.

Đầu ra cho các sản phẩm nông sản - Kỳ 1: Từ "cơn khát" thực phẩm sạch

Thứ Tư, 09/03/2016, 07:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Để các sản phẩm sạch, đủ tiêu chuẩn đến với người tiêu dùng không chỉ là mong muốn của người sản xuất mà còn là mong ước của chính người tiêu dùng. Trong khi người sản xuất mãi luẩn quẩn trong việc tìm kiếm đầu ra tương xứng với sản phẩm, thì cả người tiêu dùng lẫn nhà cung cấp vẫn phải chịu "cơn khát" thực phẩm sạch và an toàn.

Từ trước cho đến nay, đầu mối cung cấp thực phẩm chủ yếu ở tỉnh ta chính là các chợ truyền thống. Việc siêu thị Co.opmart Quảng Bình (sau đây gọi tắt là Co.opmart) khai trương vào những ngày đầu năm 2016 đã gây nên "cơn sốt" trên thị trường bán lẻ của tỉnh ta.

Từ góc nhìn của những bà nội trợ thì "cơn sốt" đó đã "giải nhiệt" cho chính căn bếp của nhà mình, bằng những thực phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng, Co.opmart đã thay đổi thói quen và tư duy mua hàng hóa của các bà nội trợ. Nghĩa là, giờ đây ngoài chợ, người tiêu dùng còn có thêm một địa chỉ thực sự tin cậy và an toàn để mua các thực phẩm cần thiết.

Người tiêu dùng tin cậy vào sản phẩm sạch bán trong siêu thị Co.opmart.
Người tiêu dùng tin cậy vào sản phẩm sạch bán trong siêu thị Co.opmart.

Qua tìm hiểu, hầu hết khách hàng đều đánh giá khá cao chất lượng các thực  phẩm do siêu thị này mang lại, đặc biệt là các mặt hàng rau, củ, quả và hàng tươi sống. Chị Lê Thị Thu ở phường Hải Đình (TP.Đồng Hới) cho biết: "Mua rau củ, quả ăn tự tin hơn, ngon hơn, có khi còn rẻ hơn ở bên ngoài". Còn chị Mai Phương ở phường Nam Lý (TP.Đồng Hới) thì chia sẻ, từ khi siêu thị Co.opmart mở tại đây, chị gần như đã từ bỏ thói quen đi chợ.

Thay vào đó, chị đến siêu thị để mua thực phẩm. Bởi, các thực phẩm ở đây đều có nhãn mác hẳn hoi. "Các thực phẩm dùng trong mấy ngày tết vừa qua, tôi đều mua ở đây. Còn bình thường, tôi đi siêu thị 1 đến 2 lần mua đồ về dùng cho cả tuần luôn".

Vậy, sức hấp dẫn nào dẫn đến người tiêu dùng tin cậy và lựa chọn các thực phẩm ở đây? Có một thực tế hiển nhiên là người tiêu dùng càng "thông minh" thì yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm càng cao. Do đó, đòi hỏi người sản xuất và nhà cung cấp phải không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Qua tìm hiểu tại siêu thị Co.opmart, hầu hết các thực phẩm ở đây đều có nguồn gốc từ các tỉnh phía nam và đều đã đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Lý Minh Đăng, Giám đốc Co.opmart Quảng Bình thì hầu hết các sản phẩm rau, củ, quả tươi và hàng tươi sống đều nhập từ tổng kho ở TP.Hồ Chí Minh. Hẳn nhiên, sức hấp dẫn của siêu thị Co.opmart không chỉ bởi nó là hình thức kinh doanh mới (bởi hiện tại, đây là siêu thị duy nhất tại tỉnh ta có kinh doanh mặt hàng tươi sống - PV), mà còn qua kênh phân phối, mua bán này, người tiêu dùng có cơ hội nắm bắt và nhận diện được hàng hóa nông sản sạch, đạt tiêu chuẩn và chất lượng quy định.

Điều đó, đồng nghĩa với việc để các sản phẩm nông sản có được "tấm vé" lọt được vào "cửa" của siêu thị này, đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Câu hỏi đặt ra ở đây là, làm sao để các sản phẩm nông sản sạch cùng loại  (đạt tiêu chuẩn VietGAP-PV) của tỉnh ta có chỗ đứng ngay chính siêu thị đứng trên địa bàn? 

Ông Đăng khẳng định: "Bên cạnh việc đa dạng hóa các sản phẩm, siêu thị luôn tạo mọi điều kiện và "mở rộng cửa" cho đầu ra của hàng hóa địa phương. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các sản phẩm này phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và các cơ sở sản xuất phải đủ năng lực cung cấp hàng hóa cần thiết. Chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện trên, chúng tôi sẽ khai thác và đưa vào kinh doanh trong siêu thị".

Hiện, chỉ có một số ít mặt hàng nông sản tỉnh ta đủ điều kiện và tiêu chuẩn được siêu thị Co.opmart đưa vào kinh doanh, như cơ sở Long Tám (xã Bảo Ninh) cung cấp cá biển; cơ sở Hải Dương cung cấp thịt lợn; Thanh Hương cung cấp một số rau, quả;...

