.

Đồng Hới chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị

Thứ Năm, 16/10/2014, 08:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả tỉnh, những năm qua, cùng với việc huy động mọi nguồn lực, thực hiện nhiều nhóm giải pháp trên các lĩnh vực công nghiệp-TTCN, du lịch, cơ sở hạ tầng... TP. Đồng Hới đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

Những năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp ở thành phố  Đồng Hới ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng thuỷ sản, giảm tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp và chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá có giá trị, chất lượng cao đã mang lại hiệu quả tích cực cho nông dân trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp của thành phố phát triển khá ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Để thúc đẩy quá trình chuyển dịch nông nghiệp đô thị trên địa bàn, TP đã chú trọng đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống tưới tiêu, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng để bảo đảm sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Các công trình, dịch vụ phục vụ cho trồng trọt và chăn nuôi như cảng cá, chợ cá, khu neo đậu tàu thuyền... cũng được đầu tư đồng bộ.

Cùng với đó, thành phố tập trung giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn bằng việc chuyển dịch kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn. Đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, ngành nghề với các chương trình dạy nghề cho nông dân. Nhờ vậy, việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở một số địa phương trên địa bàn thành phố  đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Nông dân xã Đức Ninh đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Nông dân xã Đức Ninh đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Điển hình như xã Đức Ninh, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua xã đã chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề và xây dựng mô hình sản xuất, tạo điều kiện cho nhân dân xây dựng các gia trại, trang trại...

Vì vậy, trong năm 2013, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã đạt 18 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2012; năng suất lúa đạt trên 2.000 tấn và tổng thu ngân sách nhà nước trên 15 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3%, giảm 0,25% so với năm 2012.

Đặc biệt, trong hơn ba năm qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của thành phố. Rõ nét nhất là kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, đến nay 100% xã, phường trên địa bàn thành phố  đều được sử dụng điện lưới quốc gia; đường liên thôn được nhựa hóa hoặc bê tông; hầu hết các công trình thuỷ lợi đầu mối như hồ chứa nước, trạm bơm, đập dâng, hệ thống kênh chính, nội đồng đã được đầu tư kiên cố, chủ động nước tưới cho hầu hết diện tích sản xuất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản... 

Các dịch vụ chế biến lương thực, thức ăn gia súc, vận chuyển, ăn uống giải khát, cơ khí nhỏ phát triển mạnh phù hợp với xu thế phát triển đô thị. Trên địa bàn thành phố  ngày càng xuất hiện nhiều mô hình theo hướng sản xuất - kinh doanh kết hợp rất hiệu quả.

Hiện thành phố  Đồng Hới đã có các vùng chuyên canh về trồng rau, nuôi trồng thuỷ sản. Các địa phương luôn chủ động xây dựng các mô hình sản xuất đem lại thu nhập cao cho người nông dân như: chăn nuôi lợn theo hướng bán công nghiệp ở Thuận Đức; phát triển các loại cây, con có giá trị kinh tế cao như hoa ly, hoa cúc ở phường Bắc Lý; mô hình nuôi cá sấu, baba, đà điểu, cá đối mục ở xã Bảo Ninh...

Đáng lưu ý là, trên lĩnh vực trồng trọt, để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn, đến nay toàn thành phố Đồng Hới đã triển khai sản xuất gần 10 ha rau an toàn theo tiêu chuẩn Việt Gap với các chủng loại sản phẩm chủ yếu gồm: hành lá, đậu cô ve, mướp đắng, mướp ngọt và cà chua (tuy theo thời vụ để có sản phẩm thích hợp). Trong đó, thôn Đức Hoa (Đức Ninh) có khoảng 3 ha; thôn Cừa Phú (Bảo Ninh) có 3 ha; thôn Thuận Hà (Thuận Đức) có 2 ha và tổ dân phố 6 (Bắc Nghĩa) có diện tích trên 1 ha với tổng kinh phí đầu tư gần 1,2 tỷ đồng.

