.

Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa: Địa chỉ tin cậy của người nghèo

Thứ Sáu, 14/11/2014, 14:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Là một trong những kênh tín dụng quan trọng hỗ trợ người dân, Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Minh Hóa đã bám sát các chương trình, mục tiêu kinh tế-xã hội trên địa bàn để kịp thời tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các hộ nghèo và gia đình chính sách đã tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi này để vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.

Các cơ sở dịch vụ, thương mại phát triển đáp ứng nhu cầu mua sắm  của người dân.
Các cơ sở dịch vụ, thương mại phát triển đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Ông Phan Đình Kiệu, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị luôn bám sát các chủ trương, chính sách của các cấp, các ngành để tập trung quản lý hiệu quả các chương trình cho vay.

Tuy có nhiều yếu tố bất lợi tác động đến sản xuất và đời sống nhưng bà con đã biết vượt qua khó khăn, đồng thời mạnh dạn vay vốn để mở rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh... góp phần không nhỏ vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện. Trong đó, chương trình vay vốn xóa đói giảm nghèo luôn được sự quan tâm của toàn xã hội, từ nguồn vốn này, người dân đã chú trọng phát triển kinh tế hộ, nâng cao kỹ thuật thâm canh và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh.

Để đạt được những kết quả đó, Ngân hàng đã phát triển các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV), thông qua phương thức ủy thác cho vay đối với các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn. Theo đó, đến nay toàn huyện có 295 tổ TK-VV, trong đó số tổ TK-VV đã được ủy nhiệm thu tiết kiệm của người nghèo là 288 tổ, chiếm trên 97%; số tổ TK-VV đã thực hiện thu tiền tiết kiệm của người nghèo là 272 tổ, với số tiền 1.443 triệu đồng, đạt gần 75% kế hoạch giao.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK-VV, Ngân hàng CSXH huyện đã đề ra chủ trương “Tập trung chấn chỉnh trong mạng lưới hoạt động của Ngân hàng CSXH trên địa bàn” với các nội dung cụ thể như: nâng cao năng lực quản lý, giám sát nguồn vốn vay của tất cả các chương trình đang đầu tư trên địa bàn; tổ chức xử lý các khoản nợ tồn đọng, dây dưa; chấn chỉnh kiện toàn lại các tổ TK-VV hoạt động yếu; thực hiện tận thu, thực hành tiết kiệm chi phí và phát động các phong trào thi đua, phong trào kinh nghiệm, sáng kiến.

Với nội dung này, đến ngày 30-9, các hội đoàn thể nhận uỷ thác cấp huyện đã thực hiện kiểm tra 36/40 lượt hội cấp xã. Ngoài ra, hội đoàn thể nhận uỷ thác cấp xã, thị trấn thực hiện kiểm tra 247/295 tổ TK-VV, đạt 83,7%; thực hiện kiểm tra sử dụng vốn vay 2.096/2.939 món vay, đạt 71,3% kế hoạch; thực hiện đối chiếu dư nợ được 7.979 hộ/10.173 hộ vay, đạt 78,4% kế hoạch.

Về kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn và sự dụng vốn, đến nay nguồn vốn cho vay đạt trên 254 tỷ đồng, tốc độ tăng là 5,9%; tăng so cùng kỳ năm 2013 là 15.154 triệu đồng (tăng 6,3%). Tổng doanh số cho vay là 32.726 triệu đồng, với 1.634 lượt hộ, dự án vay vốn (bình quân 1 lượt hộ, dự án vay 20 triệu đồng). Doanh số cho vay tăng so cùng kỳ 2013, cụ thể: Về số tiền là 9.006 triệu đồng, tốc độ tăng 38%; về số lượt hộ vay giảm 116 lượt hộ vay.

