.

Tăng cường hỗ trợ phát triển nông nghiệp

Thứ Sáu, 15/01/2016, 10:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Lệ Thủy là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn trong tổng diện tích tự nhiên toàn huyện (127.652 ha); lao động nông nghiệp chiếm 67,07% trong tổng số nhân khẩu nông nghiệp (56.912 người). Vì thế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người nông dân nên việc ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện là hết sức cần thiết.

Thực tế những năm qua cho thấy, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng giá trị, hàng hóa; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nên đã tăng năng suất và giá trị sản phẩm.

Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt, trong các năm 2014 và 2015, huyện Lệ Thủy đã tổ chức khảo nghiệm, sản xuất thử các giống lúa mới chất lượng và năng suất cao như CXT30, TBR225, Tám Xoan... (cao hơn giống cũ từ 3-5 tạ/ha). Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông đã được UBND huyện hỗ trợ kinh phí để thực hiện các mô hình thử nghiệm như: Mô hình các giống lúa mới, mô hình sản xuất ớt phục vụ xuất khẩu...

Ngoài ra, UBND huyện còn phối hợp tổ chức 15 lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa và triển khai mô hình canh tác lúa cải tiến SRI trên diện tích gần 300 ha (triển khai 2 năm) cho người dân các xã Phong Thủy, Liên Thủy, Tân Thủy... Cũng trong các năm 2014 và 2015, UBND huyện Lệ Thủy đã thực hiện hỗ trợ kinh phí, giống, kỹ thuật cho 17 hộ chăn nuôi tại các xã Mai Thủy, Tân Thủy, Hoa Thủy, Thanh Thủy... với số lượng 17.600 con giống gà Ri thả vườn; gia trại nuôi lợn nái ngoại có quy mô từ 15 con trở lên; mô hình nuôi thỏ tại thị trấn Nông trường Lệ Ninh.

Ảnh 4 : Ngư dân xã Ngư Thủy Nam đóng mới bơ nan để đánh bắt thủy hải sản ở gần bờ.
Ngư dân xã Ngư Thủy Nam đóng mới bơ nan để đánh bắt thủy hải sản ở gần bờ.

Qua đó khuyến khích, nhân rộng các mô hình này ra các địa phương khác trên địa bàn, góp phần động viên người dân mở rộng quy mô, đầu tư phát triển sản xuất. Thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 32 trang trại, gia trại nuôi gà thả vườn (quy mô 1.000 con/lứa); có 13 cơ sở nuôi lợn nái ngoại, trong đó 4 cơ sở có từ 20-30 con, đáp ứng nhu cầu về con giống lợn thịt bảo đảm chất lượng phục vụ cung ứng cho các hộ nuôi khác trên địa bàn huyện.

Nhằm đẩy mạnh và nâng cao giá trị hàng hóa trên lĩnh vực chăn nuôi, chính quyền địa phương huyện Lệ Thủy đã hỗ trợ công tác cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo, thiến bò đực cóc, trong 2 năm đã cho ra đời 7.450 con bê, nâng tỉ lệ bò lai lên trên 40% tổng đàn bò (tăng 967 con so với năm 2013); đẩy mạnh việc hỗ trợ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm nên tình trạng dịch bệnh những năm gần đây không xảy ra, tạo điều kiện cho người chăn nuôi ổn định sản xuất.

Ngoài ra, huyện cũng đã thực hiện việc hỗ trợ kinh phí với số tiền hơn 660 triệu đồng cho các hộ bị thiệt hại do mưa bão để mua 22 con trâu bò, 491 con lợn nái ngoại, 53.305 con gia cầm. Đối với lĩnh vực lâm ngiệp, cơn bão số 10 năm 2013 đã gây thiệt hại lớn cho các hộ trồng rừng (thiệt hại khoảng 7.000 ha) và cao su (924,2 ha). Trong năm 2014, UBND huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sau bão cho các hộ gia đình, cá nhân.

Trong đó, hỗ trợ 4.500 đồng/stum cao su, hỗ trợ 40% giá giống lâm nghiệp với số tiền 270 triệu đồng, khôi phục được 92,3 ha diện tích cao su. Nhằm giúp các hộ dân yên tâm mở rộng phát triển diện tích rừng trồng kinh tế, UBND huyện đã chủ động hỗ trợ giống cây keo lai cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu để trồng rừng sản xuất (năm 2014 hỗ trợ 50% giá giống, con số này tăng lên 60% vào năm 2015). Ngoài ra, huyện còn tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng và khôi phục cây cao su sau bão cho người dân tại các xã Trường Thủy, Phú Thủy, Mai Thủy... giúp người dân nắm được các kỹ thuật phục hồi sau bão, phương pháp, kỹ thuật trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nuôi trồng, chế biến thủy sản cũng là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế của huyện Lệ Thủy, đặc biệt đối với những xã vùng bãi ngang. Để tiếp tục động viên người dân tích cực tham gia sản xuất, trong 2 năm qua, huyện đã thực hiện hỗ trợ 87.000 con cá lóc giống cho ngư dân các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam. Qua đó giúp ngư dân chuyển đổi nghề từ đánh bắt ven bờ sang nuôi trồng, chế biến thủy sản và các nghề khác góp phần tăng thu nhập.

Nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản, chính quyền địa phương đã phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiến hành thả 133.000 con cá giống các loại xuống hồ An Mã; hỗ trợ mô hình nuôi cá Trường Giang tại xã Hưng Thủy mang lại lợi nhuận trên 28 triệu đồng/hộ; hỗ trợ gần 515 triệu đồng kinh phí cho các hộ bị thiệt hại để mua 899.987 cá giống nước ngọt và 3.250 con giống tôm thẻ chân trắng để khôi phục phát triển sản xuất. Nhờ vậy, theo thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Lệ Thủy có 494 ha diện tích nuôi cá ao hồ và 43 ha hồ nuôi tôm thẻ chân trắng.

Những kết quả đạt được trong thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của huyện Lệ Thủy thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế như: Cơ chế chính sách hỗ trợ của cấp trên khi triển khai về đến người dân còn chậm; mức độ hỗ trợ còn manh mún, nhỏ lẻ nên chưa thu hút và khuyến khích được người dân đầu tư phát triển sản xuất; các thủ tục thanh quyết toán trong thực hiện chính sách gặp khó khăn; nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để khắc phục hậu quả do thiên tai còn chậm, chưa kịp thời để người dân sớm ổn định sản xuất; một số giống cây, con hỗ trợ hiệu quả chưa cao; việc nhân rộng một số mô hình đầu tư sản xuất có hiệu quả chưa được nhiều, quy mô chưa lớn...

P.V