.

Sắc xuân Kim Thủy

Thứ Bảy, 23/01/2016, 15:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những ngày đầu xuân 2016, chúng tôi có dịp trở lại xã miền núi Kim Thủy, huyện Lệ Thủy. Cảnh sắc bây giờ khác xa so với 5 năm trước. Đoạn đường từ nhánh đông đường Hồ Chí Minh vào bản Chuôn và trung tâm xã đã được bê tông hóa, nhà ở của người dân cơ bản đã được ngói hóa nằm xen giữa rừng keo lai ngút ngàn trông thật đẹp mắt.

Kim Thủy hiện có có 1.040 hộ dân, trong đó có hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông-lâm nghiệp. Là địa bàn có tài nguyên rừng và đất đai lâm nghiệp phong phú đa dạng, nhưng hộ nghèo ở Kim Thủy vẫn còn cao; làm thế nào để giảm bớt hộ nghèo, không còn thiếu ăn vào mùa giáp hạt được xem là nhiệm vụ trung tâm của cấp ủy, chính quyền xã.

Bí thư Đảng ủy xã Hồ Viết Tình cho biết, để thực hiện phát triển kinh tế lâm nghiệp có hiệu quả, thời gian qua Đảng ủy, chính quyền xã chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói giảm nghèo, qua đó khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, lấy trồng rừng và chăn nuôi làm khâu đột phá.

Thông qua sự vận động của chính quyền và Phòng Dân tộc huyện, bà con đã trồng được 4.100 ha keo tràm. Điều đáng mừng là trước đây đất đai của xã bỏ hoang hóa, để sim, me, lau lách thi nhau mọc thì nay đã trở thành “đất vàng đất bạc”. Bà con dân tộc thiểu số bây giờ tỏ ra khá thuần thục với việc trồng và chăm sóc cây keo lai, đất ven sông suối, cạnh bìa rừng chỗ nào trống đều được họ tận dụng để trồng keo lai.

Mô hình trồng sắn công nghiệp do Đoàn KT-QP 79 hỗ trợ kỹ thuật, cây giống.
Mô hình trồng sắn công nghiệp do Đoàn KT-QP 79 hỗ trợ kỹ thuật, cây giống.

Bí thư Hồ Viết Tình đưa chúng tôi đến thăm bản Khe Khế. Từ một vùng đất nghèo, lạc hậu, người dân chỉ biết dựa vào rừng để có cái ăn vậy mà bây giờ Khe Khế đã vươn lên thành một làng quê khá trù phú nhờ vào việc trồng rừng, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khe Khế giờ đây không chỉ có cuộc sống ấm no mà còn là một bản làng xinh đẹp được phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng trồng, là bản nhiều năm liền đạt danh hiệu làng văn hoá cấp huyện, cấp tỉnh.

Trong bản có gia đình ông Hồ A Lai là một trong những hộ Vân Kiều trồng rừng nhiều nhất trên địa bàn xã, với 55 ha và chủ yếu là cây keo được trồng theo quy trình kỹ thuật tiên tiến. Ông Lai cho biết, trận bão số 10-2013  đã lấy đi của gia đình ông gần 10 ha keo lai. Hai năm qua ông tập trung phục hồi lại rừng cây, đến thời điểm này gia đình ông có 25ha keo đến tuổi khai thác. Với mức giá ổn định như hiện nay là 35 triệu đồng/ha thì ông thu được khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí.

Ông tâm sự, trước đây gia đình ông rất khó khăn, năm nào cũng thiếu gạo. May mắn là nhờ chủ trương của Nhà nước cho thuê đất và giao đất để trồng keo và nhờ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở huyện hướng dẫn trồng cây mà cuộc sống gia đình khấm khá lên. Số tiền thu được hàng năm ông đầu tư cho 3 đứa con ăn học và có vốn đầu tư thêm mô hình trang trại tổng hợp.

Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy Hồ Văn Xoan nhẩm tính, hiện tại trong 12 bản của xã có khoảng 80 hộ (người Kinh và Vân Kiều trồng keo, tràm với số lượng lớn. Hộ người Kinh có ông Đỗ Thoại, ông Lê Văn Thạnh, ông Trương Quang Vinh... Còn đối với người dân tộc thiểu số, điển hình có gia đình ông Hồ Con, Hồ Thế, Hồ Hùng...

Chúng tôi đến thăm mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, với 15ha keo tràm, 4,5ha cao su tiểu điền, 3ha sắn nguyên liệu, hồ nuôi cá 1.500m2, đàn bò 14 con bò lai và gần 1.000 con gia cầm các loại. Ông trồng keo chia ra nhiều giai đoạn, năm nào cũng có thu hoạch từ 3-4ha và có 1ha cây cao su đã đưa vào khai thác, đàn gia súc gia cầm xuất bán quanh năm, sau khi trừ chi phí lãi khoảng từ 180 - 230 triệu đồng mỗi năm.

Theo thống kê của UBND xã, đến cuối năm 2015 số hộ có rừng trồng trên địa bàn từ 1ha - 5ha chiếm 45%, trong đó có nhiều bản như: bản Cây Khế, bản Chuôn, Cổ Kiềng, Bang... tỷ lệ hộ có rừng chiếm trên 60%, phần lớn bà con đều thoát nghèo là nhờ trồng rừng và chăn nuôi bò. Kim Thủy từ một xã trắng về cây công nghiệp thì nay đã  trồng được 337 ha cao su, 140 ha sắn nguyên liệu, 8.200 gốc hồ tiêu, có 12 trang trại tổng hợp, có 31 hộ gia đình sản xuất giỏi. Trong năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 14% so với năm 2014, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 30%, với 314 hộ.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Xoan cho biết, lĩnh vực chăn nuôi của xã chưa phát triển mạnh như trồng rừng, nhưng số hộ tham gia đầu tư vào nuôi bò tăng đáng kể qua hàng năm. Vừa qua bà con được hỗ trợ lãi suất từ các nguồn vốn ưu đãi, các chương trình dự án, UBND xã đã tích cực chỉ đạo thay đổi giống bò cóc, tập trung nuôi bò lai nhằm nâng cao chất lượng cho đàn gia súc.

Đến thời này trên địa bàn có 986 con bò, 620 con trâu và khoảng 550 con lợn, tính bình quân mỗi gia đình có 1,5 con trâu, bò. Trong 3 năm nay, trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh gia súc gia cầm, nguồn thức ăn tự nhiên rất dồi dào nên đầu tư vào chăn nuôi đã mang lại hiệu quả khá dần qua từng năm. Trên địa bàn có nhiều hộ nuôi từ 10 - 30 con trâu bò, như hộ gia đình ông Hồ Văn Phan với hơn 30 con bò, ông Hồ Chờ nuôi gần 20 con bò, ông Trương Vinh nuôi 20 con trâu, bò...

Nét mới trong chăn nuôi ở Kim Thủy là tỷ lệ bò lai tương đối cao, chiếm khoảng 45% và hầu hết đều có chuồng trại chắc chắn, công tác vệ sinh phòng ngừa dịch bệnh được chú trọng hơn trước. Cùng với việc nuôi bò, bà con tăng cường nuôi gà thả vườn xuất bán cho các xã vùng trung tâm huyện. Nhờ vậy mà số lượng gia súc, gia cầm trong toàn xã luôn duy trì và phát triển, giá trị ngành chăn nuôi năm 2015 toàn xã ước đạt 18 tỷ đồng.

Nói về định hướng cho thời gian tới, Bí thư Hồ Viết Tình khẳng định, Kim Thủy tiếp tục tạo điều kiện để người dân mở rộng phát triển trồng keo và nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa. Với bước đi này, tương lai không xa cuộc sống của người dân Kim Thủy nhất định sẽ tiếp tục khởi sắc.

P.V