.

"Tam nông" và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn - Bài 1: Nông thôn khởi sắc

Thứ Tư, 22/10/2014, 08:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Có thể khẳng định, mặc dù còn những vấn đề bất cập cần tháo gỡ, nhưng qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay còn gọi là "tam nông" (sau đây gọi tắt là NQ TW7) ở tỉnh ta đã đạt được kết quả bước đầu. Diện mạo vùng nông thôn có khởi sắc, đời sống của nông dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, để NQ TW7 thực sự đi vào cuộc sống một cách bền vững, cần giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra như: huy động nguồn lực đầu tư, xu hướng gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn, hiệu quả thực sự của bài toán liên kết "4 nhà"...

NQ TW7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời được người nông dân trong tỉnh đón nhận một cách hào hứng phấn khởi. Quảng thời gian 5 năm chưa phải đã dài, nhưng kết quả mà người nông dân tỉnh ta đạt được trên mặt trận sản xuất nông nghiệp khá ấn tượng.

Đó là, sản xuất nông nghiệp đã từng bước chuyển từ nông nghiệp số lượng sang chất lượng, mang lại giá trị cao. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2008 -2013 tăng bình quân hàng năm 4,8% (dự kiến năm 2014 tăng 4,5%); cơ cấu nông nghiệp có bước chuyển dịch đáng kể, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 70% năm 2008 xuống 66% năm 2013; lâm nghiệp tăng từ 8% lên 9% và thuỷ sản tăng từ 22% lên 25%  năm 2013...

Mới đây có dịp về xã Cam Thuỷ, Lệ Thuỷ, được Bí thư Đảng uỷ xã Ngô Hữu Soái cho biết: Khi bắt tay thực hiện NQ TW7 trong điều kiện của địa phương có diện tích đất canh tác nông nghiệp phân bố manh mún, chủ yếu là cát trắng, để đưa kinh tế phát triển, Đảng ủy xã xác định vấn đề hàng đầu là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây có giá trị kinh tế vào canh tác, chuyển đổi đất cát sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi... Đảng uỷ chỉ đạo các hội đoàn thể để vận động hội viên, nhân dân thực hiện chủ trương chuyển đổi mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ đề ra, trong đó xác định đảng viên là “đầu tàu”.

Vùng chuyên canh sắn nguyên liệu ở Bố Trạch.
Vùng chuyên canh sắn nguyên liệu ở Bố Trạch.

Trên địa bàn xã chỉ có 300 ha đất canh tác, trong đó cây lương thực chiếm 2/3 với gần 1.000 hộ dân nên không thể bám vào số diện tích đó để canh tác theo lối sản xuất truyền thống để giàu lên được. Đảng ủy đã ra nghị quyết tiến công ra vùng cát, xem vùng cát là tiềm năng mới để đưa kinh tế phát triển. Thông qua các hội đoàn thể, nhân dân tự nguyện nhận đất vùng cát để đào ao thả cá, mở trang trại chăn nuôi, trồng rừng kinh tế và xây dựng cơ sở dịch vụ TTCN...

Kết quả qua 5 năm thực hiện tiến quân ra vùng cát, Cam Thủy đã phát triển được gần 50 ha nuôi các nước ngọt, với thu nhập bình quân mỗi năm 2 vụ đạt 70-100 triệu đồng/ha, giải quyết việc làm cho 300 lao động tại chỗ, thu nhập bình quân 1,5-2 triệu đồng, người/tháng.

Đi đầu trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp là huyện Bố Trạch. Bà con nông dân trong huyện tích cực chuyển đổi đất vùng đồi sang trồng cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. Huyện đã chỉ đạo thực hiện đề án phát triển cây cao su tiểu điền khá tốt.

Đến nay Bố Trạch có hơn 9.000ha cây cao su, chiếm 2/3 tổng số diện tích vườn cây cao su cả tỉnh, trong đó cao su tiểu điền 5.900ha với diện tích đã đưa vào khai thác 2.000ha. Nếu như không bị cơn bão số 10 năm 2013 tàn phá thì diện tích cây cao su của huyện sẽ gấp đôi diện tích lúa. Cùng với cây cao su, cây sắn công nghiệp được người dân Bố Trạch trồng phổ biến ở các vùng gò đồi trong huyện. Niên vụ trồng sắn năm nay, Bố Trạch trồng được 2.700ha sắn, năng suất trên 25 tấn/ha. Người dân trồng sắn ổn định và có lãi cao hơn trồng lúa.

Thành ủy Đồng Hới đã ban hành chương trình hành động thực hiện NQ TW7 với mục tiêu là “Xây dựng nền nông nghiệp của thành phố phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với quá trình đô thị hóa và bảo vệ môi trường”. 

So với các huyện trong tỉnh, thì diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thành phố Đồng Hới không nhiều (diện tích đất lúa 2 vụ khoảng 1.100ha) trong khi đó, ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Mỗi năm trên địa bàn Đồng Hới có khoảng vài trăm ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị thu hồi để xây dựng các công trình, dự án. Theo đó số lao động nông nghiệp thiếu việc làm tăng theo hàng năm.

