.

Tập trung chăm sóc lúa đông-xuân

Thứ Ba, 26/01/2016, 09:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Vụ đông-xuân năm nay, diện tích lúa đã gieo toàn tỉnh đạt khoảng 21.070 ha. Hiện bà con nông dân đang tập trung ra đồng làm cỏ, tỉa dặm, bón phân, phòng trừ các loại sâu bệnh để cây lúa sinh trưởng tốt.

Những ngày này đến các cánh đồng lúa trên khắp các địa phương của tỉnh chúng ta sẽ được chứng kiến không khí nhộn nhịp ra đồng của bà con nông dân. Đây là thời điểm bà con tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Tại huyện Bố Trạch, ngay từ đầu vụ địa phương đã tập trung hướng dẫn bà con nông dân làm vệ sinh đồng ruộng, cày ải, bón lót phân hữu cơ vi sinh, ra quân diệt chuột và gieo sạ đúng lịch thời vụ.

Đồng thời địa phương cũng tích cực vận động người dân tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng bảo đảm phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp và cử cán bộ theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Được biết, vụ đông-xuân năm nay huyện Bố Trạch gieo khoảng 4.250 ha lúa. Thực hiện chủ trương chung về cơ cấu giống của tỉnh, huyện đã tập trung tăng diện tích sử dụng giống chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày như P6, IR353-66, XT28, QX2 (94-11), QR1; giảm dần diện tích sử dụng các giống Xi23, X21; không bố trí các giống bị thoái hóa có nguy cơ nhiễm đạo ôn, rầy nâu như VN10, IR36...

Ảnh 3 : Bà con nông dân tập trung ra đồng chăm sóc lúa.
Bà con nông dân tập trung ra đồng chăm sóc lúa.

Nông dân huyện Quảng Ninh cũng đang tích cực tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Bà Hương ở xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết: “Vụ đông-xuân này gia đình tôi gieo được khoảng 2 sào lúa P6, đến nay lúa đã bắt đầu đẻ nhánh.

Mặc dù đã giáp Tết âm lịch, gia đình có nhiều việc cần phải làm nhưng xác định đây là vụ mùa chính trong năm nên tôi vẫn dành thời gian để chăm sóc lúa. Vụ lúa này, nhờ bón lót phân hữu cơ vi sinh khi làm đất và bón các loại phân hóa học theo đúng hướng dẫn của ngành chức năng nên hiện nay lúa của gia đình tôi phát triển tốt, chưa phát hiện sâu bọ cắn hại lúa”.

Với khoảng 21.070 ha lúa được gieo trồng trên toàn tỉnh, qua kiểm tra cho thấy lúa đông-xuân trà sớm bắt đầu đẻ nhánh, trà chính vụ 2-3 lá, trà muộn đang gieo. Về cơ bản lúa sinh trưởng và phát triển tốt, diện tích bị sâu hại, chuột phá chưa nhiều. Tuy nhiên do thời tiết những ngày gần đây se lạnh, mưa phùn đã tạo điều kiện cho một số loại sâu bệnh xuất hiện ở một số chân ruộng thuộc các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, thành phố Đồng Hới.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật thì tính đến ngày 13-1 , huyện Quảng Ninh có khoảng 40 ha chuột phá, 25 ha bị rệp muội, 5 ha tuyến trùng rễ; Đồng Hới 70 ha bị rệp muội, 15 ha chuột phá; huyện Bố Trạch có 30 ha bị rệp muội, 20 ha chuột phá... Theo nhận định của ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, thời gian tới các loại sâu bệnh như rệp muội, tuyến trùng rễ, chuột... sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên cây lúa.

Do đó, yêu cầu các địa phương cần chỉ đạo nông dân không được chủ quan, coi thường sâu bệnh, phải thường xuyên kiểm tra, tích cực phòng trừ sâu bệnh, tăng cường thực hiện công tác diệt chuột đầu vụ. Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng dẫn bà con chú trọng bón phân cân đối để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại năng suất cao cuối vụ.

Ngoài công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thì việc tập trung đầu tư xây mới, sửa chữa kênh mương, hồ đập bảo đảm nguồn nước tưới cho các diện tích lúa cũng là việc làm được Sở NN và PTNT phối hợp với các địa phương chú trọng thực hiện. Theo số liệu thống kê của Sở NN và PTNT, tỉnh ta hiện có 151 hồ chứa nước, 215 đập dâng và 301 trạm bơm. Tổng dung tích của các hồ chứa nước nói trên khoảng 600 triệu m3. Các hồ này cơ bản phối hợp với dòng chảy các sông, suối, ao bảo đảm tưới chủ động cho hơn 53.000 ha diện tích gieo trồng hàng năm của tỉnh. Mùa mưa vừa qua trên địa bàn tỉnh lượng mưa thấp, thiếu hụt.

Theo tổng hợp của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Bình cho thấy lượng mưa đo được chỉ đạt khoảng 40-60% lượng mưa trung bình nhiều năm. Do đó, nguy cơ hạn hán, thiếu nước là rất cao. Để bảo đảm nguồn nước tưới cho diện tích lúa, các địa phương cần tập trung nạo vét kênh mương, đào giếng, tận dụng nguồn nước ao, hồ và tận dụng các loại máy móc sẵn sàng cho công tác phòng chống hạn lưu động, bảo đảm vụ lúa đông-xuân đạt hiệu quả cao.

Lê Mai