.

Hồ Viên làm kinh tế giỏi

Thứ Bảy, 16/01/2016, 14:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là nhận xét chung của bà con bản Cà Xen và cán bộ nhân dân xã Thanh Hóa khi nói đến Hồ Viên, người dân tộc Mã Liềng ở bản Cà Xen (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa).

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đã tìm về bản Cà Xen  lúc mặt trời vừa khuất sau dãy núi cuối bản. Đến nhà Hồ Viên cũng là lúc ông vừa mới từ ngoài đồng trở về. Tiếp chúng tôi trong căn nhà ba gian vừa cất, còn nguyên mùi gỗ mới, Hồ Viên cho biết: Ông sinh năm 1954, cũng như bao thanh niên dân tộc Mã Liềng khác, vừa tròn 18 tuổi ông “bắt vợ” và sau đó lần lượt 7 đứa con ra đời, mỗi đứa chỉ cách nhau một mùa rẫy.

Cuộc sống du canh, du cư nay đây mai đó đã đưa gia đình ông đi hết vùng đất này đến vùng đất khác ở miền Tây huyện Tuyên Hóa. Cứ phát, đốt, cuốc, trỉa thành rẫy ngô, rẫy sắn; mùa sau đất bị bạc màu không còn trồng được lại dắt díu nhau tìm vùng đất khác. Cố gắng lắm nhưng mỗi năm gia đình ông cũng chỉ đủ ăn được vài tháng, còn lại phải luồn rừng kiếm củ mài, cây măng thay cơm qua ngày. Cái nghèo, cái khó cứ bám riết lấy gia đình, loay hoay nhìn đàn con thiếu bữa lòng dạ ông rối bời mà chưa tìm ra lối thoát nào.

Ông Hồ Viên bên cánh đồng lúa nước của mình.
Ông Hồ Viên bên cánh đồng lúa nước của mình.

Mãi đến năm 2004 khi có chính sách định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số của Nhà nước, bà con đồng bào dân tộc Mã Liềng sống rải rác phía Tây huyện Tuyên Hóa được cấp ủy, chính quyền địa phương vận động về tại bản Cà Xen, được cấp nhà ở kiên cố, đầu tư xây dựng đường giao thông, điện, nước, trường học, được cấp ruộng trồng lúa nước và chuyển giao quy trình canh tác, giống, phân bón thuốc bảo vệ thực vật.

Với tập tục chuyên sinh sống ở các sườn núi cao, chưa biết đến việc trồng lúa nước nên ban đầu gia đình Hồ Viên khá vất vả với 4 sào ruộng lúa nước được giao. Song nhờ cán bộ kỹ thuật chỉ dẫn tận tình cộng với sự sáng dạ và khát khao thoát khỏi đói nghèo, ông dần dần nắm vững quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch, vụ đầu ông thu về gần cả tấn thóc. Như mở cờ trong bụng, ông cùng vợ con khai hoang thêm các vùng đất quanh bản mở rộng diện tích, chặn dòng các con suối  dẫn nước vào ruộng, mỗi năm một ít “tích tiểu thanh đại”, đến nay diện tích ruộng trồng được lúa nước của gia đình ông đã lên đến hơn 1 ha.

Nhờ chủ động được nguồn nước nên mỗi năm trồng được 2 vụ  lúa, vụ được mùa ông thu về hơn 6 tấn thóc. Không chỉ làm lúa nước, Hồ Viên còn phát triển chăn nuôi. Có nhiều hộ, sau khi Nhà nước hỗ trợ trâu, bò giống không chăm sóc đúng hướng dẫn đã để trâu bò chết, hoặc bán lấy tiền tiêu xài thì gia đình ông lại khác, sau khi được hỗ trợ 2 con trâu ông đã tranh thủ sự hướng dẫn của cán bộ thú y, nắm chắc kỹ thuật chăm sóc,  phòng bệnh đúng cách nên cho đến nay đàn trâu của ông đã lên đến gần chục con, ngoài ra ông còn nuôi thêm heo, gà...

Không dừng lại ở đó, được sự khuyến khích của chính quyền xã, Hồ Viên đã nhiều lần “hạ sơn” tìm đến các hộ gia đình nông dân người Kinh làm kinh tế giỏi ở các vùng lân cận để học hỏi kinh nghiệm. Nghĩ là làm, với diện tích rừng nghèo kiệt được giao ông đã từng bước đầu tư vốn, công sức cải tạo trồng rừng kinh tế, cho đến nay diện tích đã lên đến 24 ha, vụ đầu ông thu hoạch 3 ha, trừ chi phí lãi ròng 150 triệu đồng.

Hồ Viên cho biết, mỗi năm  từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông thu về gần 100 triệu đồng. Vợ chồng Hồ Viên không chỉ biết làm kinh tế gia đình mà còn quyết tâm cho các con ăn học để có cái chữ của Bác Hồ. Đến nay 7 người con của ông có 3 đứa đã học hết lớp 12. Ông còn là người có uy tín đối với bà con dân bản. Khi có gia đình nào trong bản gặp hoạn nạn, khó khăn hoặc cần trợ giúp về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi ông luôn sẵn sàng tận tình giúp đỡ...

Từ tấm gương của ông nhiều bà con dân tộc Mã Liềng ở bản Cà Xen đã thay đổi nhận thức, không trông chờ, ỷ lại mà cùng nhau chăm lo sản xuất, từng bước nâng cao đời sống gia đình và chấp hành nghiêm đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.  

Từ một hộ nông dân người dân tộc thiểu số chưa biết trồng lúa nước, chỉ quen sống du canh, du cư nhưng nhờ chính sách định canh, định cư của Nhà nước và chịu khó học hỏi, cùng với quyết tâm thoát khỏi đói nghèo đến nay gia đình ông Hồ Viên đã vươn lên trở thành hộ giàu nhất bản Cà Xen và hộ khá của xã Thanh Hóa. Hồ Viên thực sự trở thành tấm gương sáng vượt khó trong lao động sản xuất đáng để mọi người học tập noi theo.

Lương Việt Thắng
(Ban CHQS Tuyên Hóa)