Một số chương trình có doanh số cho vay tăng lớn như: Hộ nghèo 19.421 triệu đồng, hộ cận nghèo 8.336 triệu đồng, học sinh sinh viên 1.967 triệu đồng, hộ sản xuất, kinh doanh 3.491 triệu đồng... Tổng doanh số thu nợ là 25.869 triệu đồng, so kế hoạch giao cả năm đạt gần 74%. Doanh số thu nợ tăng 12.497 triệu đồng so cùng kỳ năm 2013, tốc độ tăng là 93,4%. Tổng dư nợ là 248.550 triệu đồng, với 10.097 hộ (gần 15.000 món vay) và 295 tổ TK-VV (bình quân 1 hộ có dư nợ trên 24 triệu đồng). Tổng dư nợ tăng so đầu năm là 8.330 triệu đồng, tốc độ tăng 3,5%, hiệu suất sử dụng vốn đạt 97,7%.

Nguyên nhân doanh số cho vay tăng, là do nguồn vốn mới được Ngân hàng CSXH tỉnh thông báo đã kịp thời phân giao về các xã và thị trấn, đồng thời có văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khẩn trương xét và phân giao cho các thôn để thực hiện việc bình xét cho vay qua tổ TK-VV. Đội ngũ cán bộ Ngân hàng cũng đã tranh thủ làm việc cả ngày nghỉ cuối tuần để kiểm soát, đăng ký hồ sơ và thực hiện giải ngân nhanh cho các đơn vị đã hoàn chỉnh hồ sơ.

Đến cuối tháng 12-2014, Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa đề ra chỉ tiêu như sau: phấn đấu để có tổng dư nợ 250.000 triệu đồng; tổng doanh số thu nợ trên 35.000 triệu đồng; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,45%/tổng dư nợ, riêng nợ quá hạn cho vay XKLĐ phấn đấu dưới 1%; thu lãi đạt 18.500 triệu đồng và hiệu suất sử dụng vốn đạt trên 99%.

Mặt khác, đơn vị đã cùng các cấp hội đoàn thể nhận uỷ thác và tổ TK-VV tích cực đôn đốc hộ vay thanh toán nợ khi đến hạn, xử lý nợ quá hạn và các khoản vay có kỳ hạn nhỏ. Nếu loại trừ số chương trình không cho phép tăng trưởng, hoặc không thể giải ngân được thì mức tăng trưởng đạt trên 90% kế hoạch giao, ông Phan Đình Kiệu cho hay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cho vay theo các chương trình trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế. Đó là, mặc dù tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện chuyển biến mạnh trên nhiều lĩnh vực, nhưng tư tưởng trông chờ ỷ lại của một số hộ dân và một số cán bộ chưa được xoá bỏ, không cố gắng vươn lên tự xoá đói giảm nghèo cho gia đình để góp phần phát triển kinh tế chung của toàn huyện. Các cấp hội đoàn thể và tổ TK-VV các xã, thị trấn tuy đã hoàn thành kế hoạch, nhưng chất lượng chưa cao dẫn đến một số tổ TK-VV để nợ quá hạn và lãi nhiều kỳ không thu được.

Bên cạnh đó, các cấp hội cơ sở nhận uỷ thác chưa chủ động xử lý những tổ TK-VV hoạt động không hiệu quả, có hiện tượng đợi cán bộ Ngân hàng CSXH và cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện để xử lý; chất lượng hoạt động dịch vụ uỷ thác cho vay của các tổ chức chính trị xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ đề ra...

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đình Kiệu cho biết, thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế, đặc biệt chú trọng gắn kết có hiệu quả với chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầu tư có hiệu quả các nguồn vốn để phục vụ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm từ người nghèo; huy động nguồn vốn dân cư theo lãi suất thị trường, nguồn vốn hỗ trợ hàng năm từ ngân sách huyện để tăng trưởng dư nợ; không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội đoàn thể trong mạng lưới của Ngân hàng CSXH; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát đến Ban giảm nghèo, Ban quản lý tổ TK-VV và từng cấp hội đoàn thể nhận uỷ thác, nhất là công tác đối chiếu đến hộ vay của cấp hội đoàn thể nhận ủy thác và tổ TK-VV...

M.Văn