỏ-Hòn La mới hoàn thành cuối năm 2015.

Đặc biệt 3 năm gần đây tốc độ hàng hoá qua cảng tăng bình quân trên 30%/năm. Cụ thể, năm 2013, cảng đón 312 lượt tàu cập cảng, với sản lượng hàng hoá 980 ngàn tấn. Đến năm 2014, cảng Hòn La đón được 510 lượt tàu cập cảng với sản lượng hàng hóa qua cảng 1,4 triệu tấn, tổng doanh thu đạt hơn 140 tỷ đồng, đạt 195% kế hoạch. Năm 2015 cảng đón được 387 lượt tàu, sản lượng hàng qua cảng đạt 1,45 triệu tấn.

Có thể nói hoạt động sản xuất kinh doanh của cảng Hòn La thời gian qua hết sức thuận lợi. Trong lúc nhiều cảng biển khác thiếu hàng thì tại cảng Hòn La nhu cầu vận tải hàng hóa của khách hàng luôn tăng cao so với năng lực của cảng.

Ông Nguyễn Nam Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Việt Nam (chủ quản nhà máy xi măng Văn Hóa) cho biết vấn đề nan giải nhất hiện nay của Nhà máy xi măng Văn Hóa là khâu vận tải. Với công suất gần 1,8 triệu tấn clinke mỗi năm, thì nhu cầu vận chuyển bằng đường biển của đơn vị mỗi năm khoảng 1,6 triệu tấn, trong đó có 1,4 triệu tấn clinke  và 200 ngàn tấn than.

Có nhiều thời điểm số lượng clinke phải nằm chờ tại cảng Hòn La để bốc xếp lên tàu khá lớn, phải chờ đến 20 ngày, hàng hoá tồn kho lớn, nên buộc phải tạm dừng hoạt động của dây chuyền sản xuất clinke. Mỗi ngày dây chuyền đốt lò ngừng sản xuất, nhà máy bị thiệt hại 1,5 tỷ đồng và mỗi lần nhóm lò trở lại tiêu tốn thêm 2 tỷ đồng nữa. Nói như vậy mới biết vai trò của cảng Hòn La quan trọng đến mức nào đối với hoạt động của Nhà máy xi măng Văn Hóa nói riêng và các nhà máy xí nghiệp trên địa bàn nói chung.

Mặt khác, qua phản ánh của các doanh nghiệp trên địa bàn với UBND tỉnh, mức thu phí trên một tấn hàng hoá của cảng Hòn La cao hơn các cảng trong khu vực từ 3-5%, đang là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp mỗi khi có hàng qua cảng.

Trao đổi vấn đề này với ông Hoàng Tuấn, Giám đốc cảng Hòn La được biết: thời gian qua đơn vị đã cố gắng để nâng cao năng lực bốc xếp, nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Hiện tại cảng có 2 cẩu bánh xích sức nâng 50 tấn; cẩu bánh lốp 3 cái, trong đó 1 cái sức nâng 70 tấn, 2 cái 50 tấn.

Trong năm 2015, cảng được Tổng công ty điều chuyển một cẩu bánh xích sức nâng 125 tấn từ một cảng phía nam ra góp phần nâng cao năng lực bốc xếp. Theo ông Giám đốc cảng, hiện tại nhu cầu hàng hoá qua cảng tăng cao, vượt công suất thiết kế 1,5 lần, có nhiều thời điểm cảng không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hoá của doanh nghiệp đó là thực tế. Tuy nhiên lãnh đạo cảng đã tích cực thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đồng thời ký kết hợp đồng với các đối tác để tìm kiếm nguồn hàng thông qua cảng một cách ổn định.

Đáng ghi nhận trong tháng 3-2015, chuyến hàng quặng đồng đầu tiên đã được cảng thực hiện dịch vụ cho khách hàng Phu Bia Mining (Úc). Trong năm 2015 cảng đã cung cấp dịch vụ lưu kho, trung chuyển, bốc xếp 10 chuyến tàu với sản lượng hàng gần 114.000 tấn quặng đồng cho công ty này.

