.
Chung sức xây dựng nông thôn mới:

Xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Hóa: Chồng chất khó khăn

Thứ Sáu, 17/10/2014, 10:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tuyên Hóa đã đạt được những kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, để hoàn thành được các tiêu chí theo chủ trương chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện miền núi này đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất.

Những khó khăn đặc thù

Theo ông Hoàng Minh Đề, Chủ tịch UBND huyện thì nguyên nhân cơ bản dẫn đến những khó khăn trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM của địa phương là do xuất phát điểm thấp so với các địa phương trong tỉnh. Các chương trình, dự án triển khai thực hiện trên địa bàn huyện còn ít, nên kinh phí để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân còn gặp khó khăn.

Đặc thù địa hình của huyện Tuyên Hóa bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối khá dày và đồi núi hiểm trở, trong khi đó Chương trình xây dựng NTM lại liên quan đến nhiều lĩnh vực và được triển khai rộng khắp trên các địa bàn vùng nông thôn; cách thức thực hiện là vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh, dẫn đến một số xã còn lúng túng trong quá trình chỉ đạo.

Một nguyên nhân khách quan nữa dẫn đến những khó khăn trong xây dựng NTM của huyện Tuyên Hóa là hầu hết diện tích đất để quy hoạch sản xuất manh mún, không tập trung; chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, thu nhập bình quân đầu người của dân cư vùng nông thôn còn thấp và thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao... dẫn đến công tác huy động nguồn đóng góp của người dân còn hạn chế.

Ngoài ra, do chịu ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thời gian qua ít phát triển, kéo theo là sức đóng góp của các doanh nghiệp cũng như các thành phần kinh tế khác để xây dựng NTM chưa đáp ứng yêu cầu.

Khách quan mà nói, Tuyên Hóa là một trong những địa phương thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng NTM. Điều đó được chứng minh bằng việc các tầng lớp nhân dân trong huyện đã tích cực tham gia hưởng ứng, đóng góp nhiều ngày công, hiến tài sản với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên mặt bằng chung thì nhận thức của người dân về Chương trình xây dựng NTM vẫn có mặt còn hạn chế, còn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, dẫn đến việc huy động nội lực còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song đến thời điểm hiện tại, Tuyên Hóa mới chỉ có 3/19 xã hoàn thành tiêu chí về thủy lợi.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song đến thời điểm hiện tại, Tuyên Hóa mới chỉ có 3/19 xã hoàn thành tiêu chí về thủy lợi.

Từng có nhiều năm theo dõi địa bàn, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là, huyện miền núi này thường xuyên bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão lũ, thiên tai. Đặc biệt, nhiều công trình phục vụ đời sống nhân dân bị hư hỏng nghiêm trọng, trong khi đó kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa rất hạn chế, dẫn đến việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM gặp nhiều trở ngại.

Rất cần sự hợp lực của các cấp, ngành

Cũng theo ông Hoàng Minh Đề, giải quyết khó khăn có tính đặc thù để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM của huyện miền núi Tuyên Hóa trước hết là lĩnh vực giao thông. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản hệ thống đường liên xã đã được nhựa hóa và bê tông hóa.

Riêng có 2 tuyến đường liên xã cần được đầu tư cho 2 xã vùng cao, đó là: Đường nối từ xã Mai Hóa đi xã Ngư Hóa với chiều dài trên 18km chỉ mới được nhựa hóa trên 5 km và tuyến đường nối từ xã Châu Hóa đi xã Cao Quảng với chiều dài trên 12km mới chỉ bê tông hóa được trên 3km. Do hai tuyến đường này chưa được đầu tư hoàn thiện nên việc đi lại của người dân hai xã Ngư Hóa và Cao Quảng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng....

Ngoài hai tuyến đường liên xã nói trên thì hệ thống đường liên thôn, nội thôn trong toàn huyện chưa được bê tông hóa chiếm tỷ lệ trên 60%; các tuyến đường giao thông nội đồng hầu hết chưa được cứng hóa. Thống kê đến thời điểm hiện tại, có 6 cầu dân sinh qua sông Gianh chưa được đầu tư xây dựng. Với thực trạng này việc hoàn thành tiêu chí về đường giao thông đối với huyện miền núi Tuyên Hóa là vô cùng khó khăn, bởi kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Sau hơn 3 năm nỗ lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chỉ có 3/19 xã đạt tiêu chí thủy lợi. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi hệ thống kênh mương chưa được kiên cố hóa chiếm trên 40%. Toàn huyện có đến 145 công trình thủy lợi năng lực tưới rất thấp, nhiều công trình xây dựng lâu nay đã xuống cấp.