Công ty CP Thanh Hương, ở xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) là một trong những cơ sở sản xuất may mắn có một số sản phẩm như cải xanh, hành lá, sả, xà lách, khổ qua (mướp đắng)... đủ tiêu chuẩn và được siêu thị Co.opmart lựa chọn đưa vào kinh doanh trong siêu thị. Trung bình mỗi tuần, Co.opmart nhập của Công ty này hơn 5 tạ rau, với giá cao hơn thị trường từ 5 đến 7%. Hiện, Công ty CP Thanh Hương đang tiếp tục hoàn thành các thủ tục như kiểm tra an toàn thực phẩm của một số sản phẩm khác như: rau muống, rau khoai, bí đao, cam không hạt Valenxia-2... để cung cấp cho siêu thị.

Ông Võ Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty cho biết, đây là lần đầu tiên, công ty được tiếp xúc với một nhà cung cấp có tầm cỡ như Co.opmart. Từ khi được Co.opmart lựa chọn làm nhà cung cấp một số rau, quả, công ty đã ứng dụng toàn bộ quy trình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện công ty đang tiến hành mở rộng quy mô sản xuất từ 1.500 m² lên gần 1,5ha để trồng rau. Sắp tới, toàn bộ diện tích này sẽ được đầu tư nhà kính để có thể sản xuất rau quanh năm cung cấp ra thị trường.

Rõ ràng, việc đưa các sản phẩm của địa phương vào siêu thị kinh doanh và tiêu thụ sẽ là một mũi tên nhắm được 2 đích. Về phía nhà cung cấp, sẽ giảm tối đa chi phí vận chuyển, kinh doanh. Phía người nông dân sản xuất sẽ có được một đầu mối tiêu thụ ổn định, giá cả cạnh tranh, qua đó kích thích sự phát triển sản xuất các sản phẩm nông sản sạch. Tuy nhiên, không phải cơ sở sản xuất nào cũng có được may mắn như Công ty CP Thanh Hương.

Ông Đăng cho biết, trước lúc đi vào hoạt động, được sự giới thiệu của Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Công thương, siêu thị đã tiến hành khảo sát thực tế ở một số cơ sở sản xuất nông sản. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở này chưa có đủ các thủ tục, giấy chứng nhận, các tiêu chuẩn theo quy định. Mặt khác, năng lực sản xuất của các cơ sở này còn thấp và nhỏ, lẻ nên đặt hàng rất khó. Ví dụ như trường hợp lúa gạo Lệ Thủy.

Qua khảo sát, mặc dù lúa gạo ở đây rất phong phú và đa dạng về chủng loại, tuy nhiên tất cả đều chưa có giấy tờ chứng nhận và kiểm định chất lượng, chưa có nhãn mác nên chưa đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh trong siêu thị.

Riêng mặt hàng trứng gà, vịt, mặc dù đã tìm được đơn vị đủ năng lực cung cấp, nhưng sản phẩm chưa được đóng gói, nhãn mác, nên chúng tôi buộc phải nhập trứng từ tổng kho ở TP.Hồ Chí Minh chuyển ra. Đó là một trong 2 ví dụ khiến nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh ta chưa lọt được qua "cửa" của siêu thị này.

Đầu ra ổn định sẽ kích thích sản xuất các sản phẩm nông sản sạch.
Đầu ra ổn định sẽ kích thích sản xuất các sản phẩm nông sản sạch.

Hiện, chỉ có một số ít mặt hàng nông sản tỉnh ta đủ điều kiện và tiêu chuẩn được siêu thị Co.opmart đưa vào kinh doanh, như cơ sở Long Tám (xã Bảo Ninh) cung cấp cá biển; cơ sở Hải Dương cung cấp thịt lợn; Thanh Hương cung cấp một số rau, quả;... So với các cơ sở được chứng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đủ điều kiện tiêu chuẩn, thì chỉ từng này đơn vị lọt được qua "cửa" siêu thị là quá ít.

Chưa nói đến các thị trường rộng lớn hơn, ngay trên chính thị trường tỉnh nhà, các sản phẩm nông sản được gọi là sạch, đủ tiêu chuẩn vẫn còn chưa đủ điều kiện theo yêu cầu của nhà cung cấp. Khó lọt vào Co.opmart vì các yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm đặt ra khắt khe và chặt chẽ, nhiều cơ sở sản xuất nông sản tỏ thái độ bất ngờ, thừa nhận rằng, đây là lần đầu tiên họ được liên kết làm ăn với một nhà cung cấp có tầm cỡ và đặt ra những điều kiện này.

Rõ ràng, đằng sau việc sản xuất ra các sản phẩm sạch và an toàn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là các bước chuẩn bị cho khâu đầu ra của sản phẩm. Đây là một bài học cho chính các cơ sở sản xuất và các nhà quản lý trong việc xây dựng chuỗi liên kết đối với sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh ta.

Dương Công Hợp

Kỳ 2: “Lỗ hổng” giữa cung và cầu