Hiện tại Phu Bia Mining đang xem xét việc chuyển toàn bộ hàng từ Vũng Áng về xuất tại Hòn La khi phương án hợp tác xây kho mới hoàn thành. Một đặc điểm bất lợi của hàng hóa qua cảng Hòn La chủ yếu là hàng rời, trong đó clinker chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hàng hóa và sản lượng hàng gỗ dăm 300.000 tấn mỗi năm....

Ông Phạm Văn Năm, Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Quảng Bình đưa ra nhận định rằng, năm 2016 nhu cầu hàng hoá qua cảng Hòn La sẽ tăng rất cao, dự tính clinke khoảng 1,8 triệu tấn, dăm gỗ 400 ngàn tấn, quặng đồng từ Lào vận chuyển Úc (Công ty Phu Bia Mining đã ký hợp đồng với cảng Hòn La) khoảng 300 ngàn tấn và than nhập khẩu 200 ngàn tấn...

Cái khó nhất hiện nay ở cảng Hòn La là luồng dẫn tàu vào cảng bị cạn (độ sâu luồng -8,2m), nên cảng chỉ đón tàu tải trọng nhỏ (khoảng 1-1,5 vạn tấn). Từ năm 2014, Bộ GTVT đã chấp thuận cho 2 doanh nghiệp thực hiện nạo vét luồng vào cảng. Tận thu cát để xuất khẩu theo hình thức "xã hội hóa". Mục tiêu đề ra phải đạt độ sâu luồng -9m, bảo đảm cho tàu 3 vạn tấn vào. Nhưng không rõ vì lý do gì mà sau 2 năm đến nay các doanh nghiệp này vẫn không thực hiện nạo vét.

Như vậy, trong năm 2016 không còn hy vọng cho tàu tải trọng lớn hơn 1,5 vạn tấn  vào cập cảng. Việc này đồng nghĩa với sự ách tắc khâu vận tải biển qua cảng Hòn La chưa thể xử lý ngay được. Mặt khác, về phía chủ quan của đơn vị khai thác cảng Hòn La nếu không kịp thời đầu tư thêm thiết bị nâng cao năng lực và công suất bốc xếp, thì tình trạng ách tắc hàng hoá tại cảng sẽ trầm trọng hơn năm 2015 là khó tránh khỏi.

Tàu vào cảng nhận hàng.
Tàu vào cảng nhận hàng.

Vấn đề này nếu chậm xử lý thì có thể trở thành "cục máu đông" gây ra ách tắc sự phát triển chung của nền kinh tế và khó khăn cho thu hút đầu tư trên địa bàn.

Để tháo gỡ "nút thắt" cảng Hòn La, thời gian qua, từ nguồn ngân sách Trung ương đã đầu tư 210 tỷ đồng xây dựng đường và kè chắn sóng nối Hòn Cỏ với Hòn La nhằm mở rộng thêm diện tích khu vực cảng.

Sau 3 năm thi công, tháng 12-2015 công trình này đã hoàn thành, mở rộng hơn 1.100 ha khu vực cảng, trong đó đáng chú ý là mở ra tiềm năng lớn trong việc xây dựng thêm được từ 3 đến 4 cầu cảng nước sâu nữa. Hiện tại cảng Hòn La tiếp nhận tàu khoảng 1-1,5 vạn tấn, nhưng có tuyến đê biển và sắp tới cảng Hòn La được mở rộng có thể đón tàu 5- 7 vạn tấn.

Dự kiến đến năm 2020, công suất của cảng đạt đến 10 triệu tấn hàng hóa, trong đó có 4,5 triệu tấn than và 3 triệu tấn xi măng xuất, nhập qua cảng. Theo ông Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Quảng Bình, vừa qua khi tuyến đê biển nối đảo Hòn La với đảo Hòn Cỏ hoàn thành, Ban đã tiếp đón nhiều tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đến ngỏ ý xin đầu tư xây dựng cảng chuyên dụng phục vụ dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và hệ thống cảng thương mại phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển trong nước, quốc tế.

Trọng Thái