.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Bố Trạch: Cần cân nhắc những bài học từ thực tiễn - Bài 1: Thực trạng và hướng đi

Thứ Sáu, 14/11/2014, 14:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bố Trạch, một địa phương có thế mạnh về nông nghiệp cũng đang triển khai thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020".

Từ thực trạng ngành nông nghiệp của địa phương những năm vừa qua, Bố Trạch nói riêng và toàn tỉnh nói chung cần có sự nhìn nhận sát đúng và cân nhắc những bài học từ thực tiễn, nhằm mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người nông dân.

Thực trạng  một số loại cây chủ lực của đề án

Trong số nhóm cây trồng được xem là lợi thế của Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020", không thể không kể đến cây cao su và hồ tiêu. Đây là những loại cây đã mang lại lợi nhuận cao cho nông dân Bố Trạch những năm vừa qua.

Tổng diện tích cao su của Bố Trạch đến thời điểm này là gần 12.000ha, chiếm trên 60% tổng diện tích toàn tỉnh. Cây cao su đã mang lại nguồn lợi lớn cho người nông dân, có hàng nghìn hộ gia đình thoát nghèo nhờ loại cây này và vươn lên làm giàu, trở thành những chủ trang trại với trị giá tài sản nhiều tỷ đồng. Cùng với cây cao su là gần 350 ha hồ tiêu, cũng đã góp phần mang lại no ấm cho người nông dân sau những "mùa tiêu vui".

Với những lợi ích thu về từ các loại cây này, nên người nông dân luôn gửi gắm niềm tin, hy vọng vào cao su và hồ tiêu như là lẽ đương nhiên. Đất không phụ công người, trên thực tế, hai loại cây này đã mang lại nhiều vụ mùa bội thu. Cao điểm, cao su mủ khô có giá gần 90.000 đồng/kg và hồ tiêu là 140.000 đồng/kg. Có thể nói, những con số này đánh dấu thời kỳ "hoàng kim" của cao su và hồ tiêu, đưa nhiều nông dân trở thành tỷ phú.

Thu mua sắn nguyên liệu.
Thu mua sắn nguyên liệu.

Thế nhưng bên cạnh những thuận lợi và con số đáng mơ ước đó, hành trình của người nông dân Bố Trạch cũng gặp không ít gian nan. Bão lụt, thiên tai trong những năm vừa qua, đặc biệt chỉ tính riêng năm 2013 đã xoá sổ gần 50% diện tích cao su của địa phương. Nhiều ông chủ trang trại sau trận bão đã trở thành tay trắng. Chưa hết, sau hơn một năm bão đi qua, tại thời điểm này, giá cao su mủ khô chỉ ở mức 20.000 đồng đến 23.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, xã Tây Trạch cho biết: Với tình trạng giá cả như hiện nay, hầu hết các hộ tạm ngừng khai thác và đợi giá lên. Nhiều hộ gia đình trồng cao su rơi vào tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội" khi không trồng cao su thì chẳng biết trồng cây gì thay thế, mà tiếp tục duy trì thì gặp khó khăn vì giá mủ cao su sụt giảm, cộng với kinh phí khắc phục cao su gãy đỗ gặp nhiều khó khăn...

Tương tự, cũng bắt nguồn từ cơn bão năm 2013, hiện nay hàng loạt vườn tiêu của Bố Trạch đang rũ lá và chết dần chết mòn. Về Xuân Trạch, chứng kiến những gốc tiêu 8 - 10 năm tuổi bị vàng lá và héo rũ, chứng kiến người nông dân nỗ lực để cứu cây, mới thấy hết những khó khăn và trở ngại trên hành trình xoá đói giảm nghèo.

Ông Lê Thanh Huy, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho biết: Cây tiêu được xem là cây chủ lực của địa phương. Nhưng từ năm 2013 đến nay, tiêu bị chết rất nhiều. Một số hộ sau khi nỗ lực cứu vãn nhưng bất lực, đã quyết định không tiếp tục trồng tiêu nữa. Thế là những gốc mớc (dùng để làm trụ tiêu) cũng bị đào và bán với giá 50.000-70.000 đồng/cây.

"Chứng kiến cảnh này, chúng tôi rất tiếc bởi cả địa phương và người dân cũng đã cố gắng cứu vãn, nhưng thật sự là lực bất tòng tâm!", ông Huy cho biết thêm. Và không chỉ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trên hành trình phát triển của cây tiêu, điệp khúc "được mùa rớt giá" của hạt tiêu cũng nhiều phen khiến cho người dân lao đao...

