.

Nông dân điêu đứng vì sâu róm "tấn công" rừng thông

Thứ Năm, 23/10/2014, 09:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Khoảng 3 tháng trở lại đây, hàng trăm ha rừng thông ở xã miền núi Lâm Trạch, huyện Bố Trạch đã bị sâu róm ồ ạt "tấn công" ăn trụi hết lá. Măc dù người dân đã nhiều lần tiến hành phun thuốc, thực hiện các biện pháp diệt trừ sâu theo sự hướng dẫn của chính quyền xã nhưng "dịch sâu róm" vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. "Nếu không có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ người dân diệt trừ sâu róm, nguy cơ lây lan ra diện rộng là điều khó lòng tránh khỏi..."-nhiều người dân ở 3 xã Lâm Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch bày tỏ sự lo lắng...

Có mặt tại nhiều cánh rừng thông ở xã Lâm Trạch vào ngày 16-10-2013, chúng tôi chứng kiến hàng vạn con sâu róm bò lúc nhúc và đeo bám khắp nhiều vạt rừng trồng thông. Ở những nơi xuất hiện sâu róm, rừng thông bị trơ trụi lá, trông rất thảm hại...

Ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng thôn 2, xã Lâm Trạch nói: Toàn thôn có hơn 100 ha rừng thông. Đây là những diện tích mà Dự án trồng rừng Việt-Đức hỗ trợ và đã chuyển giao hết cho người dân. Toàn bộ diện tích nói trên đều được trồng vào năm 2001.

Khoảng 3 tháng trở lại đây, sâu róm đã "tấn công" ồ ạt vào các khu rừng trồng thông của người dân trong xã. Thôn tui là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ nạn sâu róm tàn phá rừng thông, với khoảng 90% diện tích bị sâu róm phá hoại, không thể khai thác nhựa được. Các chú cứ nhìn vào mấy vạt thông cháy đen, trơ trụi lá là biết "dịch sâu róm" khủng khiếp như thế nào.

Người dân trong thôn đã tiến hành phun thuốc và thực hiện các biện pháp diệt trừ sâu theo sự hướng dẫn của chính quyền xã, nhưng chẳng mấy hiệu quả. Hầu hết các hộ dân trong thôn đều phun thuốc diệt trừ sâu từ 2-3 đợt (mỗi đợt tiêu tốn khoảng 1 triệu đồng/ha), nhưng hễ lá non mọc lên thì sâu lại ồ ạt xuất hiện và ăn tiếp lá đến trơ trụi...

Một khu rừng thông ở thôn 2, xã Lâm Trạch bị sâu róm phá hoại.
Một khu rừng thông ở thôn 2, xã Lâm Trạch bị sâu róm phá hoại.

Ông Luyến kể: Từ bao đời nay, người dân trong thôn sống chủ yếu dựa vào sản xuất mấy sào ruộng một vụ và đất màu, nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau hơn 10 năm được hưởng lợi từ Dự án trồng rừng Việt-Đức, bỏ công chăm sóc, đợi chờ..., cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, người dân trong thôn mới bắt đầu tiến hành khai thác nhựa thông. Giá nhựa thông thời gian gần đây rất được, mỗi kg nhựa đều được thương lái thu mua khoảng 30 nghìn đồng. Bình quân mỗi ha thông cho lượng nhựa hơn 3 tạ/tháng, tính thành tiền chừng 10 triệu đồng/ha. Đây là khoản thu nhập rất cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 65 hộ (cuối năm 2012) xuống còn dưới 40 hộ (tính đến thời điểm này)...

Anh Nguyễn Sỹ Hùng (thôn 2, xã Lâm Trạch), nhà có 4 ha thông tâm sự: Toàn xã chỉ có một máy phun thuốc diệt sâu róm hại thông, nên phải tiến hành phun lần lượt cho từng hộ một. Phun các loại thuốc, sâu róm chỉ bị diệt và khống chế một thế hệ mà thôi. Vòng đời sau của nó lại tiếp tục phát triển và gây hại. Sâu xuất hiện trên thông nhiều lắm, mỗi lần phun thuốc, chúng rớt như mưa, thấy mà rợn người, nhiều con thân to hơn chiếc đũa... Nhiều hôm đi phun thuốc về mệt nhoài, không thể nào nuốt nổi bát cơm. Đã thế, sâu rớt vào người, nên toàn thân sưng tấy, ngứa ngáy không chịu nổi...

Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch, Nguyễn Sỹ Phúc cho biết: Xã Lâm Trạch hiện có khoảng 900 hộ, với 3.900 nhân khẩu. Do điều kiện kinh tế ở địa phương khó khăn, khoảng 70 % thanh niên trong xã đều phải đi làm ăn xa, nhiều người vào tận miền Nam để kiếm kế sinh nhai. Được sự hỗ trợ từ Dự án trồng rừng Việt-Đức, toàn xã hiện có trên 600 ha thông (trong đó hầu hết đã đưa vào khai thác nhựa), với khoảng 40% hộ dân trong xã có thông, hộ ít thì 1 ha, hộ nhiều khoảng 2-5 ha.

Từ tháng 4-2014, sâu róm bắt đầu xuất hiện rải rác trên cây thông. Khoảng 3 tháng trở lại đây, sâu xuất hiện ồ ạt với mật độ dày đặc, chúng tôi ước tính có gần 200 ha thông của xã đã bị sâu "tấn công" không thể khai thác nhựa được (nặng nhất tập trung tại thôn 1,2,3). Chúng tôi đã báo cáo sự việc này lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch và các đơn vị nói trên đã cử người về phối hợp xử lý...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước tình trạng "dịch sâu róm" ồ ạt "tấn công"  rừng thông, đã có 4 hộ ở thôn 2, xã Lâm Trạch góp tiền lại với nhau để mua 1 máy phun thuốc diệt trừ sâu với giá 10 triệu đồng. Tuy nhiên, do việc phun thuốc diễn ra không đồng bộ, địa hình dốc, khó khăn về nguồn nước... nên hiệu quả diệt trừ sâu trên thông không cao.

Hàng trăm ha rừng thông ở xã Lâm Trạch đã và đang bị sâu gây hại, nhưng chưa được các ngành chức năng, người dân khống chế hiệu quả. Trong khi đó, nhiều hộ dân ở xã Lâm Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch có diện tích rừng thông gần kề với khu vực "dịch sâu róm" vẫn đang trong tình trạng thấp thỏm lo âu sâu róm sẽ tràn sang tàn phá rừng thông của họ...

V.Minh-C.Hợp