Đặc biệt, hàng năm sau mỗi đợt lũ lụt, hệ thống thủy lợi bị thiệt hại tương đối lớn. Về cơ sở vật chất, hệ thống các thiết chế văn hóa, trên địa bàn huyện có trên 156 nhà văn hóa thôn cần được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp. Ngoài ra, để góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho người dân, các hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cũng cần có sự đầu tư bài bản. Giải quyết cơ bản khó khăn này cần số kinh phí trên 100 tỷ đồng

Hoàn thành tiêu chí về cơ sở vật chất trường học cũng là nhiệm vụ rất khó khăn của huyện. Hiện mới chỉ có 2/19 xã đạt tiêu chí này. Điều đó đồng nghĩa với số trường, số phòng học và các công trình phụ trợ phục vụ công tác dạy học cần được đầu tư tương đối lớn. Trong những năm qua, huyện đã tranh thủ nguồn vốn của một số chương trình, dự án để đầu tư, nhưng do nhu cầu quá lớn chẳng thấm vào đâu. Thống kê sơ bộ cho thấy, cần khoản kinh phí lên đến trên 200 tỷ đồng nữa mới có thể hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất trường học

Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Tuyên Hóa còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Thêm vào đó là diện tích đất sản xuất manh mún, không tập trung, diện tích đất canh tác bình quân đầu người ở mức thấp nên khó khăn cho việc thâm canh, tăng năng suất cũng như hình thành các khu vực sản xuất hàng hóa tập trung. Đặc biệt, là các hộ đồng bào dân tộc Mã Liềng tại 2 xã Lâm Hóa và Thanh Hóa chưa có đủ đất để bảo đảm an ninh lương thực... Đây là những khó khăn, trở ngại không thể tháo gỡ trong một sớm, một chiều.

Hoàn thành các tiêu chí thực hiện Chương trình xây dựng NTM theo chủ trương chung là quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuyên Hóa. Tuy nhiên, để giải quyết những khó khăn vướng mắc nói trên, huyện miền núi này rất cần có sự hợp lực của các cấp ngành, địa phương.

Nguyễn Hoàng

Hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 201 trường hợp

Từ đầu năm đến nay, huyện Tuyên Hóa đã hoàn thành hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 201 trường hợp với diện tích 410.785 m2. UBND huyện đã đôn đốc đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai tại 16 xã có dự án đầu tư; chỉ đạo các phòng, ban chức năng tiếp tục giải quyết các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý đất đai trên địa bàn; tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với bà Nguyễn Thị Loan ở xã Tiến Hóa bảo đảm an toàn và đúng pháp luật.

Ngoài ra, UBND huyện cũng đã thực hiện quyết định thu hồi đất để giải phóng mặt bằng xây dựng 8 công trình, với diện tích 124.069 m2; thu hồi 3.358 m2 đất do các hộ gia đình, cá nhân hiến đất để làm đường giao thông nông thôn; thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để thi công 7 công trình, dự án trên địa bàn, với giá trị bồi thường, hỗ trợ trên 6 tỷ đồng.

Tùy Phong

58 thôn, tiểu khu được công nhận “Khu dân cư văn hóa”

Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 58 thôn, tiểu khu được công nhận “Khu dân cư văn hóa”, 67 cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, 13.392 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Huyện cũng đã hoàn thành xóa 2 điểm trắng về “Khu dân cư văn hóa” (xã Lê Hóa, Thanh Hóa). Trong 9 tháng năm 2014 có 25 thôn, tiểu khu đăng ký xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, 15.074 hộ gia đình đăng ký công nhận gia đình văn hóa năm 2014. 

Liên quan đến lĩnh vực này, huyện đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc hoàn thành các thủ tục tôn tạo Di tích lịch sử hang Lèn Hà giai đoạn 2; tổ chức đón nhận bằng Di tích lịch sử chùa Lèn Bụt tại xã Cao Quảng. Triển khai công tác sưu tầm và trưng bày, bổ sung trên 80 hiện vật, ảnh các loại để duy trì việc mở cửa đón khách tham quan Nhà truyền thống huyện.

P.V