.

Hưng Thủy (Lệ Thủy): Hiệu quả từ cây mướp đắng

Thứ Tư, 20/01/2016, 09:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, cây mướp đắng đã trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực giúp nhiều người dân trên địa bàn xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy có thu nhập cao. Cây mướp đắng được người dân nơi đây đánh giá là loại cây dễ trồng, đầu tư không nhiều, ít sâu bệnh mà cho hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, đất vườn ở Hưng Thủy chủ yếu bà con trồng các loại hoa màu như: sắn, khoai, vừng... và hiệu quả kinh tế không cao. Được Hội Nông dân xã khuyến khích, hướng dẫn trồng thử nghiệm cây mướp đắng khá đơn giản, ít thời gian chăm sóc, lại cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân đã đầu tư trồng mướp đắng.

Cách chăm sóc mướp khá đơn giản, không cần kỹ thuật cao. Với mướp đắng chỉ cần được trồng, bón phân, làm giàn, tưới tiêu hợp lí, gặp điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ sinh trưởng nhanh. Ông Nguyễn Đăng Thính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thủy cho biết: “Để trồng mướp đắng có hiệu quả cao, ít sâu bệnh nên sử dụng phân chuồng hoai mục, bón phân vào thời điểm khi cây bắt đầu bám giàn, thường xuyên tưới đầy đủ nước trong ngày nắng nóng, nhất là giai đoạn mướp ra hoa”.

Ảnh 4 : Ông Đinh Như Sơn, thôn Tương Trợ đang thu hoạch những quả mướp đắng đầu mùa.
Ông Đinh Như Sơn, thôn Tương Trợ đang thu hoạch những quả mướp đắng đầu mùa.

Năm nay, nhà ông Đinh Như Sơn, thôn Tương Trợ đã tận dụng 800m2 đất vườn để trồng cây mướp đắng. Năm trước, nhà ông đã thu lãi ròng từ mướp đắng trên 40 triệu đồng. Theo tính toán của ông, vụ mướp đắng này nhà ông sẽ thu hoạch khoảng 4 tấn quả. Giá bán đầu mùa từ 20- 25 ngàn đồng/kg và giữa mùa từ 5-10 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây trồng.

Ông Sơn hồ hởi: “Nhờ trồng mướp đắng mà gia đình tui cũng như các hộ trong thôn có cuộc sống ổn định hơn, nhà nào cũng mua được ti vi, xe máy, tu sửa nhà cửa và cho con cái học hành đến nơi đến chốn”.

Tại thôn Đấu Tranh, xã Hưng Thủy có 128 hộ gia đình thì có tới 85 hộ trồng cây mướp đắng và trở thành cây chủ lực của thôn từ nhiều năm nay. Gia đình ông Nguyễn Thành Linh là hộ trồng mướp đắng điển hình nhất của thôn. Năm nay, ông trồng 2.500m2 mướp đắng.

Vụ mùa năm trước, ông chỉ trồng chưa bằng một nửa diện tích năm nay nhưng đã thu được 40 triệu đồng. Nếu mướp đắng năm nay được mùa, được giá ông sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng. Thấy được hiệu quả của cây mướp đắng ở thôn Tương Trợ và thôn Đấu Tranh nên nhiều người dân các thôn khác ở xã Hưng Thủy cũng đầu tư trồng mướp đắng. Và những năm gần đây, sản phẩm mướp đắng của Hưng Thủy đã trở thành “thương hiệu”, không chỉ người dân, thương lái trong tỉnh biết đến mà cả người dân và thương lái ở các tỉnh miền Trung cũng tìm đến Hưng Thủy để mua.

Trên diện tích đất trồng mướp đắng, bà con nông dân xã Hưng Thủy còn trồng xen canh những loại cây khác như: cải, ngò, khoai lang... để tăng thêm thu nhập, cải thiện bữa ăn hàng ngày. Hiện toàn xã Hưng Thủy có trên 13ha diện tích đất màu được bà con đầu tư trồng mướp đắng. Ông Nguyễn Đăng Thính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thủy tâm sự: “Chừ mướp đắng thực sự là cây nông nghiệp chủ lực, cây giảm nghèo của xã rồi đó. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích hội viên nông dân đẩy mạnh trồng mướp đắng, chuyển đổi một số diện tích đất trồng màu kém hiệu quả để cải tạo trồng mướp đắng”.

Hoài Thu