.

Người phụ nữ vượt khó làm giàu

Thứ Hai, 20/10/2014, 14:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Mạnh dạn, táo bạo, dám nghĩ dám làm, giàu lòng nhân hậu, đó là những gì mà chúng tôi được giới thiệu về chị Nguyễn Thị Hương (1963), một tấm gương đầy nghị lực, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng ở thôn Tam Đa, xã Sơn Hoá (Tuyên Hoá).

>> Hiệu quả từ mô hình "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" ở Hội Phụ nữ phường Đồng Mỹ

Về Tam Đa, chúng tôi không mấy khó khăn để tìm được nhà chị Hương nhờ sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân trong thôn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, rộng rãi, chị Nguyễn Thị Hương không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại những ngày tháng vất vả mà hai vợ chồng chị đã trải qua.

Sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông con nên tuổi thơ của chị rất vất vả. Đến năm 1984, chị đi lấy chồng với hai bàn tay trắng. Một năm sau, chị được nhà chồng cho ra ở riêng cùng với mấy sào ruộng. Hai bên nội, ngoại đều nghèo, vất vả nên chẳng hỗ trợ thêm được gì.

Chồng chị lúc đó là bộ đội phục viên cũng không có tài sản, nghề nghiệp gì trong tay. Thế rồi, các con chị Hương lần lượt ra đời khiến cuộc sống gia đình chị càng thêm bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Không cam chịu đói nghèo, chị bàn với chồng tìm phương thức phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống cho các cơn đỡ khổ. Và rồi anh chị quyết định đầu tư vào chăn nuôi. Bằng ý chí và nghị lực của mình chị đã vượt qua khó khăn cùng chồng xây dựng cuộc sống.

Ban đầu với nguồn vốn ít ỏi, chị tiết kiệm chi tiêu trong gia đình để đầu tư vào chăn nuôi lợn. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, dần dần chị Hương đã tăng số lượng đàn lợn của gia đình. "Xác định chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, vì vậy tôi dồn hết công sức và tâm huyết vào đó. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn không chán nản, bỏ cuộc", chị Hương chia sẻ.

Đàn bò của chị Hiền.
Chị Nguyễn Thị Hương đầu tư phát triển đàn gia súc để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Trong quá trình chăn nuôi, chị luôn học tập kinh nghiệm của các mô hình chăn nuôi khác qua sách báo, nghe đài, xem ti vi, đồng thời bảo đảm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin định kỳ nên đàn lợn của gia đình chị sinh trưởng và phát triển nhanh...

Từ kinh nghiệm tích lũy và thấy được hiệu quả kinh tế, những năm sau đó, với số vốn tích cóp được từ chăn nuôi gia đình chị tiếp tục đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Ngoài nuôi lợn, chị đầu tư nuôi thêm trâu, bò, mua thêm máy xát gạo, máy gặt lúa về phục vụ bà con trong vùng. Không dừng lại ở đó, người phụ nữ chịu thương chịu khó ấy còn phát triển trồng trọt các loại cây ngắn ngày lẫn dài ngày như lạc, ngô, sắn, tràm; đầu tư kinh doanh vật tư, lân, đạm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đi thăm cơ ngơi của chị mới thấy hết công sức và ý chị của vợ chồng người phụ nữ này. Hiện tại với đàn trâu, bò gần 30 con, 2ha rừng tràm cùng với việc kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp, máy xát gạo, gặt lúa đồng thời phát triển thêm trồng trọt, mỗi năm, gia đình chị thu lãi trên 100 triệu đồng. Từ chỗ là hộ nghèo của địa phương, vợ chồng chị Hương đã tạo dựng được cơ ngơi nhiều người mơ ước, nuôi dạy 5 đứa con ăn học nên người.

Không chỉ là tấm gương vượt khó làm giàu bằng chính quyết tâm, nghị lực của bản thân, chị Nguyễn Thị Hương còn được người dân địa phương hết lòng yêu mến vì sự nhân hậu, luôn quan tâm đến người nghèo khó. Nhận thấy mô hình trang trại chăn nuôi của gia đình đạt hiệu quả cao, chị không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, thông tin với mọi người để cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu.

Những hộ nghèo không có điều kiện sản xuất, chị sẵn sàng cho vay vốn làm ăn với lãi suất thấp hoặc không tính lãi, có khi lại giúp về con giống. Đầu tư kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp nhưng chị không đặt nặng vấn đề lời lãi mà chủ yếu là để giúp bà con trong xã. Biết người dân quê mình còn nhiều nghèo khó, chị cho họ mua chịu phân bón, vật tư đến khi thu hoạch nếu có tiền thì trả bằng tiền không thì trả bằng lúa, lạc.

Chẳng thế mà cửa hàng của chị luôn tấp nập người ra kẻ vào. “Gia đình tui biết ơn chị Hương nhiều lắm. Nhờ có chị mà chúng tôi có được bò giống để chăn nuôi, lại còn được chị cho nợ lân, đạm để trồng lúa, trồng màu. Hầu như người dân cả xã Sơn Hóa, thậm chí cả huyện đều được chị cho mua chịu phân bón, vật tư đến vụ thu hoạch mới trả”, chị Phạm Thị Nhạn, một người dân thôn Kim Sơn, xã Sơn Hoá chia sẻ.

Với ý chí quyết tâm và sự cần cù, chịu khó chị Nguyễn Thị Hương xứng đáng là tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu để các chị em phụ nữ nói riêng và các hộ dân nói chung học tập, làm theo.

P.V