Để giải quyết vấn đề này Thường vụ Thành ủy Đồng Hới đã ban hành Nghị quyết "chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng rau xanh". Đó là việc mở đầu cho việc chỉ đạo chuyển đổi lối suy nghĩ, cách làm cũ sang phương thức canh tác mới hơn, hiệu quả hơn.

Tổng sản lượng lương thực năm 2014 toàn tỉnh ước đạt 28 vạn tấn, tăng 30% so với năm 2008. Đặc biệt năm 2011 và 2012, sản lượng lương thực đã đạt trên 28,1 vạn tấn, cao nhất từ trước đến nay, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Các địa phương đã chú trọng phát triển vùng lúa thâm canh cao sản; bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, như: sắn, cao su... Mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" trên cây lúa đã xuất hiện ở một số vùng, minh chứng cho  sự đổi thay tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất lâm nghiệp có bước tiến dài, đang trở thành lĩnh vực đầy triển vọng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân 5 năm tăng 8,3%/năm. Những quả đồi hoang chỉ có sim me, bụi rậm ngày nào, dưới bàn tay lao động cần cù của nông dân nay đã trở thành những cánh rừng keo, vườn cao su xanh tốt ngút ngàn tầm mắt.

Nếu có dịp về xã miền núi Trường Xuân (Quảng Ninh) chúng ta sẽ thấy sự vươn lên mạnh mẽ của bà con dân tộc thiểu số nơi này. Chủ tịch UBND xã Trần Văn Anh phấn khởi cho biết, đời sống của người dân bây giờ khá hơn trước nhiều lắm, nhiều bản có ruộng lúa nước, hộ nào cũng có đất có rừng để sản xuất, bà con rất phấn khởi. Từ đường Hồ Chí Minh, qua khỏi cầu Long Đại, rẽ về phía tây chừng vài cây số chúng tôi đã đặt chân lên bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân.

Nhìn bao quát toàn bản thấy đa phần là nhà xây kiên cố, không có nhà tranh, nhà tạm bợ như ở các vùng dân tộc thiểu số khác. Hệ thống điện đường trường trạm ở đây khá chỉn chu, quy cũ. Được biết, bản Lâm Ninh được định canh định cư hơn 30 năm nay, toàn bản có 48 hộ với 153 nhân khẩu, kinh tế đang có bước đi vững chắc, đời sống văn hoá phong phú.

Cơ giới hoá đồng ruộng ở Lệ Thuỷ.
Cơ giới hoá đồng ruộng ở Lệ Thuỷ.

Mấy năm qua, thực hiện chủ trương nhận đất, nhận rừng, bà con trong xã đã nhận trên 1.000 ha đất để trồng rừng, trong đó bà con dân tộc Bru - Vân Kiều được nhận bình quân 2 ha/hộ để trồng cây lâm nghiệp. Toàn xã có 15 trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng rừng, làm ăn có hiệu quả với thu nhập bình quân 60-80 triệu đồng/ha. Huyện Quảng Ninh đã có chính sách trợ giá 100% giống cây lâm nghiệp cho đồng bào Vân Kiều ở hai xã Trường Sơn và Trường Xuân trồng rừng sản xuất; trợ giá 50% giống cây cao su cho hộ dân trồng mới năm 2014.

Điều đáng ghi nhận là đến cuối năm 2013 xã Trường Xuân không còn hộ đói, hộ nghèo còn 183 hộ với 753 khẩu, chiếm 24% (trước đây 5 năm số hộ nghèo là 75%); trẻ em được huy động đến trường đạt tỷ lệ 99% (trong đó trẻ em dân tộc Bru - Vân Kiều 95%, có 10 cháu học ở trường nội trú), 16 em đang theo học đại học, cao đẳng, trong đó có 4 em là người dân tộc Bru - Vân Kiều. Trạm xá của xã được xây dựng khang trang, có bác sĩ phục vụ, các thôn bản đều có y tá chăm sóc sức khỏe cho người dân. Là một xã có đông bà con dân tộc Vân Kiều, nhưng có nhiều bản thành lập câu lạc bộ không sinh con thứ 3 và duy trì hoạt động tốt.

Ở xã Xuân Hóa (Minh Hóa), nhìn lại bức tranh kinh tế 5 năm về trước không mấy sáng sủa.  Do khó khăn về nguồn lực, trình độ dân trí thấp nên bà con chưa mấy chú trọng đến việc khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, nhất là để lãng phí đất rừng. Mặt khác, kỹ thuật canh tác của bà con còn lạc hậu, các yếu tố về cây, con giống chưa được chú trọng, sản xuất chủ yếu theo hướng độc canh nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Thấy được vấn đề đó, nên khi triển khai NQ TW7, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ từng vấn đề, từng việc cụ thể. Với lợi thế trên 90% diện tích tự nhiên là đồi núi, mấy năm qua xã đang phát huy thế mạnh trồng rừng kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với chăn nuôi, trồng rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thành một phong trào “nhà nhà trồng rừng, người người trồng rừng” ở trên địa bàn, đời sống người dân được cải thiện và đến nay không còn hộ đói.

Có thể nói, NQ TW7 về "tam nông" như luồng gió mới, mang đến cho người nông dân lối tư duy và phương thức làm ăn mới. Tuy nhiên, từ thực tiễn, đối chiếu với nội dung của Nghị quyết cho thấy vẫn đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Trọng Thái