.

Thị xã Ba Đồn: Khởi sắc trên lĩnh vực thương mại và dịch vụ

Thứ Hai, 18/01/2016, 08:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhờ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình tổ chức thương mại, các phương thức giao dịch và dịch vụ hỗ trợ, đến nay thị xã Ba Đồn đã tạo sự khởi sắc trong phát triển thương mại-dịch vụ, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là tập trung phát triển thương mại-dịch vụ, tạo sự khởi sắc và xứng danh với tên gọi là trung tâm kinh tế-xã hội phía bắc của tỉnh, thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã phát huy lợi thế có 2 tuyến đường quốc lộ 1A và 12A chạy qua, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình tổ chức thương mại.

Nhờ vậy, đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế trên địa bàn thị xã chuyển dịch đúng hướng với giá trị sản xuất thương mại-dịch vụ chiếm gần 41%, mức tăng bình quân hàng năm đạt trên 11%. Các loại hình dịch vụ có bước phát triển nhanh, đến nay trên địa bàn thị xã có trên 4.700 cơ sở kinh doanh thương mại-dịch vụ, tăng 27% so với năm 2010; thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 7.600 lao động. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn thị xã năm 2015 đạt trên 2.181 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2014.

Ảnh 4 : Siêu thị Thái Hậu, thị xã Ba Đồn luôn bảo đảm hàng hoá phong phú, thu hút một lượng lớn người tiêu dùng trên địa bàn đến tham quan và mua sắm
Siêu thị Thái Hậu, thị xã Ba Đồn luôn bảo đảm hàng hoá phong phú, thu hút một lượng lớn người tiêu dùng trên địa bàn đến tham quan và mua sắm

Hiện nay trên địa bàn thị xã có 16 chợ; trong đó 2 phường có 2 chợ (Ba Đồn và Quảng Phúc), 2 xã chưa có chợ là Quảng Lộc và Quảng Long. Để thu hút các hộ tham gia kinh doanh tại chợ, cùng với việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thị xã đã đề ra một số cơ chế chính sách cho các hộ tham gia kinh doanh lần đầu, qua đó tạo động lực, thu hút hàng ngàn hộ tiểu thương tham gia kinh doanh, buôn bán với hệ thống quầy hàng, ki ốt có đầy đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống người dân.

Các siêu thị như: Thái Hậu, Hùng Hồng, điện máy Dũng Loan... đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng trên địa bàn thị xã và các vùng phụ cận, việc mua sắm tại các siêu thị khá tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng.

Song song với phát triển thương mại-dịch vụ, thị xã đã tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng các cụm, điểm công nghiệp làng nghề, có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất phát triển. Thị xã đã tiến hành lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm thương mại gắn với nhà ở phía nam đường Hùng Vương. Ngoài các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, thị xã phát triển mạnh dịch vụ vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách.

Nhờ vậy, trên địa bàn hiện có nhiều doanh nghiệp vận tải lớn, đảm nhận cung ứng và tiêu thụ sản phẩm cho Nhà máy xi măng Sông Giang và Nhà máy xi măng Văn Hóa. Đến cuối năm 2015, toàn thị xã có trên 550 phương tiện vận tải, doanh thu đạt khoảng 700 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1.000 lao động. Lĩnh vực thương mại-dịch vụ ngày càng được mở rộng và phát triển đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Ngoài hệ thống dịch vụ thông thường, hệ thống dịch vụ chất lượng cao ngày càng phát triển trên địa bàn như: ngân hàng, tín dụng, bưu chính-viễn thông, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, dịch vụ vận tải hành khách, kinh doanh xăng dầu kết hợp với hệ thống chợ đầu mối, chợ các xã phường được quan tâm đầu tư nâng cấp và mở rộng, bảo đảm hàng hóa phong phú, chất lượng phục vụ được cải thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân. Công tác quản lý thị trường, giá cả, bảo đảm cung-cầu các mặt hàng thiết yếu và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng được tăng cường, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thị xã Ba Đồn đang quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại-dịch vụ, xem đây là lĩnh vực mang tính đột phá trong phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020. Theo đó, sẽ phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 45,4% trong cơ cấu kinh tế thị xã, với tốc độ tăng trưởng bình quân 12,5%/năm.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, thị xã sẽ khắc phục những hạn chế còn tồn tại và bất cập về hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại-dịch vụ trên địa bàn, đồng thời thực hiện các giải pháp đồng bộ để tạo bước chuyển vượt bậc trên lĩnh vực này. Cùng với việc tập trung vào công tác quy hoạch, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho phát triển thương mại và dịch vụ, thị xã sẽ tiếp tục bổ sung để hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết khu thương mại và đô thị phía nam chợ Ba Đồn giáp sông Gianh với diện tích quy hoạch 27 ha.

Thị xã chú trọng công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư, xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, hội trường tổ chức các sự kiện và xúc tiến mở tuyến du lịch bằng đường sông từ Ba Đồn đi Phong Nha-Kẻ Bàng...

Hiền Chi