Cùng với cây cao su, hồ tiêu thì cây ớt, cây sắn cũng là những loại cây nằm trong danh mục của đề án. Mới xuất hiện trên đồng đất Bố Trạch chưa đầy 5 năm, nhưng người trồng ớt cũng đã nếm đủ mọi cung bậc cảm xúc. Đó là khi ớt bội thu và giá ngất ngưởng ở mức trên 40.000 đồng/kg. Và khi ớt chín đỏ đồng chẳng buồn hái bởi tiền công chẳng bù tiền bán với mức giá 4.000-5.000 đồng/kg. Nông dân trắng tay, thua lỗ và doanh nghiệp bao tiêu thì mất hút "bóng chim tăm cá".

Cây sắn cũng là câu chuyện dài kỳ về giá cả và đầu ra cho sản phẩm làm tốn không ít giấy mực và những cuộc họp hành, bàn thảo khi giá ớt xuống dưới mức 1.000 đồng/kg. Nhiều vụ sắn khi đến mùa thu hoạch, người dân vẫn bỏ mặc vì tiền bán sắn nguyên liệu không đủ bù tiền công.

Mục tiêu hướng tới của đề án

Đối với cây cao su, mục tiêu của đề án là nâng cao chất lượng diện tích cao su hiện có bằng các biện pháp kỹ thuật, trong đó chú trọng vào kỹ thuật khai thác mủ để bảo đảm được thời gian khai thác lâu dài. Chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng trồng kém hiệu quả sang trồng cao su theo quy hoạch.

Diện tích cao su của huyện Bố Trạch vẫn tiếp tục tăng lên. Ảnh: A.T
Diện tích cao su của huyện Bố Trạch vẫn tiếp tục tăng lên. Ảnh: A.T

Phấn đấu đến năm 2020 diện tích cao su trên địa bàn huyện đạt 12.000 ha, sản lượng mủ khô đạt 5.720 tấn/năm. Khôi phục cao su bị gãy, đổ; rà soát quy hoạch cao su để loại bỏ những diện tích không phù hợp. Thực hiện nghiêm ngặt quy trình trồng cao su, đặc biệt là sử dụng các loại giống có năng suất cao, chống chịu được gió bão, kháng sâu bệnh; thực hiện liên kết trồng cây cao su với Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam.

Về cây hồ tiêu, huyện sẽ tiến hành mở rộng diện tích hồ tiêu trên các chân đất phù hợp, tập trung ở các xã Phú Định, Hòa Trạch, Tây Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung, Phúc Trạch, Xuân Trạch, Cự Nẫm, phấn đấu đến năm 2020 có 500ha tiêu, sản lượng đạt 264 tấn/năm; đẩy mạnh áp dụng khoa học trong canh tác và phòng trừ sâu bệnh theo hướng bền vững; thử nghiệm một số giống tiêu mới nhằm thay thế các giống đã bị thoái hóa.

Đối với cây sắn, huyện sẽ ổn định diện tích sắn nguyên liệu, đến năm 2020 đạt 2500 - 2900 ha, tập trung phát triển ở vùng gò đồi của các xã Nam Trạch, Hòa Trạch, Tây Trạch, Phú Định, Vạn Trạch, Lý Trạch, Đại Trạch, Nông trường Việt Trung...; tiếp tục khảo nghiệm, trình diễn các giống sắn năng suất và hàm lượng tinh bột cao dần thay thế các giống cũ năng suất thấp; kết hợp trồng sắn rải vụ để đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột trên địa bàn.

Huyện khuyến khích mô hình trồng cây họ đậu xen sắn theo hướng phát triển bền vững; chỉ đạo, tổ chức thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và các nhà máy chế biến. Cây ớt, dù mới xuất hiện ttrong thời gian ngắn, nhưng với những hiệu quả mang lại, Bố Trạch sẽ xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 250 ha, tập trung ở các xã có điều kiện sản xuất thích hợp như Hưng Trạch, Cự Nẫm, Vạn Trạch, Lâm Trạch, Phú Định.

Với lộ trình nói trên, có thể khẳng định hướng đi của Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020" mà huyện Bố trạch đề ra là rất phù hợp, hứa hẹn một bước phát triển mới cho các loại cây trồng chủ lực nói trên.

Ngọc Mai

Bài 2: Bài học thực tiễn và các giải pháp