.

Khởi sắc vùng cát Quảng Ninh

Thứ Ba, 18/11/2014, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Vùng cát ven biển huyện Quảng Ninh nằm trên địa bàn 3 xã Hải Ninh, Gia Ninh và Võ Ninh, diện tích ước khoảng trên 3.000ha, đây là vùng đất đầy tiềm năng để đầu tư các dự án công nghiệp, du lịch có quy mô lớn. Những năm qua, người dân nhận ra tiềm năng to lớn của vùng cát vốn dĩ rất khô cằn này, nên đã đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, làm trang trại, trồng rừng và chăn nuôi... bước đầu mang lại hiệu quả.

Có thể nói, cả một thời kỳ dài vùng cát hầu như không ai ngó ngàng tới.  Lợi thế của vùng cát mà không có vùng sinh thái nào sánh được là diện tích lớn, đất cát còn hoang sơ, không tốn kém nhiều cho giải phóng mặt bằng khi đầu tư các dự án công nghiệp, du lịch lớn.

Bởi vậy mà vùng cát Quảng Ninh đang là vùng đất hứa, đầy triển vọng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khoảng chục năm trở lại đây, khi người dân nhận ra vùng cát có tiềm năng lớn, không thua kém gì các vùng gò đồi, vùng đồng bằng, họ đã có sự đầu tư phát triển vào vùng này.

Một trong những thế mạnh của vùng cát là nuôi trồng thuỷ sản. Sớm nhận thấy tiềm năng này, thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta nói chung và vùng cát Quảng Ninh nói riêng đã có hàng trăm doanh nghiệp, hộ gia đình thuê đất cát để đầu tư đào ao nuôi tôm công nghiệp, trong đó có doanh nghiệp sử dụng cả trăm ha để nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, hoặc làm trang trại tổng hợp. Điển hình có ông Võ Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hương, đóng trên vùng cát huyện Quảng Ninh, với quy mô trang trại lớn gần 100 ha, vừa nuôi tôm vừa trồng rừng và chăn nuôi.

Nuôi đà điểu trên cát.
Nuôi đà điểu trên cát.

Mới đây chúng tôi có dịp trở lại Hải Ninh, một xã vùng cát của Quảng Ninh. Bí thư Đảng uỷ xã Mai Đình Lừa cho biết, trên địa bàn xã đang dấy lên phong trào nuôi tôm trên cát, cả xã hiện có gần 200 hộ nuôi tôm, gia đình ông cũng có 2 hồ nuôi tôm. Hai năm gần đây, người nuôi ít khi thất bát. Trung bình cứ 3 tháng thu hoạch thì mức lãi từ 1-1,5 tỷ đồng/hồ. Thậm chí có hồ đạt mức lãi đến 2 tỷ đồng. Bây giờ người dân biển Hải Ninh rất thành thục về cách thức nuôi tôm trên cát.

Ở Hải Ninh bà con nuôi tôm theo mô hình liên kết vài ba hộ với nhau cùng chung nuôi và thả giống theo dạng cuốn chiếu, hạn chế được rủi ro. Ông Lê Văn Thức, là một trong 4 hộ chung nhau nuôi 3 hồ tôm ở đây cho biết, người nuôi tôm không ai thả con giống cùng một lúc, mà áp dụng thả giống hồ thứ nhất, chăm sóc kỹ lưỡng theo đúng bài bản.

Sau một tháng sẽ thả tiếp hồ thứ hai và sau tháng nữa mới thả hồ thứ ba. Khi hồ thứ ba thả tôm giống được một tháng thì hồ thứ nhất cho thu hoạch. Vụ tôm vừa qua nhiều chủ hồ tôm thắng lớn, như anh Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Viết ở thôn Tân Hải, anh Ngô Văn Đương ở Cửa Thôn đã thu về tiền tỷ....

Trong các mô hình nuôi tôm thành công có hộ gia đình anh Nguyễn Ngọc Thanh. Sau mấy năm làm ăn ở phía Nam có chút vốn liếng và vay thêm ở ngân hàng, bạn bè, anh dồn cả vào nuôi tôm. Anh cho biết, hiện có 20 ao nuôi, ngoài mấy ao ở thôn Tân Hải, xã Hải Ninh, hồ tôm của anh có từ Bố Trạch đến Ngư Thuỷ Bắc... Vụ tôm vừa rồi anh được lãi khá cao, mấy ngày nay đang tập trung cho vụ nuôi mới, nhưng đang khó khăn về vốn nên chỉ đầu tư cầm chừng...