Các địa phương đã thành lập các tổ hợp tác sản xuất rau và trung bình mỗi tổ có doanh thu đạt khoảng 130-360 triệu đồng/ha/năm (tùy theo từng loại rau), đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 150 lao động có thu nhập ổn định. Có thể nhận thấy rằng, dự án sản xuất rau an toàn đã góp phần nâng cao ý thức của người nông dân trong quá trình tạo ra nguồn thực phẩm an toàn trên địa bàn, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị.

Tình hình chăn nuôi nhỏ, lẻ trên địa bàn thành phố đang có xu hướng giảm dần, bởi nhu cầu phát triển đô thị ngày càng tăng nên diện tích chăn thả bị thu hẹp. Song chăn nuôi gia súc, gia cầm lại tiếp tục phát triển theo hướng mới, là tập trung theo quy mô trang trại bảo đảm môi trường, công tác kiểm dịch vật nuôi được tăng cường, không để bùng phát các loại dịch bệnh...  thành phố cũng đã đầu tư xây dựng một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kinh tế thủy sản thành phố phát triển toàn diện cả về năng lực sản xuất và kết cấu hạ tầng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn thành phố được mở rộng trên 400 ha (tăng gần 90 ha so với năm 2004) và trình độ thâm canh cũng được nâng lên đáng kể đi đôi với việc tập trung nuôi các loại có giá trị kinh tế cao. Điển hình là tại vùng nuôi tôm thâm canh ở xã Bảo Ninh; vùng nuôi cua bán thâm canh ở Phú Hải; nuôi cá nước ngọt ở Đức Ninh...

Khai thác hải sản cũng chuyển dịch tích cực, các xã biển như Bảo Ninh, Quang Phú đã phát triển nhiều nghề có giá trị kinh tế cao, bền vững và bảo vệ môi trường. Đến nay, TP. Đồng Hới đã có đội tàu thuyền 523 chiếc với tổng công suất trên 48.000 CV, trong đó có 151 tàu có công suất trên 90CV tham gia khai thác vùng biển khơi.

Mô hình trang trại nuôi lợn có hiệu quả ở phường Bắc Lý.
Mô hình trang trại nuôi lợn có hiệu quả ở phường Bắc Lý.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng cảnh quan môi trường, rừng ven biển... luôn được thành phố chú trọng và thực hiện khá hiệu quả, góp phần nâng độ che phủ rừng, phục vụ phát triển du lịch sinh thái; chú trọng đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ giống ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị là sản xuất hàng hóa tập trung và có hiệu quả kinh tế cao, trong thời gian tới, thành phố Đồng Hới còn phải triển khai nhiều các giải pháp dài hơi và mang tính bền vững.

Đó là, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp phù hợp yêu cầu phát triển đô thị theo hướng nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch. Phát triển mạnh kinh tế tổng hợp vùng gò đồi phía tây đảm theo hướng trang trại, kết hợp trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh.

Thực hiện có hiệu quả đề án sản xuất rau an toàn và phát triển vành đai rau xanh, rau sạch ở các xã Bảo Ninh, Đức Ninh, Lộc Ninh, Nghĩa Ninh, Đồng Phú. Khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi tập trung theo mô hình trang trại, có quy mô hợp lý, hiệu quả  ở các xã, phường: Bắc Lý, Đồng Sơn, Thuận Đức, Nghĩa Ninh.

Mặt khác, đầu tư tu sửa, nâng cấp, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có; cải tạo, khai thông sông cầu Rào phục vụ cho việc tiêu úng; hoàn thành Chương trình kiên cố hóa kênh mương, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống thủy nông, bảo đảm đến năm 2015 tỷ lệ tưới tiêu đạt 100%. thành phố cũng cần phải tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và đẩy mạnh công tác trồng rừng, sử dụng có hiệu quả vốn rừng hiện có đi đôi với tích cực trong công tác giao đất, giao rừng để phát triển nhanh kinh tế tổng hợp vùng gò đồi.

Đặc biệt, phát triển mạnh kinh tế biển trở thành ngành kinh tế quan trọng. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện cả đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ. Từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành thuỷ sản bằng cách mở rộng ngư trường, chú trọng đánh bắt xa bờ, kết hợp khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. 

N.L