Người được xem đi tiên phong khai canh vùng cát ở Quảng Ninh là ông Lê Ngọc Lễ ở xã Hải Ninh. Ông là một trong những người lăn lộn với vùng cát Quảng Bình khá sớm trong việc xây dựng trang trại theo mô hình nông hộ. Sau một thời gian dài mày mò nghiên cứu, tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi và được sự hỗ trợ giống, kỹ thuật, ông đã xây dựng thành công trang trại tổng hợp trên vùng cát trắng ở Hải Ninh.

Trang trại của ông vào thời kỳ cao điểm đã thả nuôi đến 500 con lợn thịt và lợn nái, trồng trên 100 ha rừng, cây ăn quả... Qua hơn 10 năm gắn bó với vùng cát, ông đã chọn được cây trồng vật nuôi phù hợp. Bây giờ ông Lễ đã rất yên tâm với việc sản xuất của mình. Sau ông Lễ, hiện nay có trên 20 trang trại tổng hợp trên vùng cát 3 xã của huyện Quảng Ninh. Phần lớn các mô hình trang trại đều làm ăn ổn định, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động là con em nông dân trong vùng.

Một thế mạnh của vùng cát ở Quảng Ninh đang được người dân khai thác có hiệu quả, là đầu tư trồng và chế biến khoai gieo.  Qua lời giới thiệu của Bí thư Đảng uỷ xã chúng tôi đã gặp chị Hoàng Thị Liễu, Chủ nhiệm Hợp tác xã chế biến khoai gieo Hải Ninh. Chị cho biết, nghề trồng khoai có từ xa xưa, nhưng làm khoai gieo để bán cho khách du lịch thu lợi gấp chục lần bán củ tươi mới là điều đáng nói ở Hải Ninh bây giờ.

Thu hoạch tôm ở Hải Ninh.
Thu hoạch tôm ở Hải Ninh.

Vùng cát Hải Ninh có 60 ha được bà con nông dân đầu tư trồng khoai gieo. Sau nhiều năm phát triển, sản phẩm khoai gieo Hải Ninh vinh dự được nhận danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013 do Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

Theo chị Liễu, hợp tác xã được thành lập từ năm 2009 với 9 hộ gia đình (xã viên) và từ đó không ngừng lớn mạnh, đến nay toàn xã có trên 150 hộ trồng khoai gieo với chất lượng sản phẩm ổn định, được người tiêu dùng yêu thích. Niên vụ 2013, xã Hải Ninh đã sản xuất và thu mua khoai lang ở các xã khác để chế biến khoai gieo xuất bán ra thị trường gần 300 tấn, thu về gần 20 tỷ đồng. Chị Liễu cho biết, vụ trồng khoai năm nay thời tiết nắng hạn hơn năm ngoái, sản lượng khoai gieo có giảm chút ít, nhưng bù lại giá bán cao hơn mọi năm, người nông dân tỏ ra  yên tâm với nghề này.

Về Hải Ninh lần này, được biết chưa bao giờ vùng đất cát của xã lại  rộn ràng như hiện nay, nói như đồng chí Bí thư Đảng uỷ là, “Dự án chồng dự án”. Qua trao đổi với ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh được biết, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát vùng cát của huyện, trong đó Tập đoàn Dệt may có thoả thuận xây dựng 2 dự án Nhà máy sợi và Nhà máy may tại xã Gia Ninh; một vài tập đoàn công nghiệp đã đến khảo sát để đầu tư dự án điện gió, xây dựng khu đô thị, một tập đoàn đến từ Hàn Quốc cũng khảo sát đầu tư dự án sân gôn...

Sau chuyến đi thực tế ở vùng cát Quảng Ninh, chúng tôi cảm nhận được tiềm năng to lớn của vùng đất này,  nhưng cũng lo lắng nhận thấy việc khai thác đất cát đầu tư sản xuất hiện nay đang manh mún, lộn xộn, còn thiếu quy hoạch bài bản lâu dài. Ai cũng biết lợi thế nhất của vùng cát Quảng Ninh là có hàng nghìn hécta đất cát hoang sơ, có thể dùng vào các dự án cực lớn mà địa phương khác trong nước dù có mơ cũng không bao giờ có được.

Do vậy, để vùng cát phát triển bền vững, có tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi phải có các bước đi cụ thể, trong đó quy hoạch vùng có vị trí quan trọng hàng đầu. Đồng thời, cần tăng cường biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thấp nhất các dự án gây ô nhiễm môi trường nước.

Tr.T